'Cánh cổng' đại học vẫn mở ra cho những thí sinh trượt nguyện vọng 1

Đến nay, khoảng gần 50 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu. Đây là cơ hội cho những thí sinh đã trượt nguyện vọng 1.

Trường Đại học Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển bổ sung 70 sinh viên, trong đó, 60 ở ngành Quản trị và An ninh; 10 sinh viên ở ngành Quản trị doanh nghiệp và công nghệ.

Thí sinh đăng ký vào trường phải vượt qua vòng sơ tuyển, bao gồm đánh giá hồ sơ và bài luận; đánh giá trí tuệ thông minh cảm xúc (EQ). Sau đó, trường xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm sàn là 22, môn tiếng Anh đạt từ 6/10 hoặc chứng chỉ tiếng Anh tương đương IELTS 4.5 trở lên.

Thời gian nộp hồ sơ với ngành Quản trị và An ninh là từ nay đến 29/8, ngành Quản trị doanh nghiệp và công nghệ trước 17h ngày 25/8.

Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội còn tuyển 130 sinh viên chương trình liên kết quốc tế ở mỗi ngành Kế toán và Tài chính; Quản trị khách sạn, sự kiện và du lịch.

Thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 72/120 và điểm trung bình học bạ 5 học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) từ 8 trở lên được xét tuyển thẳng. Nếu dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường xét thí sinh đạt 20 điểm tổ hợp 3 môn, trong đó tiếng Anh đạt 6 trở lên.

Ngoài ra, thí sinh có thể đăng ký xét học bạ nếu có điểm trung bình 5 học kỳ tối thiểu 6,5 - 7, riêng môn Ngoại ngữ đạt 7 (hoặc chứng chỉ tiếng Anh tương đương IELTS 5.5).

3/9 trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển bổ sung. Ảnh Minh Nghĩa

3/9 trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo tuyển bổ sung. Ảnh Minh Nghĩa

Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thông báo tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo. Mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm thi tốt nghiệp THPT dao động 20 - 20,75 điểm. Với phương thức đánh giá hồ sơ và phỏng vấn nhận từ 20 điểm.

Học viện Phụ nữ Việt Nam thông báo tuyển sinh bổ sung đại học chính quy ngành giới và phát triển với 25 sinh viên. Nhà trường đưa ra 2 hình thức xét tuyển: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 với chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế.

Trường Đại học Phenikaa cần tuyển gần 2.000 sinh viên với các phương thức: xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp, học bạ, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Thời gian nhận hồ sơ đến 29/8.

Với hai phương thức đầu vào, điểm sàn từ 17 - 27. Với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, trường đưa ra mức sàn chung cho tất cả ngành là 70/120. Tương tự, mức áp dụng với điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội là 50/100.

Trường Đại học FPT thông báo tuyển sinh hệ đại học chính quy đợt 2 năm 2024 với 500 chỉ tiêu tại Hà Nội, 500 chỉ tiêu tại TP. Hồ Chí Minh, 300 chỉ tiêu tại Đà Nẵng, 300 chỉ tiêu tại Bình Định, 300 chỉ tiêu tại Cần Thơ.

Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung cần bổ sung 480 sinh viên. Thời gian nhận hồ sơ từ 26/8 đến 15/9. Phương thức và điểm nhận hồ sơ như sau:

Trường Đại học Hòa Bình tuyển 760 sinh viên cho tất cả 24 ngành, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp và học bạ. Ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển chủ yếu là 17 ở cả hai phương thức.

Riêng khối ngành Sức khỏe, điểm sàn thi tốt nghiệp với ngành Y khoa là 22,5 điểm, Y học cổ truyền và Dược học là 21, Điều dưỡng 19. Đây là tổng điểm ba môn theo tổ hợp xét tuyển.

Ở khu vực phía nam, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh xét tuyển bổ sung hơn 100 suất cho các chương trình, ngành tại phân hiệu Vĩnh Long, gồm: Thuế, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Robot và trí tuệ nhân tạo (hệ kỹ sư), Kinh doanh nông nghiệp, Quản trị khách sạn. Chỉ tiêu tuyển bổ sung mỗi ngành từ 15 -25.

Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ với điểm trung bình 5 học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) theo tổ hợp ba môn từ 6,5 trở lên. Nếu xét bằng điểm thi tốt nghiệp, mức điểm nhận hồ sơ là 18 (tổng ba môn). Thí sinh đăng ký xét bổ sung từ ngày 28/8 đến 27/9. Kết quả được công bố vào ngày 30/9.

Gần 50 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu sinh viên trượt nguyện vọng 1. Ảnh Ngọc Thảo

Gần 50 trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung với hàng ngàn chỉ tiêu sinh viên trượt nguyện vọng 1. Ảnh Ngọc Thảo

Học viện Hàng không Việt Nam còn thiếu 500 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo. Trường xét tuyển bằng cả học bạ và điểm thi tốt nghiệp.

Ngành Công nghệ thông tin nhận hồ sơ điểm thi tốt nghiệp từ 18, học bạ từ 20. Các ngành còn lại lấy lần lượt 16 và 18 điểm.

Trường Đại học Hoa Sen cần tuyển thêm 1.500 sinh viên cho 30 ngành bằng điểm thi tốt nghiệp, học bạ hoặc đánh giá năng lực.

Nếu xét bằng điểm thi tốt nghiệp, trường nhận hồ sơ với mức điểm thấp nhất là 15 ở 4 ngành Nghệ thuật số, Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất.

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng còn chỉ tiêu ở tất cả ngành học và nhận hồ sơ đến ngày 31/8 với ba phương thức tương tự Đại học Hoa Sen.

Mức điểm xét tuyển bổ sung tương đương với mức chuẩn nhà trường đã công bố vào ngày 17/8. Trong đó, ngành Y khoa yêu cầu 23 điểm, Răng – hàm - mặt là 22,5; Y học cổ truyền và Dược học có cùng mức điểm 21. Các ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y học dự phòng 19 điểm. Các ngành học còn lại lấy từ 15 điểm.

34 ngành của trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng xét tuyển bổ sung với mức điểm bằng điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1. Thí sinh được chọn xét bằng điểm học bạ và hoặc điểm thi tốt nghiệp. Thời gian nhận xét hồ sơ từ nay đến hết ngày 5/9.

Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh tuyển bổ sung 6 ngành: Trí tuệ nhân tạo, Ngôn ngữ Nhật, Đông phương học, Kế toán, Kiểm toán và nhóm ngành Du lịch, bằng điểm học bạ đến ngày 31/8.

Thí sinh có tổng điểm tổ hợp môn trong 3 học kỳ (lớp 11 và kỳ II lớp 12) hoặc riêng lớp 12 từ 18 trở lên có thể đăng ký.

Năm 2024, hơn 733.000 trong số khoảng 1,07 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển đại học, tăng 73.000 so với năm ngoái. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học, có thể đăng ký tuyển bổ sung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, điểm tuyển sinh bổ sung của trường không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Do đó, thí sinh cần lưu ý nguyên tắc này để cân nhắc và có sự lựa chọn phù hợp, bảo đảm cơ hội trúng tuyển vào trường mình mong muốn.

Lưu ý tiếp theo, nếu thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học đợt 1 thì không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được thủ trưởng cơ sở đào tạo cho phép không nhập học. Trường hợp thí sinh chưa trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào trường nào thì có thể đăng ký tham gia xét tuyển các đợt bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ sở đào tạo.

Về thời gian đăng ký xét tuyển bổ sung, thông thường sẽ kéo dài đến hết tháng 12. Tuy nhiên, thời gian và điều kiện xét tuyển của mỗi trường là khác nhau, thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký xét tuyển.

Sau khi kết thúc mỗi đợt xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển và các điều kiện, tiêu chí phụ (nếu có) trên trang thông tin điện tử của trường. Thí sinh xác nhận và làm thủ tục nhập học theo quy định của các cơ sở đào tạo.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/canh-cong-dai-hoc-van-mo-ra-cho-nhung-thi-sinh-truot-nguyen-vong-1-341209.html