Cành đào Tô Hiệu

Chúng ta đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày sinh của nhà cách mạng Tô Hiệu. Đây là trách nhiệm, việc làm tự nhiên của thế hệ hôm nay đối với sự nghiệp, công lao của nhà cách mạng tiền bối, để thêm một lần khắc ghi, hun đúc ý chí, quyết tâm thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng mà đồng chí từng giác ngộ và phấn đấu.

Tài liệu lịch sử Đảng và quê hương Hưng Yên của nhà cách mạng có ghi: Đồng chí Tô Hiệu (1912-1944) quê quán ở thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông là con một nhà nho nghèo, có truyền thống yêu nước, hiếu học. Thân mẫu đồng chí Tô Hiệu là bà Ngô Thị Lý có công nuôi giấu, bảo vệ cán bộ cách mạng, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Đồng chí Tô Hiệu sớm giác ngộ cách mạng, khi mới 14 tuổi đã tham gia bãi khóa, để tang nhà chí sĩ Phan Chu Trinh...

Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, kết án 4 năm tù và đày ra Côn Đảo. Trong tù, đồng chí được các đồng chí cộng sản giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1932. Mãn hạn tù năm 1934, dù bị quản thúc nhưng đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động, gầy dựng phong trào, lập “Hội Nông dân tương tế”, vận động thành lập thư viện và tuyên truyền đọc sách báo của Đảng, tạo điều kiện cho sự ra đời Chi bộ Cộng sản ghép Liễu Khê-Liễu Ngạn-Ngu Nhuế.

Năm 1936, một số nhà cách mạng và đồng chí Tô Hiệu tổ chức họp tại Hà Nội để khôi phục Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí được cử vào Ban Thường vụ, tham gia hoạt động ở Hà Nội và một số tỉnh. Những năm 1938-1939, đồng chí làm Bí thư Liên khu B kiêm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, phát động phong trào đấu tranh của thợ thuyền với hàng vạn người tham gia, khiến thực dân vô cùng hoảng sợ. Phong trào phát triển mạnh thì cuối năm 1939, đồng chí lại bị địch bắt ở Hải Phòng, nhốt ở Nhà tù Hỏa Lò, kết án 5 năm tù và đày ở Nhà tù Sơn La năm 1942. Trong tù, đồng chí cùng những người cộng sản kêu gọi tù nhân đấu tranh với chế độ nhà tù hà khắc, vận động “lập ra chi bộ”-linh hồn của tổ chức cách mạng, biến nhà tù thành lò lửa, trường học luyện rèn ý chí của người cộng sản.

Cuối năm 1939, các đảng viên trong tù thảo luận kế hoạch thành lập tổ chức cơ sở Đảng, Ban Chi ủy lâm thời có 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư Chi bộ. Đến tháng 2-1940, Chi bộ chuyển chính thức, đồng chí Trần Huy Liệu làm Bí thư, đồng chí Tô Hiệu làm Ủy viên. Bằng sự quả cảm của mình, nhà cách mạng Tô Hiệu trở thành linh hồn của phong trào cách mạng trong nhà tù, biến địa ngục Sơn La thành trường học cộng sản vĩ đại, đào tạo những chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhiều cán bộ cốt cán cho Đảng, với tinh thần bất khuất thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao.

