Cảnh báo về sự chệch hướng văn hóa ứng xử trong nhà trường
Liên tiếp trong vài ngày qua, sự việc hai giáo viên ở Hà Nội có hành vi, lời nói thiếu chuẩn mực gây phẫn nộ trong dư luận. Dù cơ quan chức năng đang điều tra, song, sự việc đã bộc lộ trách nhiệm và cả sai lầm của giáo viên.
Một lần nữa, mối lo ngại về văn hóa ứng xử của nhà giáo lại “nóng” lên khi đây không phải lần đầu xảy ra, đòi hỏi cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc xử lý để ngăn chặn các sự việc, hành vi tương tự, xây dựng môi trường học tập tôn trọng và an toàn hơn cho học sinh.
Hành vi không thể chấp nhận
Bước sang tuần thứ hai của năm học 2023-2024, bên cạnh vấn đề thu - chi, ngành Giáo dục Hà Nội đối diện với sự bức xúc không nhỏ từ dư luận xã hội khi chỉ trong chưa đầy một tuần, tại hai trường học của thành phố xảy ra sự việc nhà giáo có hành vi, lời nói chưa chuẩn mực với học sinh.
Theo đó, tối 29-9, trên mạng xã hội xuất hiện clip một cô giáo có hành động túm cổ áo học sinh nữ, kéo từ hành lang vào lớp học. Sự việc được xác định xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn).
Tiếp đó, tối 1-10, dư luận thêm bức xúc khi trên mạng xã hội xuất hiện clip với tựa đề “Thầy giáo lại ứng xử không giống thầy giáo”. Trong clip, một thầy giáo đứng trên bục giảng, xưng “mày - tao”, chỉ tay vào mặt và mắng một học sinh nam với nhiều từ ngữ không chuẩn mực. Sự việc xảy ra trong giờ học tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Thạch Thất (huyện Thạch Thất).
Thời điểm này, cả hai giáo viên kể trên đã bị tạm đình chỉ công tác giảng dạy và các nhiệm vụ của nhà trường để phục vụ cơ quan chức năng điều tra, làm rõ sự việc. Ông Phạm Hải Lương, phụ huynh học sinh lớp 11D3 Trường Trung học phổ thông Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cho biết rất bức xúc khi xem clip.
“Cách xưng hô mày - tao” của một người thầy khi đang trong giờ dạy tại trường là không thể chấp nhận. Có thể thấy rõ trách nhiệm và sai lầm của giáo viên ở từng sự việc cụ thể, đòi hỏi cơ quan chức năng cần khẩn trương làm rõ, xác định mức độ vi phạm và có biện pháp xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn các sự việc, hành vi tương tự” - ông Phạm Hải Lương nêu quan điểm.
Còn bà Nguyễn Thị Thu Hoài, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Tây Hồ) bày tỏ, rất lo lắng nếu môi trường học tập của các con còn tồn tại hoặc còn có nguy cơ xảy ra các sự việc, hành vi tương tự. Vì những lời nói, hành vi của nhà giáo ảnh hưởng rất lớn đến học sinh.
“Tôi cho rằng học sinh và đồng nghiệp của các thầy, cô trong clip cũng bị ảnh hưởng nhất định về tâm lý và việc giảng dạy, học tập. Cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm sự việc để học sinh yên tâm học tập”, bà Nguyễn Thị Thu Hoài đề xuất.
Dù là sự việc hi hữu, song vấn đề xây dựng văn hóa học đường để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hạnh phúc như chủ trương của toàn ngành một lần nữa “nóng” lên.
Đã có nhiều văn bản, quy định liên quan đến công tác xây dựng văn hóa học đường được ngành Giáo dục triển khai, gần đây nhất là Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1-6-2022 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường”. Tuy nhiên, hiệu quả triển khai vẫn chưa được như mong muốn, vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra gây bức xúc dư luận, để lại bài học đắt giá về sự ứng xử của nhà giáo nói riêng, việc xây dựng văn hóa học đường nói chung.
