Cánh chim đầu đàn của nền công nghiệp khí Việt Nam (Kỳ 2)

Đến năm 1995, sau khi đưa được dòng khí từ mỏ Bạch Hổ về Bà Rịa - Vũng Tàu để chạy máy phát điện, lãnh đạo Vietsovpetro và PV GAS đã nghĩ đến việc phải tận dụng nguồn khí đồng hành và nguồn khí khai thác được từ các giếng dầu ở vùng mỏ Bạch Hổ.

Một góc Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố

Một góc Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố

Khi đó, chúng ta thiếu khí đốt nghiêm trọng và chưa có một nhà máy, cơ sở công nghiệp nào lớn để sử dụng khí, mà chỉ là nhập khí hóa lỏng về để bán cho các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ, chủ yếu là cho nhân dân đun bếp gas. Đưa dòng khí vào bờ và xây dựng một nhà máy xử lý khí, có nghĩa là nhà máy này sẽ làm nhiệm vụ tách các hỗn hợp như Propane (C3), Butan (C4) ra thành khí hóa lỏng LPG (Liquified Petroleum Gas), còn khí khô đưa vào chạy máy phát điện ở Nhiệt điện Phú Mỹ, rồi làm phân đạm. Nếu làm được như vậy hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên nhiều lần. Nhưng lại có một vấn đề quan trọng, đó là, ngày ấy, khi đặt vấn đề xây dựng nhà máy xử lý khí không hiếm người cho rằng, làm ra hàng trăm nghìn tấn gas mỗi năm rồi đổ đi đâu? Ai mua và mua làm gì đống gas ấy? Rồi còn có một câu hỏi nữa là có làm được không? Lúc ấy có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta chưa có kinh nghiệm, chưa biết làm thì nên liên doanh với một công ty của Mỹ, họ sẽ giúp ta xây dựng nhà máy, quản lý nhà máy. Chúng ta sẽ học từ họ, bao giờ giỏi rồi thì tiếp quản.

Khi đưa vấn đề đó ra bàn bạc, một trong những người phản đối quyết liệt nhất chính là Đỗ Khang Ninh.

Quan điểm của anh là chúng ta hãy thuê tư vấn, giám sát thật tốt, thuê các nhà thầu có kinh nghiệm, có uy tín của Hàn Quốc, Nhật Bản, hãy chọn những thiết bị tốt nhất, công nghệ hiện đại nhất. Nhưng anh thuyết phục thế nào đi chăng nữa, một số người vẫn không nghe. Cuối cùng, Đỗ Khang Ninh cùng ông Phan Tử Quang - người có công lao rất lớn trong việc xây dựng và phát triển ngành Dầu khí - đã tới gặp Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Sau khi nghe các anh trình bày, Tổng Bí thư Đỗ Mười gọi điện cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Và rồi từ đó, mọi việc bắt đầu được triển khai.

Một trong những lãnh đạo PVN ủng hộ mạnh mẽ việc này là ông Ngô Thường San, khi đó là Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam. Ông nói cứ làm, nếu dư thừa thì bán rẻ cho người dân. Mọi việc được quyết định, nhưng thủ tục ở Việt Nam quả thực là nhiêu khê. Phải mất đến 2 năm, hồ sơ giấy tờ mới xong và bắt tay xây dựng nhà máy. Trong khi việc xây dựng nhà máy chỉ mất có 18 tháng. Đây là một kỷ lục cũng vào loại hiếm có.

Việc xây dựng nhà máy không chậm ngày nào và cho đến nay, 20 năm trôi qua, nhà máy vẫn vận hành rất tốt.

Trở lại câu chuyện xây dựng nhà máy, sau khi lựa chọn được nhà thầu và tiến độ xây dựng nhà máy đang ở giai đoạn rất khẩn trương, Đỗ Khang Ninh được giao nhiệm vụ làm tổng quản chỉ huy việc xây dựng nhà máy. Ngày ấy, các anh làm việc với nhiệt huyết cháy bỏng và hoàn toàn không nghĩ gì đến bản thân mình.

Nhà máy xây dựng xong, bắt đầu vào chuẩn bị chạy thử thì bỗng dưng cả tư vấn và đăng kiểm quốc tế đều nói phải đợi thêm 1 tháng nữa. Trong lúc ấy, Kho cảng Thị Vải chưa xây dựng xong, chúng ta phải thuê tàu chứa khí LPG với giá 200 nghìn USD/ngày. Nghe tư vấn giám sát và đăng kiểm quốc tế nói vậy, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng, bởi chờ 1 tháng nữa tức là mất tới 6 triệu USD. Đỗ Khang Ninh hỏi lý do tại sao không cho chạy thử, thì chỉ nhận được câu trả lời rằng, chưa thấy có độ an toàn cao, còn không thấy an toàn ở đâu, khâu nào thì họ không nói.

Sau khi kiểm tra lại lần cuối, Đỗ Khang Ninh vẫn thắc mắc tại sao không có một sai sót nào mà cả tư vấn và đăng kiểm quốc tế lại cùng lên tiếng? Anh quyết định cứ cho chạy thử. Anh cho họp nhà thầu và đăng kiểm quốc tế về lý do không cho chạy thử thì họ vẫn nói lấp lửng. Anh quyết định: “Tôi quyết định cho chạy thử, nếu xảy ra điều gì, tôi chịu trách nhiệm, còn nếu nhà máy vận hành tốt, tôi sẽ đuổi các ông”.

