Cánh cửa vào Australia sẽ không còn rộng mở

Làn sóng người di cư vào Australia mạnh mẽ và những lo ngại về hạ tầng, an sinh xã hội khiến bức tranh toàn cảnh có thể trở nên ít tươi sáng hơn với những sinh viên đang tìm kiếm cơ hội học tập tại quốc gia này. Những vấn đề thoạt nghe có vẻ không mấy logic, nhưng đằng sau đó lại là một câu chuyện dài.

“Ngành xuất khẩu thứ ba”

Hiện có khoảng 1.400 trường đại học, cao đẳng tại Australia được tuyển sinh viên quốc tế. Số liệu chính thức được Bộ Giáo dục Australia công bố tới cuối tháng 2/2024, số lượng sinh viên quốc tế đến nước này học tập đã lên tới hơn 700.000, tăng khoảng 131.000 người so với năm 2023, trở thành mức kỷ lục mới tại nước này. Đại học RMIT ở Melbourne có số lượng sinh viên quốc tế cao nhất tại Australia với hơn 26.000 sinh viên, tiếp theo là Đại học Monash và Đại học Curtin với khoảng 15.000 sinh viên.

Theo các ước tính, nguồn lực này mang lại khoảng 48 tỷ AUD (khoảng 32 tỷ USD) và 200.000 việc làm cho nền kinh tế Australia/năm. Đây có thể được xem là “ngành xuất khẩu” lớn thứ tư của quốc gia này. Sau những nỗ lực triển khai chính sách thu hút sinh viên quốc tế, số lượng sinh viên quốc tế đến Australia học tập đã đạt kỷ lục, đặc biệt là trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, số lượng sinh viên quốc tế cao cũng tạo thêm kỷ lục mới về số người nước ngoài đến sinh sống tạm thời ở nước này là khoảng 2,8 triệu người. Phe đối lập gần đây liên tục chỉ trích Công đảng cho phép tình trạng di cư vượt quá tầm kiểm soát, trong khi chính phủ tuyên bố kế hoạch ngân sách liên bang để giảm lượng nhập cư ròng.

Sinh viên quốc tế sẽ cần phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn hơn khi muốn học tập tại Australia (Ảnh bên ngoài Đại học New South Wales, Sydney).

Sinh viên quốc tế sẽ cần phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn hơn khi muốn học tập tại Australia (Ảnh bên ngoài Đại học New South Wales, Sydney).

Yếu tố quan trọng đằng sau chương trình nghị sự mới là mối lo ngại của chính phủ về sự gia tăng số lượng sinh viên nước ngoài kể từ năm 2022, dẫn đến sự thay đổi tư duy trong nội các liên bang và quyết định soạn thảo một luật mới với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với lượng sinh viên mà nước này tiếp nhận hằng năm. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng các trường đại học đã được hưởng doanh thu tăng vọt từ sinh viên nước ngoài mà không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về tác động rộng lớn hơn đối với vấn đề di cư và dân số.

Số người di cư tăng vọt gây áp lực lớn đối với Chính phủ Australia về giá thuê nhà và mua nhà hay việc thiếu hụt các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục... Chính phủ Công đảng cho rằng những thay đổi sẽ đảm bảo hệ thống phục vụ lợi ích quốc gia thay vì bị thúc đẩy bởi lợi ích tài chính của các trường đại học.

Từ cuối năm 2023, Australia bắt đầu thắt chặt chính sách nhập cư để giảm dần số người đến nước này sinh sống. Trong số các biện pháp đưa ra có việc gia tăng các điều kiện đối với sinh viên quốc tế, thắt chặt hơn các chương trình cấp thị thực việc làm và đầu tư. Hệ quả của các biện pháp này là số lượng thị thực cấp cho sinh viên quốc tế vào tháng 2/2024 được ghi nhận là thấp hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hạn mức mới với trường đại học

Chính phủ liên bang muốn các trường đại học giảm mức tăng tuyển sinh nước ngoài xuống 10% và một số phân tích chỉ ra rằng lượng sinh viên nước ngoài đến sẽ giảm khi Australia dự kiến giảm một nửa lượng nhập cư trong 2 năm tới. Nói rõ hơn, theo những đề xuất mới, các trường đại học sẽ buộc phải kìm hãm làn sóng gia tăng số lượng sinh viên nước ngoài, qua đó đồng hành cùng chính phủ để cắt giảm lượng di cư hằng năm xuống còn 260.000 người/năm theo hạn mức liên bang mới.

