Cánh đồng rau muống trong ký ức

... “Lê ơi! Trưa ra đồng bắt cá lia thia không?”. Nhỏ Lê gật đầu lia lịa trốn ba nó, hai đứa xách giỏ ra đồng... Điệp khúc rủ rê tụm năm, tụm bảy hẹn nhau ra cánh đồng rau muống in đậm tuổi thơ tôi như vết mực lưu trên tờ thư cũ.

Nhà tôi ở cuối đường Đồng Nai, cạnh trường Phước Xuân (nay là Trường Tiểu học Phước Hải 2, phường Phước Hải, TP. Nha Trang). Tuy thành phố nhưng gần giống như quê hơn, cách mấy bậc thang là tới cánh đồng rau mướt mắt, chủ yếu là rau muống xanh nõn.

Ảnh: LÊ NGỌC

Ảnh: LÊ NGỌC

Lũ chúng tôi - những đứa trẻ nghèo lên chín, lên mười lẽo đẽo theo bóng trăng non, băng qua lũy tre rậm rạp. Mỗi lần má đi vắng, tôi chạy ù một mạch đến nhà con Lê, con Nga, rủ thêm vài đứa bạn phía cuối chợ. Cánh đồng, nơi tụ họp ban trưa của chúng tôi: Bẫy nhông, bắt cá, la ó tập trận vật nhau huỳnh huỵch. Mưa, chúng tôi đội mũ bươn sình bắt cúm núm; nắng sải chân thì lên đồi hái mít non chấm muối ớt, vạch rào khều trộm mận chín.

Giữa cánh đồng luống rò ngang dọc, ngôi trường trung học Phước Xuân được xây trên ngọn đồi trọc, hai bên sườn đồi mọc đầy sim tím. Mùa gió, cuốn chiếu lổn nhổn bò khắp cửa lớp, lũ chuồn chuồn bay vù vù ngoài cửa. Tiếng ễnh ương, ếch, nhái “ộp ộp” trong đám ruộng tháo nước là những hòa âm buồn bã tháng 10. Đến mùa nước rút, cá lia thia kẹt lại trong các vết chân bò, chân trâu, làm tổ dưới chân bụi lục bình. Chúng tôi hăm hở xắn quần cầm rổ tre tha hồ xúc, thả trong lọ thủy tinh mang về.

Vào những năm 1975, 1976, chính cánh đồng là nguồn cung cấp rau xanh cho bộ đội, công nhân hầu như toàn thành phố. Đĩa rau muống luộc chấm mắm kho quẹt, tô nước vắt chanh thêm chút muối trong vắt là món chủ lực trong mâm, ăn lùa cơm qua bữa.

Ngày đó, tôi là đứa trẻ ốm tong, thường theo má ra đồng bó rau, theo ba thả lờ, tát cá. Tháng 9, tháng 10, nước nguồn đổ về, tôi lếch thếch trong chiếc áo tơi dài hơn số tuổi, hàm run cầm cập. Ba tôi là kế toán nên ông chỉ giỏi cầm bút, những mẻ lưới kéo lên toàn cá chốt, búng lia lịa trong chiếc rổ, chỉ vài con trầu, con rô kẹt lại trong tấm lưới. Vậy mà má về chia khắp xóm.

Năm 1976, má tôi đăng ký vô hợp tác xã. Nhà nước chia ruộng canh tác, nhờ vậy chén cơm cho bảy đứa con không ghé khoai độn sắn. Tay cầm đũa bếp xới cơm, má nói: “Nhà mình có chén cơm trắng là phước mấy đời”.

Tờ mờ sáng, tiếng chuông xóm đạo Vĩnh Xuân gióng giả vọng qua con sông. Má cùng các cô, các dì lúi húi nón, khăn quẩy gánh ra đồng bó rau. Những gánh rau muống xanh mướt, chuyển xuống chợ bằng đôi chân ngâm phèn nứt nẻ. Hửng sáng, từng tốp người mũ kết, áo vải lùm xùm, lủng lẳng bình bi đông, rìu, rựa nườm nượp qua ngõ nhà tôi, chuyện trò inh ỏi, băng qua cánh đồng rau vào khu Đồng Bò đốt than, đốn củi. Dòng sông nối giữa hai bờ. Bên kia bờ giáp làng Vĩnh Xuân vào khu Đồng Rọ, Đồng Bò. Bên này bờ giáp đường Đồng Nai, chợ Phước Hải hướng trung tâm thành phố. Lũ nhóc chúng tôi gọi đò khản cổ. Ông lái đò đội nắng qua sông. Cả lũ vắt chân chạy trốn sau bụi bồn bồn cười khúc khích. Chiều tối, ai nấy lầm lũi, kẽo kịt trên vai củi kèo, củi cốc qua sông, bon bon về nhà. Ấy vậy đôi khi cái khổ mà hay, như sợi dây mềm mại thít chặt niềm vui với số phận.

Kỷ niệm tìm lối về, hiện rõ trong ký ức. Quãng đường gánh rau chạy chợ của má dài bằng quãng đời tôi. Chiếc áo bông xuộm màu má thường mặc máng trên vách. Má đi, mang theo mùi ngò, mùi é quế, cả mùi bùn mềm hăng hắc... Cảm xúc khiến tôi không phân biệt quá khứ và hiện tại, cứ như đứng trước biển, thấy lòng đất bao dung, trổ mầm xanh từ cánh đồng khô nẻ. Thấy dáng má ngồi xổm bó rau trên đám ruộng khô, trước những đốm lửa tàn bật cháy trong gió.

Đó là những đứa trẻ, những câu chuyện cách đây mấy mươi năm trước... Bây giờ, có đứa xa quê hơn nửa vòng trái đất. Có đứa về trời biền biệt. Cánh đồng, ngôi trường dời vào ký ức.

Khu vực phía tây Lê Hồng Phong - nơi những mảnh ruộng năm xưa nay là khu đô thị hiện đại. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

Khu vực phía tây Lê Hồng Phong - nơi những mảnh ruộng năm xưa nay là khu đô thị hiện đại. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

Đứa trẻ lên mười năm xưa nay tóc hoa râm. Con dốc Đồng Nai dẫn lối về nhà. Đời người quá nhiều thay đổi, nối đuôi qua từng thế hệ. Ráng chiều như dải ruy băng óng ánh trôi dạt. Tôi lạc giữa con đường, lối ngõ dọc ngang, cửa hiệu sáng choang. Ngôi trường năm xưa được thay thế bằng ngôi trường mới khang trang. Xóm làng năm xưa của tôi đây sao? Cánh đồng rau muống đổ tràn màu xanh non, quấn quýt cỏ dại với hương rừng nay ngủ vùi dưới lòng đất. Tôi chụp những tấm ảnh khi đi ngang qua, bận bịu với xa lạ. Chiếc cầu bê tông rộng lớn trên con sông xưa bắc qua Đồng Bò. Lối dẫn vào khu mộ ba má tôi và bà con xóm giềng yên nghỉ, trên ngọn đồi cao lau trắng dập dờn. Tôi ngoái lại, cánh đồng xưa đã khép, văng vẳng ca khúc của Phạm Duy: “Chiều ơi! Áo chàm về quảy lúa trên vai. In hình vào sườn núi chơi vơi ơi chiều!”...

Đứa bé năm xưa bây giờ chạy hụt hơi, mòn tay bới tìm dấu vết cũ cũng chỉ nhặt được những cánh hoa ô môi vàng theo gió thả đầy hè phố.

CHUNG LÊ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202402/canh-dong-rau-muong-trong-ky-uc-52b2ef5/