Đến khi đó, họ buộc phải ký vào biên bản.

Khi chạy thử vào tháng 3-1998, nhà máy vận hành cực kỳ hoàn hảo. Khi dòng dầu condensate chạy ra, mọi người sung sướng reo hò. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, vào thời điểm đó, chúng ta vẫn phải thuê tư vấn vận hành trong 2 năm đầu tiên. Mà tiền thuê tư vấn vận hành là cực kỳ cao, lương tư vấn vận hành là 10.000 USD/ngày, với đội ngũ là 10 người, ngang bằng lương của cả công ty.

Nói về chuyện cũ, Đỗ Khang Ninh bỗng nhớ ra một việc. Vừa rồi, lãnh đạo Vietsovpetro có đề nghị làm lại hồ sơ để xét Giải thưởng Nhà nước cho công trình đưa khí vào bờ. Hồi ấy, anh làm ở Vietsovpetro và Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế Dầu khí biển (NIPI).

Anh nhớ lại sáng kiến đưa khí vào bờ là một sáng kiến cực kỳ lớn và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Hồi ấy, bên Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí (nay là PV GAS) thuê NIPI làm luận chứng kinh tế về việc đưa khí vào bờ. Đầu tiên, công ty định thuê nước ngoài, nhưng ông Nguyễn Quang Hạp, khi đó là Giám đốc công ty, rất băn khoăn bởi lẽ thuê tư vấn nước ngoài làm luận chứng thì mất tới 4 triệu USD.

Với quyết tâm “tự thiết kế”, năm 1991, Vietsovpetro huy động anh em nghiên cứu lao vào làm luận chứng Dự án đưa khí vào bờ từ khu mỏ Bạch Hổ, Đỗ Khang Ninh cùng anh em lao vào làm ngày làm đêm và được bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày đêm. Lúc đó, 100.000 đồng cũng là một con số khá lớn. Làm luận chứng xong, chúng ta thuê công ty của Canada thiết kế tổng thể. Cũng phải nói rằng, ngày ấy, khí đồng hành ở ngoài biển có bao nhiêu là được đốt hết sạch. Nhìn ngọn lửa cháy ngùn ngụt ở ngoài khơi mà tiếc đứt ruột, nhưng không biết làm thế nào. Muốn đưa được khí đồng hành vào bờ thì phải có hệ thống đường ống và phải có một trạm nén khí công suất lớn với số tiền đầu tư hàng trăm triệu USD... Dầu của Bạch Hổ là loại dầu ngọt, có giá trị rất cao, nhưng ngặt nỗi lại có hàm lượng paraffin hơi nhiều, cho nên muốn chống “đông” cho đường ống, cứ 20km đường ống lại phải có một “trạm đun nóng”... Như vậy phải đầu tư rất nhiều tiền.

Sau khi nghiên cứu, các cán bộ ở NIPI đã phát kiến ra rằng, có thể lợi dụng áp suất vỉa để đẩy dòng khí vào mà không cần tới máy nén. Đỗ Khang Ninh là người được giao trực tiếp tính toán. Ngày ấy, máy tính điện tử còn rất lạc hậu, chỉ có máy tính đen trắng đời 286, không có phần mềm mua sẵn nên mọi người phải tự lập trình, thiết kế. Nhưng dù sao như thế cũng còn hơn viết tay.

Lúc tính đưa khí vào bờ chưa có máy nén, làm thế nào để đưa được vào bờ 2 triệu m3 khí/ngày, các anh đã nghĩ ra dùng nguồn khí áp suất cao trộn vào khí áp suất thấp và đưa được vào bờ.

Nhiều chuyên gia dầu khí nói rằng, Dự án đưa dòng khí đồng hành từ Bạch Hổ vào bờ có ý nghĩa quan trọng không kém gì dự án tìm ra dầu ở tầng đá móng.

Bây giờ, khi đánh giá lại mới khẳng định được rằng: Đây là một công trình nghiên cứu có hệ thống, đầy đủ về quá trình hình thành và phát triển hệ thống thu gom, xử lý, vận chuyển và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Vietsovpetro và các mỏ lân cận, tổng hợp toàn bộ những khó khăn, thách thức và giải pháp trong thu gom, xử lý, vận chuyển và sử dụng khí đồng hành từ năm 1995 đến nay. Đây là một công trình nghiên cứu toàn diện về tiềm năng khí đồng hành, các đặc tính lý hóa của khí đồng hành và các giải pháp tận thu, xử lý, vận chuyển và sử dụng khí đồng hành tại Vietsovpetro.

Từ các kết quả nghiên cứu của công trình này, Vietsovpetro đã phát triển công nghệ xử lý vận chuyển khí đồng hành đạt hiệu quả kinh tế cao, có cơ sở khoa học và thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tế của Vietsovpetro và Việt Nam.

Nguyễn Như Phong

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/canh-chim-dau-dan-cua-nen-cong-nghiep-khi-viet-nam-tiep-theo-va-het-555274.html