Trước lúc mất ở tuổi 32 (ngày 7-3-1944) vì bị tù đày và bệnh nặng, đồng chí Tô Hiệu hãy còn nhắn nhủ: “Các đồng chí hãy cố gắng, đừng phút nào quên nhiệm vụ của mình”. Trước công lao, đóng góp to lớn của đồng chí, tháng 4-1947, Trung ương Đảng mở lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ trung, cao cấp lấy tên là Lớp huấn luyện chính trị Tô Hiệu, tiền thân của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Cuộc đời nhà cách mạng tiền bối gắn liền với câu chuyện về cây đào Tô Hiệu. Trong thời gian bị tù đày tại Nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu có trồng một cây đào. Cây đào chính thức mang tên Tô Hiệu năm 1945 sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, TP. Sơn La ngày nay, Nhà tù Sơn La-di tích cách mạng xếp hạng quốc gia đặc biệt, cây đào đều đặn trổ hoa rất đẹp mỗi độ xuân về. Sau này, một cành đào được chiết và đưa về trồng bên Lăng Bác Hồ. Nhiều nơi cũng lấy hạt giống từ cây đào Tô Hiệu về trồng và nhân giống như một cách tưởng nhớ và giáo dục tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của nhà cách mạng.

Nhân nói về cây đào Tô Hiệu, người viết nhớ lại một kỷ niệm vào những năm 90 của thế kỷ trước, đó là Hội báo xuân tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Trong hành trình vào dự sự kiện, chúng tôi có ghé lại Báo Khánh Hòa và gặp mặt, giao lưu với Báo Sơn La. Đoàn Báo Sơn La mang một cành đào Tô Hiệu và 3 cô gái Thái vào tham gia chương trình văn nghệ, vận trang phục chàm đen rất xinh. Các bạn hình như không biết nhiều tiếng phổ thông, cũng có thể ngại tiếp xúc, trao đổi vì lạ lẫm. Bữa cơm thân mật hôm đó có món cá hấp cuốn bánh tráng (món đặc trưng của các tỉnh Nam Trung Bộ). Nhưng khi ngồi vào bàn, 3 cô gái trẻ không khỏi lúng túng. Một đồng nghiệp Báo Sơn La ghé tai tôi nói nhỏ: “Các em không biết cách cuốn bánh tráng với cá và rau. Các anh giúp các bạn ấy với”. Chúng tôi hiểu ra và ý tứ “hỗ trợ” để hôm ấy các bạn được tự nhiên và ngon miệng.

Sau cuộc gặp, tất cả cảm ơn các đồng nghiệp Báo Khánh Hòa rồi “trực chỉ” TP. Hồ Chí Minh. Vào đến nơi, khi Hội báo xuân diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, chúng tôi ai nấy đều gấp gáp, bận rộn: theo dõi sự kiện tại hội trường, giới thiệu ấn phẩm bên lề, phỏng vấn trao đổi, chụp ảnh... Chỉ khi chương trình chính thức diễn ra, phần giới thiệu cành đào Tô Hiệu cùng với tiết mục xòe Thái, chúng tôi mới sực nhớ đến các bạn Sơn La.

Tôi còn nhớ đồng chí Nguyễn Đức Bình-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các nhà báo lão thành: Phan Quang, Hữu Thọ... đều lấy làm thích thú, quan sát khắp lượt và đánh giá cao sự xuất hiện của cành đào Tô Hiệu tại Hội báo xuân. Cành đào cao hơn 2 m, đường kính hơn 1,5 m bố trí trang trọng tại hội trường. Thân cây xù xì, mốc thếch, lốm đốm trắng nâu, cành nhánh tỏa đều, chi chít nụ, hoa, lá nõn. Những cánh đào sắc hồng tươi thắm mỏng manh cùng mùi hương dịu nhẹ mang lại cảm giác thật nhẹ nhàng, ấm cúng, gieo vào lòng người niềm vui, niềm tin yêu và hy vọng trong ngày xuân thật tự nhiên và ý nghĩa.

Nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại sắc đào trong Hội báo xuân năm ấy, tôi không khỏi xúc động, bồi hồi. Đó là vì ngày hội của những người làm báo cả nước có cành đào tươi thắm, biểu tượng của mùa xuân dân tộc gắn liền với tinh thần, cốt cách, lý tưởng nồng đượm, đẹp đẽ của nhà cách mạng tiền bối Tô Hiệu!

THẤT SƠN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/581/202203/canh-dao-to-hieu-5768893/