Cánh cửa nào cho hàng Việt?
Hiệp định EVFTA được ký kết là cơ hội ngọt ngào hay thách thức đắng cay phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp Việt Nam bởi doanh nghiệp nào đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng thì sức ép trở thành động lực; ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.
Bài liên quan
“Made in Vietnam”: Những khoảng trống cần được lấp đầy!
1. Với hiệp định được ký kết, Việt Nam trở thành một trong những đối tác lớn của EU tại châu Á, ngang hàng với các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng chỉ có Singapore có hiệp định tương tự với EU như Việt Nam. Là một thực thể kinh tế lớn gồm 27 nước thành viên, dân số khoảng 500 triệu người nhưng chiếm tới gần 30% GDP toàn cầu, sức mua theo đầu người khoảng 32.700 USD/năm, EU được xem là một thị trường rộng lớn và đầy hấp dẫn mà ai cũng muốn được thâm nhập và khai phá.
Cánh cửa của những cơ hội đang rộng mở với các doanh nghiệp và các nhà đầu tư Việt Nam và EU. Khi đi vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Các biểu thuế thương mại sẽ nhanh chóng giảm xuống mức rất thấp, từ 0 - 2% tùy nhóm hàng, trong đó có những nhóm hàng giảm ngay khi hiệp định có hiệu lực. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU, vốn đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2018 (sau Mỹ, ngang hàng với Trung Quốc). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như hàng điện tử, máy tính, giày dép, cà phê, hạt điều, thủy hải sản sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các nước EU.
Về phía Liên minh châu Âu, việc Việt Nam giảm thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng đến từ EU sẽ giúp cho khu vực này tiếp cận thuận lợi hơn với một thị trường tiềm năng gần 100 triệu dân, một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động bậc nhất thế giới. Xét về tiêu dùng, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận tốt hơn với những mặt hàng chất lượng cao xuất xứ châu Âu như ô tô, dược phẩm và đồ uống bởi thuế nhập khẩu giảm mạnh.
Với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Việt Nam với nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư châu Âu đến tìm kiếm lợi nhuận. Ngược lại, những cam kết đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau được quy định trong EVIPA sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, giúp Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước trên thế giới.
Một “sân chơi” đầy hấp dẫn là điều không thể phủ nhận khi nói về EVFTA và EVIPA. Tuy nhiên, làm sao biến cơ hội mà EVFTA và EVIPA mở ra để nhân lên sức mạnh Việt Nam, tạo lợi thế cho đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế là điều mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam phải nắm lấy.
2. Theo phân tích của Chuyên gia kinh tế, GS. Nguyễn Mại, do không phải chịu thuế nhập khẩu nên hàng hóa của EU vừa có chất lượng tốt, vừa có giá cả cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp nào đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng thì sức ép trở thành động lực đổi mới; ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.
Bên cạnh đó, EU quy định khá nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu. Thường áp dụng rào cản kỹ thuật, luật chống bán phá giá để hạn chế tốc độ tăng trưởng hàng nhập khẩu từ một nước.
Đối với một số sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của mình, EU đòi hỏi đối tác cắt giảm hàng rào phi thuế quan, loại bỏ phương thức trợ giá của Chính phủ. EU đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc quy định về xuất xứ sản phẩm để được hưởng thuế ưu đãi. Đây là vấn đề đã từng xảy ra đối với một số sản phẩm như thép, hàng may mặc Việt Nam cần lưu ý, GS. Nguyễn Mại chỉ rõ.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về lộ trình cắt giảm thuế quan của EU và của Việt Nam với các điều kiện như tỷ lệ xuất xứ sản phẩm, điều kiện kỹ thuật, lao động, môi trường để có chiến lược dài hạn, đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, hình thành và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và xây dựng quan hệ hợp tác với bạn hàng tại các quốc gia thành viên EU, tuân thủ nghiêm túc các quy định của EU về thương mại và đầu tư.
Ngoài ra, GS. Mại lưu ý: Nhà nước cần ban hành chính sách kết nối giữa các tập đoàn kinh tế FDI với sự chủ động hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng công nghiệp hỗ trợ một số sản phẩm chủ lực, không những để nước ta trở thành công xưởng sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao của thế giới, mà còn tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn cho doanh nghiệp trong nước.
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Đức cho rằng, khó khăn nhất hiện nay của DN khi tham gia các hiệp định này đó là các quy chuẩn kỹ thuật của EU đối với các DN Việt Nam. Tiêu chuẩn về hàng hóa vào châu Âu vì họ là thị trường khó tính đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là rào cản lớn. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải học hỏi nhiều kinh nghiệm sản xuất của châu Âu từ đó giúp kim ngạch xuất nhập khẩu tăng lên.
