Cánh cửa bước vào kỷ nguyên số
BẮC GIANG - Phong trào bình dân học vụ số được phát động cuối tháng 3 vừa qua đã mở ra cơ hội cho mọi công dân tiếp cận, tiến tới làm chủ công nghệ số. Từ đó góp phần thúc đẩy các chương trình quốc gia số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh. Khi việc tinh gọn tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính sau sáp nhập đi vào vận hành thì đây là chiếc chìa khóa vạn năng để quản lý, giải quyết mọi hoạt động xã hội nhanh gọn, hiệu quả và người dân được lợi nhiều nhất.
Hãy trở thành công dân thông thái
Tôi có anh bạn đồng nghiệp là người cuối cùng trong cơ quan viết báo phải dùng bút. Mỗi khi đi công tác, anh viết tin bài ra giấy rồi nhờ anh em chụp ảnh gửi về tòa soạn. Ngồi trước máy tính, anh vẫn nhờ người mở email để lấy tin bài. Có lẽ vì tuổi cao mà anh ngại tiếp cận và bị công nghệ bỏ xa lại phía sau. Dù đã nghỉ hưu nhưng tin rằng dịp này anh là người tiên phong tham gia lớp bình dân học vụ số ở địa phương. Hưởng ứng phong trào này, những ngày đầu tháng Tư đã xuất hiện nhiều lớp học AI “đầu bạc”, chủ yếu là người cao tuổi, trong đó có cả người làm nội trợ, buôn bán nhỏ.

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam.
Bình dân học vụ số lấy cảm hứng từ phong trào bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” mà khi ấy, nước ta có đến 95% dân số mù chữ. Vì ngân sách thiếu thốn nên giáo viên không nhận lương, người đi học được miễn phí. Lớp học mở khắp nơi, ở nhà dân, nơi đình chùa, miếu mạo, chỉ cần mấy chiếc ghế, tấm ván mộc làm bảng là thành lớp. Sau một năm phát động, 2,5 triệu người được xóa mù chữ, đến năm 1952, hơn 10 triệu người biết đọc, biết viết và hoàn thành chương trình xóa mù chữ trên cả nước.
80 năm trước, phong trào bình dân học vụ có ý nghĩa thiết thực và không thể nào quên. Ngày nay, sự phát triển như vũ bão của khoa học đã mở ra thời đại mới cho công nghệ số. Đó là quá trình chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình số, nhờ các ứng dụng công nghệ số như AI, Big data, IoT, Cloud, blockchain... để thay đổi phương thức điều hành, quản lý xã hội, phục vụ con người tốt hơn. Công nghệ số làm cho cả thế giới thay đổi nhanh chóng. Với Việt Nam, dù đã có những thành tựu đáng kể nhưng phần lớn người dân thì vẫn còn những “điểm mù” công nghệ phải xóa.
Thấy rõ vai trò của công nghệ số, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Các cơ quan nhà nước đang phấn đấu vận hành theo mô hình Chính phủ số, xã hội số, nếu người dân không xóa được “điểm mù” công nghệ thì chủ trương lớn ấy khó thành công như mong đợi. Việc phát động phong trào bình dân học vụ số và ra mắt nền tảng “Bình dân học vụ số” tại địa chỉ https://binhdanhocvuso.gov.vn nhằm tạo động lực, cảm hứng cho tất cả người dân đến với công nghệ số để trở thành một công dân thông thái, có kỹ năng khai thác ứng dụng công nghệ số phục vụ cho công việc và cuộc sống tốt hơn.
Công nghệ số có thay được con người?
Thấy nam thanh niên đến ở nhiều ngày, thường mua đá lạnh về phòng, chủ nhà nghỉ ở một tỉnh miền Trung đã mở điện thoại, hỏi ChatGPT "tội phạm dùng đá lạnh" thì nhận được câu trả lời "có thể dùng để bảo quản hoặc hỗ trợ điều chế chất cấm". Cô báo ngay cho công an đến kiểm tra thì phát hiện đối tượng dùng nhiều loại hóa chất để điều chế ma túy. Chuyện vừa xảy ra tháng 3/2025 cho thấy hiểu biết về công nghệ rất quan trọng nhưng chưa đủ, cái không gì thay thế được là ý thức, tinh thần và trách nhiệm của con người.
