Trang đời mới cho những trẻ kém may mắn (*): Câu chuyện ở Nhà May Mắn

Cuộc đời của hàng trăm người khuyết tật và trẻ kém may mắn, bị người thân bỏ rơi được 'hồi sinh' khi đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn.

Sáng 12-9, chúng tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn (quận Bình Tân, TP HCM; hoạt động theo hình thức gây quỹ cộng đồng). Nhà May Mắn là tên chung của mô hình tổ hợp, gồm Nhà May Mắn - nơi ở, lưu trú cho người khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ; Trung tâm Chắp Cánh - nơi đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật; Làng May Mắn - trường tiểu học và căn hộ dành riêng cho người khuyết tật.

Như một gia đình

Làng May Mắn đang có 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Như một bài học vỡ lòng, hễ có khách đến thăm, những học sinh đang theo học dù làm gì cũng dừng lại, khoanh tay, lễ phép cúi chào.

Ở một góc Làng May Mắn, các tình nguyện viên đang cắt tóc miễn phí cho mọi người. Với mái tóc gọn gàng vừa được cắt xong, em N.G.H tươi cười hài lòng. Nhìn cậu bé hoạt bát, đáng yêu, không ai nghĩ trước đây em từng khép nép, thu mình như thế nào.

Các bé ăn trưa sau giờ học tại Nhà May Mắn

Các bé ăn trưa sau giờ học tại Nhà May Mắn

Năm năm trước, H. đến với Nhà May Mắn mang theo nỗi sợ hãi và cô đơn của đứa trẻ 4 tuổi có mẹ vướng vào vòng lao lý, cha đi theo người khác, bà ngoại không đủ điều kiện nuôi cháu. Hiện H. học lớp 4 tại Làng May Mắn. "Con thấy vui và may mắn khi đến với Nhà May Mắn. Ở đây, con có đại gia đình chăm sóc, được học hành và vui chơi cùng mọi người" - H. bày tỏ.

Với N.T, Nhà May Mắn không chỉ là mái ấm mà còn là nơi nuôi dưỡng ước mơ, giúp đỡ những đứa trẻ như em vươn lên trong cuộc sống. Hai năm trước, bị cha mẹ chối bỏ khi phát hiện có xu hướng đồng tính, N.T bỏ nhà đi lang thang và được đưa về sống tại Nhà May Mắn.

"Em đang học lớp 11. Không chỉ muốn học hết cấp III, em còn muốn học lên đại học. Ở đây, em cảm nhận được tình thương, sự ấm áp, không có sự phân biệt hay phán xét" - N.T tâm sự.

Tìm thấy ánh sáng

Nhiều mảnh đời bất hạnh đã tìm thấy ánh sáng hy vọng tại Nhà May Mắn. Sau khi trưởng thành, họ quay lại nơi này làm việc, cống hiến như một cách để tri ân. Thầy Nguyễn Văn Lương và anh trai là minh chứng cho điều đó.

Năm 2004, một biến cố lớn ập đến gia đình thầy Lương khi anh trai gặp tai nạn nghiêm trọng, liệt toàn thân. Thầy Lương nhớ lại: "Trong cơn khốn khó, gia đình tôi được mẹ Tim (bà Aline Rebeaud, người sáng lập Nhà May Mắn - PV) cưu mang, chăm sóc, cho học hành đến nơi đến chốn". Thầy cho biết sau khi tốt nghiệp đại học đã quay lại Nhà May Mắn với mong muốn đóng góp chút công sức nhỏ bé của mình.

Với thầy Nguyễn Văn Lâm, anh thầy Lương, nhờ sự tận tâm của Nhà May Mắn, thầy đã dần hồi phục, có thể tự tin hòa nhập cộng đồng. Bằng nghị lực phi thường, dù đôi tay bị tật, yếu ớt, thầy Lâm đã kiên trì luyện tập, vượt qua khó khăn để sử dụng thành thạo máy tính và trở thành giáo viên tin học.

