Chiều 11/7, bệnh nhân 91 (43 tuổi, phi công người Anh) rời Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) ra thẳng cửa tàu bay tại sân bay Tân Sơn Nhất trên xe cấp cứu chuyên dụng. Tại đây, nam phi công được đưa lên khoang hạng thương gia bằng xe nâng phục vụ hành khách cần di chuyển đặc biệt.
Trước đó, để hoàn tất kế hoạch di chuyển, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - đã có buổi làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy cùng sự có mặt của Tổng lãnh sự Anh, đơn vị vận chuyển bệnh nhân 91 về nước và Đoàn bay 919 của Hãng hàng không Vietnam Airlines để bàn bạc các phương án vận chuyển bệnh nhân về nước an toàn.
Bệnh nhân 91 nằm tại khoang C của tàu bay 787-9. Cùng đi với bệnh nhân ra Hà Nội là một bác sĩ cấp cứu của đơn vị vận chuyển.
Sau chuyến bay kéo dài 2 giờ từ TP.HCM tới Hà Nội, bệnh nhân 91 tiếp tục được di chuyển bằng xe lăn và cáng để chuyển trực tiếp qua Boeing 787-10 về nước. Đây cũng là loại máy bay mà bệnh nhân 91 từng cầm lái khi làm việc tại hãng hàng không này.
Trong quá trình di chuyển, bệnh nhân 91 tỏ ra khá mệt mỏi, để trợ giúp anh có tới 7 nhân viên y tế và nhiều nhân viên phục vụ tại sân bay Nội Bài.
Dù bệnh nhân 91 hoàn toàn tỉnh táo, sức khỏe ổn định và đã khỏi Covid-19, để chuyến bay hồi hương được an toàn, toàn bộ đội ngũ cán bộ nhân viên đã tính toán cho từng giai đoạn. Đồng thời, mỗi giai đoạn, ê-kíp đều dự đoán trường hợp nặng nhất có thể xảy ra.
Bệnh nhân 91 là trường hợp mắc Covid-19 nặng nhất và có thời gian điều trị lâu nhất tại Việt Nam. Nam phi công có tổng thời gian 116 ngày điều trị sau khi dương tính virus SARS-CoV-2, gồm 65 ngày chữa Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và 51 ngày hồi sức tích cực, phục hồi chức năng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM.
Để trở về quê nhà, bệnh nhân 91 phải trải qua 3 chuyến bay với tổng thời gian bay 32 tiếng bao gồm chuyến bay từ TP.HCM đến Hà Nội. Chuyến bay từ Hà Nội lúc 23h ngày 11/7 sẽ quá cảnh tại Frankfurt (Đức) trước khi hạ cánh ở Heathrow (Anh) vào 8h30 hôm nay.
Việt Linh