Các sinh viên quốc tế giờ đây đối mặt với những tiêu chuẩn cao hơn khi muốn học tập tại môi trường giáo dục nhiều tiềm năng này. Những thay đổi căn bản gồm:

Thứ nhất, nâng tiêu chuẩn về ngoại ngữ của sinh viên và đối tượng sau đại học xin thị thực. Những người xin thị thực tốt nghiệp tạm thời cần đạt điểm IELTS 6.5. Những người nộp đơn xin thị thực du học sẽ cần đạt điểm tối thiểu là 6.0.

Thứ hai, nâng mức yêu cầu chứng minh tài chính. Những sinh viên muốn học tập tại đất nước này giờ đây sẽ phải chứng minh mức tiết kiệm ít nhất là 24.505 USD - tăng 17% so với mức trước đó.

Thứ ba, giới chức áp dụng "bài kiểm tra sinh viên thực sự" (GST - tên tiếng Anh: Genuine Student Test) mới để hạn chế những sinh viên quốc tế đến Australia với mục đích ban đầu là làm việc, trong khi các điều kiện "không ở lại thêm" được áp dụng đối với nhiều thị thực du lịch hơn. GST được dùng để thay thế Genuine Temporary Entrant (GTE) và sẽ được sử dụng để lọc ra những ứng viên có thể không đến nước này với mục tiêu học tập thực sự. Những đối tượng được coi là có rủi ro cao sẽ phải trải qua quá trình giám sát chặt chẽ hơn.

GST là bài kiểm tra toàn diện về tính chân thực của sinh viên trong hành trình đi du học, sẽ đánh giá toàn diện các yếu tố như mục đích du học chân chính - nơi ứng viên phải thể hiện mong muốn học tập và phát triển thông qua bảng điểm, học bạ xuất sắc, kế hoạch học tập rõ ràng; chứng minh đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ tiếng Anh bằng điểm IELTS, PTE hoặc TOEFL; đảm bảo chi trả học phí và sinh hoạt phí bằng chứng minh tài chính, báo cáo ngân hàng, tờ khai thuế...; cung cấp bằng chứng để thể hiện sự tương xứng giữa năng lực và chương trình học, bao gồm cả thông tin cụ thể về địa điểm, thời gian, khóa học; đảm bảo quyền lợi y tế khi du học bằng các gói bảo hiểm hợp pháp.

Thứ tư, theo quy định mới, Chính phủ Australia có quyền đình chỉ các cơ sở giáo dục tuyển sinh sinh viên quốc tế nếu họ liên tục vi phạm quy định.

Khuôn viên một trường đại học tại Sydney.

Khuôn viên một trường đại học tại Sydney.

Khó tránh tác dụng phụ

Nhiều ý kiến cho rằng, số lượng sinh viên quốc tế quá cao vô hình trung lại khiến giá nhà tăng vọt và gây thêm áp lực cho hạ tầng cơ sở, làm tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng nhà ở, góp phần gây ra sự hỗn loạn chưa từng có trong lĩnh vực giáo dục quốc tế. Số liệu của chính phủ cho thấy tổng số sinh viên nước ngoài tại Australia là 634.000 vào tháng 9/2019. Con số này đã giảm xuống còn 318.000 sau đại dịch 2 năm sau đó, nhưng đã trở lại đà tăng mạnh mẽ và cũng làm dấy lên mối lo ngại của cộng đồng về tình trạng thiếu nhà ở và tắc nghẽn đô thị.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra càng củng cố lo ngại về những can thiệp quyết liệt sẽ buộc Australia phải đánh đổi. Giới chức giáo dục cho biết các trường đại học có thể cảm thấy bế tắc nếu chính phủ cho rằng việc hạn chế số lượng sinh viên dễ dàng hơn là cắt giảm di cư theo những cách khác, chẳng hạn như giảm thị thực cho những người lao động có tay nghề tạm thời, “du khách ba lô” làm việc ở trang trại hoặc theo các chương trình đoàn tụ gia đình.