Triển khai sâu rộng phong trào "học tập số", phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức số trong cán bộ, công chức và Nhân dân; các phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, cải tiến nâng cao hiệu quả công việc, năng suất lao động, khơi dậy tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy trí tuệ Việt Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".
Trích Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Không chỉ kết nối hàng tỷ người trên trái đất, công nghệ số còn xóa bỏ hoàn toàn cách làm việc thủ công, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, công tác. Thay vì phải đến tận nơi, xếp hàng chờ đợi, giờ đây người dân chỉ việc ở nhà với máy tính hay chiếc điện thoại thông minh đã có thể kết nối với cơ quan nhà nước, làm thủ tục như đăng ký kinh doanh, đổi giấy phép lái xe,... Không chỉ thế, qua nhiều ứng dụng công nghệ số, ai cũng có thể tìm hiểu mọi vấn đề chính trị, xã hội, những câu chuyện thế giới đang nóng bỏng tính thời sự như xung đột Nga - Ukraine; chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên hàng trăm nước, đang làm “rung lắc” thương mại toàn cầu... Công nghệ số thật là kỳ diệu.
Để nhanh chóng đưa ứng dụng khoa học công nghệ cao vào cuộc sống, Đảng ta chủ trương phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá trong giai đoạn mới.
Có điều, con đường hiện thực hóa chủ trương ấy đặt ra nhiều thách thức. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số còn hạn chế. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở dữ liệu quốc gia chưa thông suốt; nhiều dịch vụ công trực tuyến chất lượng thấp, tỷ lệ người sử dụng chưa cao; việc tổ chức vận hành bộ phận “một cửa” các cấp ở nhiều nơi chưa hiệu quả.
Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”.
Trích từ bài “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Nhiều lúc, nhiều nơi, người dân không thể làm các thủ tục trực tuyến vì muôn vàn lý do. Tới đây khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp đi vào vận hành, giảm mạnh số tỉnh và số xã, không tổ chức cấp huyện thì việc ứng dụng công nghệ số càng phải được coi trọng, nhất là với cấp xã. Họ phải “gánh” thêm khoảng 2/3 số công việc của huyện, trong khi trình độ khoa học công nghệ của cán bộ còn khoảng cách lớn so với nhu cầu, không thể khỏa lấp trong ngày một ngày hai; hạ tầng kỹ thuật lại hạn chế, thậm chí nhiều nơi rất kém thì e rằng “đôi vai” mỏng manh của họ khó chịu nổi áp lực trước hàng nghìn công việc.
Như vậy là ngay từ bây giờ phải đồng thời lo một số việc lớn, đó là nhanh chóng đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ số trên nguyên tắc "hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí"; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu. Bên cạnh đó phải đặc biệt chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công nghệ cao, theo phương châm “người trước, công nghệ, thiết bị sau”; ưu tiên cho cơ sở để họ làm nòng cốt trong vận hành chính quyền số ở địa phương.
Con người không chỉ sáng tạo, đổi mới công nghệ mà còn phải biết làm chủ công nghệ, phát huy mọi ứng dụng của công nghệ trong công tác. Đối với cán bộ cấp xã cần có nhiều hình thức đào tạo, trước mắt là tập huấn “cầm tay chỉ việc” để khi cấp xã đi vào hoạt động thì công việc không bị gián đoạn. Về lâu dài, đội ngũ cán bộ cơ sở phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật và tính chuyên nghiệp cao. Nội dung, chương trình đào tạo cần đặt cán bộ xã trong môi trường xã hội số, trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tinh gọn nhưng trọng trách cao hơn nhiều so với hiện nay.
Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị là định hướng quan trọng cùng với phong trào bình dân học vụ số nếu được triển khai sâu rộng sẽ mở ra cánh cửa lớn để cán bộ, đảng viên và mỗi công dân vững tin bước vào kỷ nguyên số, xã hội số, trong đó người dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/canh-cua-buoc-vao-ky-nguyen-so-postid417082.bbg