Canh cua đồng ngày mưa
Năm nay mưa trễ, qua tháng mười rồi mà vẫn còn dầm dề có khi vài ba ngày mới tạnh. Nước dồn về lai láng cánh đồng. Lũ cua đồng ngoi lên bò hoan hỉ đón mưa. Chịu khó dầm mưa một xíu là đã được mớ cua càng to kềnh càng để nấu canh cua hay bún riêu rồi.
Những món ăn từ cua thì không người nhà quê nào không biết chế biến. Này thì canh cua, bún riêu, chả cua, ram... Món nào cũng ngon, bổ dưỡng và dễ làm. Thịt cua giàu chất dinh dưỡng nên bây giờ người ta chuộng ăn. Ở những chợ phố thị, người ta bán cua cũng nhiều và làm sẵn, xay sẵn rất tiện lợi, người mua chỉ đem về lược thịt nấu thôi. Có cung thì cũng có cầu, ở quê nhiều người sống bằng nghề bắt cua. Bà chị họ làm nghề bắt cua kể cái nghề này cũng chằn ăn lắm chớ không có sung sướng như người ta nghĩ đâu. Từ sẩm tối đã đội đèn đi soi cua, phải làm siêng đi khắp các cánh đồng, ruộng thanh long, đường mương để soi. Ngày nào có mưa, mát trời cua bò ra nhiều thì chỉ mấy tiếng đồng hồ đã được chục ký, ngày không có mưa thì cua ra ít, có khi soi đến nửa đêm mới được vài ký là chuyện thường. Sáng ra nhập cho thương lái. Họ mua không cao nhưng số lượng bao nhiêu cũng lấy. Còn muốn được tiền hơn thì chịu khó ngồi chợ bán. Cũng cực chứ không sướng, ai chịu khó mới làm được.
Bắt cua đồng.
Nhìn hai bàn tay đầy vết thâm do cua kẹp thấy thương chị quá. Phụ nữ mà, phải lo gia đình nên công việc dù cực khổ đến mấy cũng ráng gánh gồng. Không chịu khó sao có tiền lo cho sắp nhỏ ăn học, rồi còn bao nhiêu thứ phải tiêu pha. Đàn ông có cực khổ tối về cũng còn rảnh rỗi nghỉ ngơi chứ đàn bà thì hết việc ban ngày ban đêm cũng phải nấu ăn nấu uống, dọn dẹp, kèm con học. Tất bật từ sáng tới tối.
Tối qua trời mưa dầm, chồng đội đèn đi soi đám ruộng sau nhà được mớ cua. “Mơi nấu canh cua ăn em ơi, thèm quá rồi!”. Nói nghe thấy thương, canh cua mà làm như sơn hào hải vị gì mà thèm vậy đó. Ừ, thèm thì nấu chớ khó khăn gì đâu.
Cua được để qua đêm cho sạch, rồi rửa sạch, bỏ mai, yếm đem xay nhuyễn lược thịt. Hồi còn nhỏ, mẹ thường dặn giã cua thì giã nhiều lần, giã cho thật nhuyễn mới lược hết thịt cua được. Mấy chị em đứa nào cũng ngán giã cua vì giã lâu cực quá. Bây giờ thì chỉ cần bỏ vào máy xay, vài phút đã nhuyễn chỉ cần lược nước là xong.
Hái trái mướp ngoài giàn, vặt mớ mồng tơi, miểng bát ngoài vườn vậy là có mớ rau tập tàng nấu canh cua. Canh cua phải ăn nóng mới ngon. Vừa ăn vừa sì sụp thổi, mồ hôi tuôn thấy thương. Bữa cơm ngày mưa dầm chỉ có tô canh cua mà ngon ơi là ngon. Hai đứa nhỏ vừa ăn vừa quệt mồ hôi trán, còn chồng thì hào hứng với chiến tích vừa tuyên bố hùng hồn lát nữa soi đèn bắt cua để mai nấu bún riêu. Nghe tới bún riêu, hai đứa nhỏ sáng mắt reo hò khen ông ba siêu quá làm chồng phổng hết lỗ mũi.
Nghe ba kể chuyện bắt cua cho hai con nghe mà lòng lại bần thần chợt nhớ ngày còn nhỏ. Hồi xưa tôi cũng ham bắt cua lắm. Bị cua kẹp chảy máu hoài mà cũng vẫn ham. Trưa nào cũng trốn ngủ trưa rủ nhau đi dọc bờ ruộng, lật cỏ tìm cua. Lật cỏ mà được ít cua quá thì phải làm siêng móc hang. Bàn tay con nít nhỏ nên thò vô hang cua dễ dàng. Móc hang thì cầm chắc bị cua kẹp. Phải cẩn thận chụp tay từ trên xuống rồi bóp chặt hai càng cua lại. Vậy mà cũng có con cua khôn giơ càng lên cao kẹp cứng ngắc không chịu nhả. Cua kẹp thì chỉ có nước khóc òa vì đau thôi chứ chịu gì nổi. Đành phải nhúng cua xuống ruộng nước. Bọn cua khôn lắm, nhúng xuống nước mới chịu nhả ra rồi thì nhanh chân bò lủi vào lúa. Người bắt phải lanh lẹ chụp lại còn mà chậm tay thì cua lủi mất tiêu thế là tức anh ách vì bị kẹp đau mà chẳng được gì.
Canh cua đồng rau đay.
Cua sống lâu, để được vài ngày nên có lỡ ham bắt nhiều dành ăn vài bữa cũng chẳng sao. Canh cua ngon ngọt nhất là nấu với rau đay. Rau đay gặp mưa dầm vươn ngọn non mướt thấy ham. Loại rau dân dã này có nhiều vitamin và khoáng chất nhưng nhiều người không thích ăn vì nó nhiều nhớt. Có người nấu lộn chung rau đay và một số loại rau khác (mồng tơi, rau rền, rau ngót) cho đỡ nhớt nhưng vị lại không được ngọt như nấu chỉ mình rau đay.
Tô canh cua mẹ nấu bao giờ cũng hấp dẫn vì trên mặt có một lớp thịt cua vàng ươm. Bí quyết thì đơn giản thôi, đó là nấu canh thì để lửa nhỏ, canh vừa sôi vớt liền thịt cua ra tô để riêng. Làm cua thì nhớ cạy lấy phần gạch cua rồi đem phi hành lá cho vàng, sau đó đổ lên tô thịt cua đã vớt ra trước đó. Múc canh ra tô rồi múc phần thịt cua bỏ lên trên. Vậy là tô canh vừa thơm ngon vừa đẹp mắt.
Ngày mưa ăn món canh quen thuộc thuở nhỏ, nhớ mẹ, nhớ thời ấu thơ vui vẻ. Hình như càng có tuổi người ta càng sống với những kỷ niệm xưa cũ thì phải…
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/canh-cua-dong-ngay-mua-102755.html