Trên thực tế, từ nhiều năm nay lực lượng sinh viên quốc tế được cho là có giá trị đặc biệt đối với nền kinh tế và các mô hình tài trợ tại các trường đại học của Australia. Nhiều trường đại học đã bác bỏ lập luận của Công đảng bằng cách chỉ ra ước tính của Ngân hàng Quốc gia Australia rằng chi tiêu của sinh viên quốc tế chiếm 0,8 điểm phần trăm trong mức tăng 1,5% của tổng sản phẩm quốc nội năm 2023.

Nếu số lượng sinh viên quốc tế giảm, sẽ có một “lỗ hổng” trong nguồn tài trợ nghiên cứu và phát triển vốn rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của Australia nói chung.

Sau đại dịch, nhu cầu trở lại Australia của sinh viên quốc tế đặc biệt lớn và đó cũng là lúc nhiều kẽ hở bị lợi dụng khi nhiều trường học cũng hạ thấp tiêu chuẩn tuyển sinh và khuyến khích các công ty du học thu hút sinh viên quốc tế.

Có ý kiến cho rằng chính phủ đang nhắm mục tiêu vào lĩnh vực di trú nhằm đánh lạc hướng khỏi các nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng nhà ở, trong đó có việc hỗ trợ cho các nhà đầu tư bất động sản. Đảng Tự do đối lập nhấn mạnh: “Công đảng luôn lớn tiếng nói rằng họ mạnh tay siết chặt tình trạng di cư ồ ạt song mọi chuyện dường như không mấy hiệu quả. Thực tế ở đây là nhà ở không theo kịp tốc độ nhập cư...”.

Vicki Thomson, trưởng nhóm Group of Eight (Go8) đại diện cho các trường đại học lớn nhất Australia, cho biết bà ủng hộ kế hoạch của chính phủ nhưng kêu gọi mọi thay đổi về giới hạn sinh viên đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Lãnh đạo Go8 nhấn mạnh: “Nếu các vấn đề không đơn giản hay một chiều thì các giải pháp cũng sẽ không như vậy. Áp lực rõ ràng gia tăng ở Sydney và Melbourne, song tình hình ở các khu vực khác của Australia lại hoàn toàn khác. Ví dụ, Adelaide cần nhiều sinh viên quốc tế hơn để đáp ứng các cam kết về lực lượng lao động phục vụ các dự án chiến lược, chẳng hạn như AUKUS”.

Giới hạn sinh viên là trọng tâm trong chương trình di cư rộng lớn hơn sau khi chính phủ tuyên bố thành công sớm trong việc cắt giảm cấp thị thực sinh viên nước ngoài xuống còn 14.000 vào tháng 4 vừa qua, phù hợp với tỷ lệ trước đại dịch và giảm mạnh so với con số 22.000 tháng 4 năm ngoái.

Dự báo số lượng di cư ròng sẽ giảm từ 528.000 năm 2023 xuống còn 395.000 trong năm nay và 260.000 vào năm 2025, trong một kế hoạch đầy tham vọng nhằm giảm một nửa lượng tiếp nhận. Mục tiêu sau những năm đó là đưa lượng tuyển sinh duy trì quanh mức 235.000/năm, phù hợp với xu hướng trước đại dịch.

Sinh viên quốc tế dự kiến chiếm 50% tổng số người nhập cư, nhóm lớn nhất, trong khi người di cư lâu dài chiếm 25%, người lao động có tay nghề tạm thời chiếm 5% và người đi làm trong kỳ nghỉ chiếm 15% tại Australia.

Dương Anh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/canh-cua-vao-australia-se-khong-con-rong-mo-i732408/