Cảnh báo về tội phạm mới

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Công văn số 4932/NHNN-TT cảnh báo về hành vi phạm tội mới - mua bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên. Theo đó, NHNN đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp ngăn chặn hoạt động mua bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên.

Trong nội dung công văn này, NHNN cho biết, thời gian qua, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố đã xuất hiện tình trạng các đối tượng tội phạm dụ dỗ học sinh, sinh viên mở tài khoản thanh toán, sau đó chuyển lại cho các đối tượng này sử dụng. Phương thức và thủ đoạn của các đối tượng phạm tội như sau: Chúng lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên đã được cấp căn cước công dân mở tài khoản thanh toán và trả công cho người mở. Tiếp đến, các đối tượng cung cấp cho học sinh điện thoại có sẵn sim để đăng ký mở tài khoản thanh toán và dịch vụ Internet Banking, SMS Banking. Sau đó, đối tượng yêu cầu học sinh trả lại điện thoại, cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập, mật khẩu xác thực (OTP)…

Nguy hiểm hơn, các đối tượng này còn tiến hành thu thập dữ liệu sinh trắc học (khuôn mặt) của các học sinh, sinh viên (Face ID) để phục vụ xác minh danh tính của khách hàng khi có yêu cầu. Điều đáng lo ngại là các tài khoản này sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài trợ khủng bố… Vì vậy, NHNN cảnh báo học sinh, sinh viên hết sức lưu ý và cẩn trọng trước các thủ đoạn nêu trên, đồng thời khuyến cáo các bậc phụ huynh nhắc nhở con em nâng cao tinh thần cảnh giác.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, gồm: Làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, thay thế phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán; lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả; xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình, phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi; cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; tiết lộ, cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi của chủ tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không đúng quy định pháp luật; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh.

Như vậy, các hành vi bị cấm trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán bao gồm cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh. Tuy nhiên, do còn hạn chế trong công tác tuyên truyền, cũng như ý thức tuân thủ pháp luật của nhiều người dân chưa cao nên đã bị các đối tượng lợi dụng công nghệ để lừa đảo. Trước thực tế nêu trên, để ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này, vấn đề được dư luận và đông đảo phụ huynh quan tâm là NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo sớm tới người dân và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là học sinh, sinh viên, người chưa thành niên.

Chỉ khi người dân nắm rõ các phương thức, thủ đoạn của đối tượng tội phạm, cùng những quy định pháp luật liên quan, thì sẽ có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Và ngay lúc này, các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo cần thông tin kịp thời tới toàn bộ học sinh, sinh viên và phụ huynh về phương thức, thủ đoạn của đối tượng tội phạm, những hành vi bị cấm trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán để không bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/159207/canh-bao-ve-toi-pham-moi