Không bao che cho hành vi thiếu chuẩn mực
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã và đang chỉ đạo các nhà trường, đơn vị liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ sự việc và sẽ công khai kết quả điều tra. Căn cứ vào mức độ vi phạm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ xử lý nghiêm khắc, đúng quy định để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh; đồng thời triển khai giải pháp ngăn chặn các hành vi tương tự.
“Thành phố Hà Nội sẽ xử lý nghiêm khắc và tinh thần là không bao che, nể nang, dễ dãi với những hành vi không chuẩn mực của nghề, bảo đảm môi trường học tập tốt nhất cho học sinh”, ông Trần Thế Cương khẳng định.
Trước thông tin về việc Trường Trung học phổ thông Đa Phúc sẽ xử lý các học sinh quay clip, tối 4-10, thông tin với phóng viên Báo Hànôịmới, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Hiện tại, các học sinh liên quan vẫn đi học bình thường, không có việc học sinh bị xử phạt vì quay clip. Nhà trường vẫn đang tích cực phối hợp với cơ quan công an để xác minh sự việc.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, qua những vụ việc đáng tiếc vừa xảy ra, sai lầm của giáo viên phần nào đã rõ và phải nhận trách nhiệm trước nhà trường, cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều cần quan tâm hơn là những tổn thương mà học sinh phải gánh chịu. Ngoài việc thăm hỏi, động viên, nhà trường cần cử giáo viên thường xuyên sẻ chia, quan tâm, giúp các em lấy lại cân bằng và giảm thiểu tổn thương về sức khỏe tinh thần.
Lấy “xây” để “chống”
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, môi trường học đường chịu tác động đa chiều từ xã hội, mối quan hệ giữa nhà giáo với học sinh ngày càng bình đẳng hơn, việc bảo đảm an toàn trường học cũng như xây dựng, duy trì văn hóa học đường là khó khăn không nhỏ.
Với thành phố Hà Nội, đây là một thách thức lớn, bởi có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường, hơn 2,2 triệu học sinh và hơn 120 nghìn giáo viên các cấp học.
Với tinh thần lấy “xây” để “chống”, các nhà trường đã, đang kiên trì, bền bỉ triển khai nhiều nội dung nhằm xây dựng văn hóa học đường an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Bên cạnh việc duy trì giảng dạy đại trà bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh, từ năm học 2022-2023, ngành Giáo dục quận Hoàn Kiếm thực hiện thí điểm hoạt động giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục trong tình hình mới.
Đơn cử, Trường Tiểu học Thăng Long phát động học sinh tham gia phong trào lịch sự từ những điều nhỏ nhất; Trường Tiểu học Nguyễn Du thưởng “hoa thanh lịch” cho một việc làm tốt; Trường Trung học cơ sở Chương Dương vận động giáo viên, học sinh cùng nhau rèn nếp chào hỏi và ứng xử văn minh tại trường, nơi công cộng...
Cô giáo Trịnh Mai Ly, giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Bên cạnh việc tự nỗ lực học tập, tu dưỡng để hình thành chuẩn mực người thầy với các tiêu chí của nhà giáo Hà Nội là “phẩm chất, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp”, tôi luôn cố gắng làm gương trong mọi hoạt động tại trường, nơi ở...".
Bên cạnh việc bồi dưỡng chuyên môn, ngành Giáo dục quận Hà Đông thường xuyên tổ chức các chuyên đề giáo dục đạo đức nhà giáo, huy động 100% giáo viên các cấp học tham gia, trong đó đặc biệt quan tâm tới cấp học mầm non.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng chia sẻ, việc tổ chức các chuyên đề nhằm giúp giáo viên hiểu, thực hiện nghiêm túc Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, nhận thức rõ những việc được và không được phép làm.
“Để ngăn chặn sự việc tương tự, quận sẽ tiếp tục tăng cường nội dung này, giúp giáo viên được bồi dưỡng, thực hành kỹ năng kiềm chế cảm xúc, hành vi để giải quyết các tình huống có vấn đề một cách phù hợp”, bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết.