Cảnh báo về sự bùng phát dịch bệnh mới
Trong bối cảnh thế giới vẫn phải tiếp tục đối mặt với đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế cảnh báo, nhiều loại virus mới xuất hiện, như loại gây ra bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là không thể tránh khỏi trong những năm tới. Vì vậy, thế giới cần giám sát tốt hơn để đón đầu và đối phó hiệu quả với các loại mầm bệnh mới tiềm ẩn.
Biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân?
Theo Global News, sự xuất hiện gần đây của bệnh đậu mùa khỉ khiến các nhà nghiên cứu phải nhanh chóng đua nhau tìm cách thức mà loại virus truyền nhiễm hiếm gặp này sử dụng để lan rộng hiện nay ở nhiều quốc gia, kể cả những nơi chúng chưa từng xuất hiện xưa nay. Trong khi đó, các trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em cũng gây lo ngại của một số nước.
Tiến sĩ Theresa Tam, một quan chức hàng đầu về y tế công của Canada cho biết: “Bệnh truyền nhiễm mới có thể tấn công chúng ta”. “Và chúng ta nên chuẩn bị hết sức có thể, có nghĩa phải tăng cường năng lực y tế công trên toàn cầu”.
Theo các chuyên gia y tế, biến đổi khí hậu và sự gia tăng tương tác giữa con người với động vật hoang dã là những yếu tố góp phần dẫn đến sự xuất hiện của các loại virus “phần lớn do con người tạo ra”. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, đây là lý do tại sao sự bùng phát của các bệnh dịch đang ngày càng trở nên dai dẳng và thường xuyên hơn.
Giám đốc về các trường hợp khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, cho biết trong cuộc họp báo mới đây rằng, động vật và con người đang thay đổi hành vi của mình, bao gồm cả thói quen tìm kiếm thức ăn để thích nghi với điều kiện thời tiết thay đổi nhanh chóng liên quan đến biến đổi khí hậu. Kết quả là, các bệnh thường chỉ có trên động vật đang ngày càng lây lan sang con người.
Theo ông, thật không may, khả năng khuếch đại căn bệnh và lây lan nó trong cộng đồng của chúng ta đang mạnh lên, vì vậy, cả yếu tố phát sinh bệnh và yếu tố khuếch đại bệnh đều tăng lên.
Tiến sĩ Horacio Bach, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học British Columbia, Canada giải thích: Không khí và nước ấm hơn khiến virus và vi khuẩn dễ dàng phát triển và sinh sôi. Còn Tiến sĩ Donald Vinh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và là nhà vi trùng học y tế tại Trung tâm Y tế Đại học McGill cũng ở Canada, đánh giá tình hình hiện nay là một “tình huống hỗn loạn”.
Ông chia sẻ: “Chúng ta đang ở trong sự cân bằng mong manh với môi trường của mình… Và thật không may, nếu chúng ta không tôn trọng môi trường, thì môi trường sẽ đưa đến cho chúng ta những lỗi mà chúng ta chưa chuẩn bị đối phó”.
Có bất kỳ liên kết nào đến Covid-19 không?
Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra hiện nay. Thực tế, dân số toàn cầu đang kiệt sức sau hai năm hoành hành của đại dịch Covid-19, nay lại phải phải đối mặt với loạt tin tức về sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế không tin rằng đợt bùng phát mới nhất sẽ biến thành đại dịch khác.
Mặc dù cả hai đều là bệnh truyền nhiễm, nhưng ông Horacio Bach cho biết, sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ không liên quan đến sự lây truyền Covid-19 trên toàn cầu, vì nó là “loại virus hoàn toàn khác”.
Nhiều chuyên gia đang gọi bệnh đậu mùa khỉ, bệnh lưu hành ở ít nhất 10 quốc gia châu Phi là “căn bệnh bị bỏ quên”, vì chưa có đủ nghiên cứu hoặc các loại thuốc được phát triển để điều trị nó.
Trong khi các cuộc điều tra đang diễn ra, “sự xuất hiện đột ngột và bất ngờ của bệnh đậu mùa khỉ đồng thời ở một số quốc gia vốn chưa từng xuất hiện bệnh cho thấy nó có thể đã có sự lây truyền không bị phát hiện trong một khoảng thời gian không xác định, theo sau các sự kiện phát tán gần đây”, WHO cho biết trong một cập nhật hôm thứ bảy tuần trước.
Đối với bệnh viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em, một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ có thể có với việc nhiễm Covid-19. Các nhà khoa học cho biết, việc nhiễm adenovirus, một loại virus phổ biến ở trẻ em, là giả thuyết hàng đầu cho các trường hợp mắc bệnh gần đây. Cả SARS-CoV-2, virus gây ra bệnh Covid-19 và adenovirus đều đã được phát hiện trong một số trường hợp. Tuy nhiên, theo WHO, vai trò chính xác của các loại virus này trong việc gây ra bệnh viêm gan nặng vẫn chưa rõ ràng.
Phản ứng và giám sát toàn cầu
Để ứng phó tốt hơn với các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, cần giám sát tốt hơn, tăng cường hợp tác toàn cầu và nâng cao năng lực y tế. Theo họ, việc tập hợp mọi quốc gia ở mức độ hợp lý là thực sự quan trọng. Đồng thời, phản ứng toàn cầu cần công bằng và đến sớm trước khi dịch bùng phát lớn, lan rộng ra các khu vực khác nhau trên thế giới. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần tích cực nghiên cứu và tìm kiếm các mầm bệnh mới tiềm ẩn để khi chúng xuất hiện và trở thành vấn đề, thế giới sẽ có giải pháp trong tay. Nghĩa là phải đi trước, đón đầu để đối phó, chứ không phải đến khi lây nhiễm lan rộng trong cộng đồng rồi mới bắt đầu nghiên cứu.
Ngày 5.6, WHO công bố đã có tổng cộng 780 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận trong phòng thí nghiệm từ 27 quốc gia không có dịch bệnh, đồng thời nhắc lại rằng nguy cơ dịch bệnh toàn cầu là ở mức trung bình. Tuy không thực sự là “làn sóng dịch bệnh” nhưng WHO cho rằng việc lây lan bệnh đậu mùa khỉ đang ở trong tình trạng báo động. Tuần trước, WHO đã phải triệu tập cuộc họp trực tuyến với hơn 500 chuyên gia và 2.000 người tham gia thảo luận, chia sẻ các kiến thức về bệnh đậu mùa khỉ cũng như các ưu tiên nghiên cứu.
Theo số liệu mới nhất từ WHO, các quốc gia trước đây chưa từng xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ mà nay báo cáo nhiều ca bệnh nhất là Anh (207), Tây Ban Nha (156), Bồ Đào Nha (138), Canada (58) và Đức (57). Mặc dù, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong vì căn bệnh này ở những nước chưa từng xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ, thì tại các quốc gia mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu, số ca mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng.
Các quốc gia mà đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu gồm Cameroon, Trung Phi, CH Congo-Brazzaville, CHDC Congo, Liberia, Nigeria, Sierra Leone, Gabon, Côte d'Ivoire và Ghana - nơi mới ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ ở động vật. Trong số 7 quốc gia đầu tiên được liệt kê, 66 ca tử vong do mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trong 5 tháng đầu năm 2022.