Cô giáo Nguyễn Thị Lệ Quyên 15 năm trước, khi đang là sinh viên một trường cao đẳng, trong một lần về thăm nhà đã bị tai nạn dẫn đến chấn thương cột sống và liệt tủy. Ngay khi đến Nhà May Mắn, ngoài thời gian tập vật lý trị liệu, cô được mẹ Tim đăng ký cho theo học chứng chỉ quản lý giáo dục mầm non tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM. Sau khi hoàn thành khóa học, cô quay về Nhà May Mắn, xung phong phụ trách quản lý khối học sinh mầm non và chuyên biệt.

Bị khuyết tật 2 chân, anh Nguyễn Quốc Dũng đến với Nhà May Mắn vào năm 2019. Tại đây, anh được miễn phí toàn bộ từ ăn ở đến học nghề vi tính. Hiện anh đã rời Nhà May Mắn, có một công việc ổn định ở bên ngoài nhưng vẫn thường "về nhà" để được sinh hoạt cùng mọi người.

Với thầy Lâm, thầy Lương, cô Quyên, anh Dũng và nhiều người khác, Nhà May Mắn không chỉ là nơi cưu mang những số phận bất hạnh mà còn là nơi nuôi dưỡng những ước mơ, khát vọng.

Gắn bó với nơi đây 12 năm, chị Võ Thị Thu Huyền, nhân viên công tác xã hội Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May Mắn, chia sẻ ở đây, mọi người đều hướng đến mục tiêu làm sao hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật, trẻ cơ nhỡ. Theo chị, Nhà May Mắn là môi trường mở. Trẻ sống ở đây như sống tại nhà - sáng đi học, trưa về ăn cơm, chiều đi chơi, tối học bài, học kỹ năng. Trẻ được thoải mái ra ngoài để tiếp xúc với xã hội. Chính vì vậy nên khi trưởng thành, rời Nhà May Mắn, trẻ không bị bỡ ngỡ.

Một điều nữa mà chị Huyền muốn gắn bó với Nhà May Mắn là quan điểm giáo dục của mẹ Tim; cách bà hướng dẫn nhân viên bỏ công sức, chịu khó nói chuyện thật nhiều, giải thích, phân tích cho trẻ để nơi đây luôn là một ngôi nhà thật sự may mắn cho những phận đời kém may mắn.

Bà Aline Rebeaud, người Thụy Sĩ, được mọi người ở Nhà May Mắn gọi bằng cái tên thân thương "Mẹ Tim".

Bà Aline Rebeaud là một họa sĩ thích đi đây đó khám phá. Năm 1993, bà quyết định dừng chân và sống ở Việt Nam sau khi đến thăm một trung tâm điều dưỡng bệnh nhân tâm thần, gặp em Trần Văn Thành (12 tuổi), mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Nghe một nhân viên điều dưỡng nói: "Cậu bé này sắp chết rồi, không cứu được", bà Aline Rebeaud đã xin trung tâm đưa Thành vào Viện Tim chữa trị và ở lại chăm sóc. Trời không phụ người có tâm, sau 3 tháng điều trị, Thành được xuất viện, về sống với bà trong một căn nhà trọ ở quận Tân Bình, TP HCM. Thời gian ở đó, bà Aline Rebeaud thu nhận thêm những trẻ em lang thang, mồ côi… về nuôi. Cuối năm 1994, bà mua được mảnh đất ở Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM và xây Nhà May Mắn.

Năm 1998, Nhà May Mắn chính thức được công nhận là tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam. Bà Aline Rebeaud có thêm quốc tịch Việt Nam, bên cạnh quốc tịch Thụy Sĩ, với tên Hoàng Nữ Ngọc Tim. Đây là tên do những người ở Viện Tim đặt cho bà. Từ đó đến nay, bà đã dành trọn trái tim ấm áp của mình để xây dựng và phát triển Nhà May Mắn.

