Cảnh báo về bệnh viêm não Nhật Bản ở người và vật nuôi tại Australia
Ngày 23/11, giới chức bang New South Wales (NSW) của Australia kêu gọi người dân đề phòng bệnh viêm não Nhật Bản khi bang này bước vào giai đoạn thời tiết ẩm ướt.
Chính quyền bang kêu gọi chủ trang trại chăn nuôi quan sát các dấu hiệu mắc bệnh này vì virus vẫn đang tồn tại ở nhiều nơi trong bang.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp của NSW, ông Dugald Saunders cho biết viêm não Nhật Bản do virus JEV gây ra, thông qua muỗi truyền bệnh và phổ biến ở những khu vực có muỗi hoạt động mạnh. Muỗi sẽ sinh sôi mạnh trong những tuần tới vì thời tiết ẩm ướt trên toàn bang. Theo ông, sau đợt mưa lớn vừa qua và khi nhiệt độ ấm hơn chính là “các điều kiện lý tưởng cho bệnh viêm não Nhật Bản lan rộng”.
Ông Saunders cho biết bệnh này không gây nguy cơ về an toàn thực phẩm nhưng có thể làm giảm 50 - 70% khả năng sinh sản của lợn. Quan chức này kêu gọi nông dân cảnh giác cao độ về khả năng vật nuôi ốm, với các triệu chứng nhiễm virus gồm thân nhiệt cao, vàng da, không tỉnh táo, biếng ăn và các dấu hiệu thần kinh như không hợp tác hoặc tầm nhìn giảm. Người nhiễm virus JEV hầu như không có triệu chứng nhưng một số ít trường hợp có thể mắc bệnh nặng và thậm chí tử vong.
Người phụ trách y tế của bang NSW, ông Brad Hazzard cũng cảnh báo người dân sống hoặc thường xuyên làm việc ở những khu vực đã được xác định là có bệnh cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa như tiêm vaccine và mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt. Bang NSW sẽ cung cấp vaccine ngừa JEV miễn phí cho người từ 2 tháng tuổi trở lên đang sống hoặc thường xuyên làm việc tại các khu vực có nguy cơ cao về JEV hoặc có nguy cơ cao tiếp xúc với muỗi.
Kể từ khi JEV được phát hiện lần đầu tiên tại Australia vào năm 1995, số ca nhiễm ở người rất hiếm gặp, song có xu hướng gia tăng trong năm 2022 và xuất hiện ở nhiều bang khác nhau. Từ ngày 1/1/2021 đến ngày 19/10/2022, Australia đã ghi nhận tổng cộng 42 ca nhiễm JEV.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở châu Á - Thái Bình Dương. Bệnh lây theo đường máu qua vết muỗi đốt. Năm 1938, các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm ra loài muỗi Culex Tritaeniorhynchus lây truyền bệnh này, sau đó xác định được vật chủ và ổ chứa chính của virus gây bệnh là loài lợn và chim. Viêm não Nhật Bản gây nhiều biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng gồm viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, suy kiệt, loét, suy hô hấp...