Là Chủ tịch cộng đồng DN Việt Nam đầu tư tại Đức, nhưng ông Hùng cũng là một thương gia xuất khẩu các sản phẩm dệt may và nông sản. Ông Hùng cho biết, dệt may là ngành lợi thế của Việt Nam và hiện nay nhiều DN may mặc đã đặt chân vào EU. Với chính sách thuế thuận lợi, các DN Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là vào thị trường Đức. Khi các DN Việt Nam đã đạt được trình độ đến khâu thiết kế, tức là các DN đã cập nhật và tiếp cận được nhiều vấn đề tạo thuận lợi cho ngành dệt may.
Tuy nhiên, các DN dệt may cần phải đối mặt đó là sự cạnh tranh lớn từ các nước như Banglades, Ấn Độ đang đẩy mạnh vào thị trường Đức. Mặt khác, thị trường Đức là thị trường có quy chuẩn khắt khe, nên nếu sản phẩm dệt may vào được thị trường này sẽ đến được các thị trường khác ở châu Âu. Chính vì thế, các DN Việt Nam không nên đi vòng mà đến thẳng thị trường Đức khi EVFTA được ký kết.
Khi sản phẩm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU với thuế suất bằng 0% nhưng chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật mới là quan trọng nhất. Trong vòng vài năm đầu khi Hiệp định được thực thi, chỉ cần các DN tiếp cận được trình độ khoa học công nghệ và năng lực quản trị sẽ giải được bài toán cơ bản. Các DN chưa thực sự cần bùng nổ ngay về chất lượng tăng trưởng trong những năm đầu tiên mà nên có một lộ trình khoảng 5 năm sau khi thực thi EVFTA, các DN sẽ tận dụng được hiệu quả tối đa lợi ích của Hiệp định.
3. Việc ký EVFTA và IPA mới chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới. Sau khi ký kết, về phía Việt Nam, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn còn về phía EU thì sẽ trình Nghị viện châu Âu thông qua. Riêng Hiệp định IPA cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên EU trước khi chính thức đi vào hiệu lực.
Nhìn lại quá trình mở cửa thời gian qua, có thể thấy tốc độ mở cửa, tham gia hội nhập của kinh tế Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Chỉ 5 năm trước, Việt Nam chỉ là nước đang chập chững bước vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ ở mức 26 tỷ USD và là một đối tác thương mại nhỏ cần sự hỗ trợ của EU để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nay, với kim ngạch xuất khẩu gấp gần 10 lần so với 15 năm trước, Việt Nam cùng EU chính thức bắt tay chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế với những cam kết không hề dễ dàng chối bỏ thực hiện.
Nói gì thì nói, trong hội nhập, không phải tất cả bức tranh đều là màu hồng, có rất nhiều áp lực, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân. Thực tế cho thấy, bên cạnh những thuận lợi đã được báo trước về việc nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, mật ong, sản phẩm chăn nuôi, cây trái... sẽ có tăng trưởng mạnh xuất khẩu sang EU ngay trong năm đầu tiên, những sản phẩm kỳ vọng có tăng trưởng mạnh ở EU như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, tin học, các ngành công nghiệp như: hóa dầu, ô tô cơ khí cũng được hưởng ưu đãi khi cắt giảm thuế quan trong những năm tới.
Ở chiều ngược lại, những mặt hàng thế mạnh của 28 quốc gia thuộc EU với chất lượng châu Âu cũng có lợi thế tương ứng để bước vào cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt với thị trường gần 100 triệu dân. Mất lợi thế sân nhà và độc chiếm thị trường cũng là điều có thể xảy ra nếu các doanh nghiệp trong nước không phát huy được thế mạnh của mình.
Càng tham gia nhiều FTA, khoảng cách giữa cơ hội tiềm năng và hiện thực là vấn đề các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý. Việc “biết” được lợi thế và “hiểu rõ và tận dụng được” lợi thế lại là câu chuyện khác hoàn toàn khi đến nay, chúng ta vẫn đang thiếu một cơ quan hoặc bộ phận để doanh nghiệp có thể tra cứu các thông tin một cách chi tiết nhất liên quan đến ngành và lĩnh vực sản xuất cụ thể. Nhưng cách nào để phát huy lợi thế, tiếp cận thị trường nào theo chiến lược nào đến nay, doanh nghiệp vẫn hoàn toàn thiếu thông tin.
Những chiến lược, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, nếu không được triển khai sớm, sự lép vế với hàng ngoại nhập sẽ ngày càng hiển hiện rõ. Và khi đó, thách thức sẽ nhiều hơn và cơ hội cũng sẽ ngày xa vời hơn.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/canh-cua-nao-cho-hang-viet-post67434.html