Cánh cửa hòa bình của Việt Nam mang tên Hiệp định Paris
Chiều ngày 16.1, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã diễn ra triển lãm trưng bày chuyên đề 'Hiệp định Paris – cánh cửa hòa bình'. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27.01.1973 – 27.01.2023).
Hành trình đến với cánh cửa hòa bình
Để cho công chúng cũng như bạn bè quốc tế hiểu hơn về con đường đến với hòa bình của đất nước Việt Nam, tại triển lãm đã trưng bày giới thiệu hơn 250 tư liệu ảnh, hiện vật và bài viết trong bối cảnh, quá trình, kết quả đàm phán Hội nghị Paris gồm 3 phần: Vạch đường tới hòa bình; Mở cánh cửa hòa bình; Tiến tới hòa bình.
Phần đầu tiên “Vạch đường tới hòa bình” với những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cả nước Việt Nam đã kiên cường kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ xâm lược.
Đi đôi với đấu tranh quyết liệt trên mặt trận chính trị, quân sự, Việt Nam ngày càng chú trọng và nâng vị thế của mặt trận ngoại giao lên tầm chiến lược, chủ trương mở đường cho Mỹ đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã buộc Mỹ phải chấp nhận đi tới hội nghị đàm phán với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”.
Tiếp đến, phần hai “Mở cánh cửa hòa bình” gồm những tư liệu, hình ảnh, hiện vật trong suốt quá trình đàm phán, những cuộc đấu lý, đấu trí quyết liệt, gay cấn kéo dài, để cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về công lý và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27.1.1973 là đỉnh cao của Mặt trận ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và mở ra cánh cửa hòa bình cho nhân dân Việt Nam.
Cuối cùng, phần ba “Tiến tới hòa bình” thể hiện quá trình đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, đẩy mạnh và kết hợp chặt chẽ đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, liên tiếp giành những thắng lợi vang dội.
Đặc biệt, với tinh thần tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hòa bình thực sự được lập lại trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Những hiện vật đặc biệt
Ngoài giới thiệu về quá trình ký kết thành công Hiệp định Paris thì điểm nổi bật nhất trong triển lãm trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris – Cánh cửa hòa bình” là giới thiệu những hiện vật độc bản, nguyên gốc có giá trị về nhiều mặt hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Hồ Chí Minh.
Mỗi độ Tết đến, Xuân về, nhân dân lại nhớ đến Bác Hồ, nhớ tới những bài thơ mừng Xuân luôn ấm áp, tạo nguồn động lực mạnh mẽ và niềm tin vững chắc cho cả dân tộc vào sự nghiệp cách mạng nước nhà. Đến với triển lãm, mọi người sẽ được đọc lại những chiếc thiệp chúc Tết của Bác Hồ.
Với 10 chiếc thiệp chúc Tết được in trên nhiều loại giấy với các kích cỡ khác nhau. Trên các thiệp chúc Tết còn có in hình quốc huy và một số hình ảnh hoa đào, hoa hồng tươi thắm của mùa xuân. Dưới mỗi thiệp in chữ “Hồ Chí Minh” hoặc bút tích chữ ký của Bác Hồ.
Dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hiểu là điều mà người xem có thể nhận thấy trong các bài thơ chúc Tết của Bác Hồ. Nhưng khi đọc những lời chúc Tết ấy mỗi người dân Việt Nam đều có thể cảm nhận được đó không chỉ là tấm lòng của Bác Hồ với nhân dân, đất nước mà còn là lời hiệu triệu, cổ vũ, động viên và cả tiên đoán về sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, khách đến dự còn được nghe về câu chuyện Bốn chiếc bút ký Hiệp định Paris. Trải qua 4 năm 8 tháng 14 ngày với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đấu tranh ngoại giao trên bàn Hội nghị Paris đã trở thành một trong những cuộc đàm phán hòa bình cam go, kéo dài nhất lịch sử ngoại giao thế giới.
Cuối cùng, đến ngày 27.1.1973, khi các ông Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, bà Nguyễn Thị Bình sử dụng bốn chiếc bút này để ký kết Hiệp định Paris, cũng báo hiệu hòa bình đã trở lại với đất nước.
Những chiếc bút đều giống hệt nhau về hình dáng, kích thước và màu sắc. Đây đều là bút dạ, vỏ bằng nhựa đen do Đức sản xuất, nhãn hiệu Papeterie, nắp cài bằng kim loại trắng, ngoài vỏ khắc tiếng Việt “Bút ký Hiệp định Paris ngày 27.01.1973”.
Tuy tình trạng hiện vật đã cũ, nhưng với người dân Việt Nam, bốn chiếc bút ký hiệp định Paris năm 1973 thực sự đã trở thành những bằng chứng lịch sử cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc.
Chia sẻ cảm xúc khi ký Hiệp định Paris, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ Trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, sau này là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho biết: “Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt nhân dân, các chiến sĩ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Pa-ri, được đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh gian khổ... Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”.
50 năm đã trôi qua nhưng Hiệp định Paris vẫn có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam nói chung và của ngành Ngoại giao Việt Nam nói riêng.
Sự kiện kỷ niệm này, do đó, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Bài và ảnh: Mộc Trà