"Mẹ tiên" của bệnh nhi ung thư

Bà Nguyễn Thị Huệ Tâm (45 tuổi) được nhiều bệnh nhi ung thư ở TP HCM gọi với tên thân thương "mẹ tiên".

Hơn 9 năm trước, khi phát cơm từ thiện tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM cơ sở 2, bà Tâm có dịp ghé thăm khoa nhi. Chứng kiến nỗi đau bệnh tật, bà động viên tinh thần, tạo niềm vui cho các bé bằng cách mua những món quà mà bọn trẻ yêu thích. "Mình ráng nhịn một bữa cơm, chạy ra mua cho các con một chiếc xe điều khiển hay một con búp bê" - bà thổ lộ.

“Mẹ tiên” bên các con. Ảnh: KHẮC HIẾU

Các bé nói với nhau, phụ huynh cũng truyền miệng nhau: "Mẹ tiên đến kìa!" mỗi khi dỗ con trẻ. Từ đó, bà Tâm được gọi là "mẹ tiên". Nhiều lần trò chuyện thăm hỏi, bà được biết nhiều hơn về những hoàn cảnh tại đây.

Thông thường, với những bệnh nhi đang điều trị, gia đình cần chi 100.000 - 150.000 đồng/đêm để thuê chỗ nghỉ ngơi. Cùng với đó, điều trị ung thư phải mất nhiều tháng liền nên các gia đình bệnh nhi đều chung nỗi chật vật vừa lo viện phí vừa lo chỗ ở. Thấu hiểu điều đó, "mẹ tiên" ấp ủ kế hoạch xây nhà lưu trú 0 đồng.

Cùng với sự giúp đỡ của người thân, bà Tâm thuê một căn nhà trên đường 205A, TP Thủ Đức, tu sửa lại, đặt tên "Mầm Xanh" với hy vọng các con có thể vươn lên, chống chọi với bệnh tật. Ngôi nhà không quá lớn nhưng với sự sắp xếp gọn gàng của bà đã có thể dành cho khoảng 30 - 45 bé và phụ huynh thoải mái nghỉ ngơi.

Nhớ về những "đứa con", bà Tâm nghẹn ngào: "Có bé đau quá, đòi gặp "mẹ tiên". Bồng bé trên tay, nhìn bé gỡ từng miếng da môi bị hoại tử, tôi thắt lòng. Có bé tên Thủy Ngân, bị ung thư máu, trong những ngày ở đây, những lúc bé mê man, luôn miệng gọi "Mẹ tiên ơi!". Thương lắm! Bé mất, gia đình khó khăn, không đủ điều kiện mai táng đàng hoàng, tôi xin cho bé một mảnh đất nhỏ ở nghĩa trang Bình Chánh để chôn cất. Nghĩa tử là nghĩa tận".

Bên trong ngôi nhà, bà Tâm bố trí thêm một gian bếp nhỏ chuẩn bị sẵn gạo, mắm, muối cho phụ huynh nấu nướng. Chị Kim Quý (22 tuổi) đưa con từ Bạc Liêu lên TP HCM điều trị bệnh, xúc động: "Chỉ có đồ ăn là mỗi người ra chợ mua riêng, còn mọi thứ là "mẹ tiên" để sẵn hết. "Mẹ tiên" luôn dặn: "Tụi con cứ an tâm điều trị, chỗ ăn ở để mẹ lo". Vậy mà đôi lúc mẹ còn hỗ trợ tiền thuốc cho tụi nhỏ. Các bé ở đây biết ơn "mẹ tiên" nhiều lắm".

Khắc Hiếu - Vỉnh Dỳ

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-9

Bài và ảnh: PHAN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trang-doi-moi-cho-nhung-tre-kem-may-man-cau-chuyen-o-nha-may-man-196240912215354444.htm