Cảnh giác 'bẫy lừa' sinh viên khi đi làm thêm
Lợi dụng tâm lý muốn kiếm tiền, nhưng thiếu hiểu biết về pháp luật lao động, không ít chủ sử dụng lao động đã nghĩ ra vô số mánh khóe nhằm lợi dụng sức lao động của sinh viên, trong đó, phổ biến là việc 'ăn bớt' lương, trả lương không đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Ngậm ngùi mất lương khi đi làm thêm
Hồng N (sinh viên năm 3, sinh sống tại Hà Nội) chưa hết ngỡ ngàng khi kể về câu chuyện đi làm thêm của mình. Là sinh viên năm 3, tận dụng thời gian rảnh rỗi, N mong muốn tìm việc làm thêm trong những buổi trống lịch học. Sau khi tìm hiểu và nghe tư vấn của bạn bè, N quyết định bắt đầu công việc part-time, làm nhân viên bán quần áo trên phố Núi Trúc, quận Ba Đình.
Trải qua vòng phỏng vấn đơn giản và được nhận đi làm ngay, N được chủ cửa hàng thỏa thuận mức lương là 18.000 đồng/giờ. Trải qua vài ngày làm việc, trái ngược với thỏa thuận ban đầu là nhân viên bán hàng, N phải kiêm nhiệm thêm công việc của nhân viên dọn kho. N bắt đầu cảm thấy “quá tải” vì công việc vất vả hơn tưởng tượng. Đáng chú ý, công việc nhiều lên, nhưng chủ cửa hàng lại không thực hiện theo đúng thỏa thuận. Tháng lương đầu tiên, N nhận về số tiền chỉ tương đương 16.000 đồng/giờ, vì khối lượng công việc quá tải mà mức lương không xứng đáng, N quyết định xin nghỉ việc.
Tuy nhiên, khi N nộp đơn xin nghỉ việc, chủ cửa hàng viện cớ “không báo nghỉ trước 2 tuần”, nên chỉ trả 70% lương. Theo thỏa thuận với chủ cửa hàng lúc mới vào làm việc, khi nhân viên muốn nghỉ, chỉ cần báo trước vài ngày, trước khi sang tháng mới.
“Thực hiện các yêu cầu của chủ cửa hàng, nhưng khi tôi xin nghỉ họ lại không thanh toán đầy đủ lương. Chủ cửa hàng viện hết lý do này, đến lý do khác để trì hoãn việc thanh toán tiền lương cho tôi”, N ngậm ngùi kể lại.
Tại Hà Nội, hiện chưa có số liệu thống kê về tỉ lệ sinh viên tìm việc làm thêm, nhưng theo ghi nhận, hầu hết đa số sinh viên từ các tỉnh, thành khác và sinh viên có nhà tại Hà Nội đều có nhu cầu tìm việc làm thêm bán thời gian, nhằm kiếm thêm thu nhập, học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm. Tuy vậy, khi ứng tuyển vào doanh nghiệp, dù có kí hợp đồng thỏa thuận rõ ràng về công việc, mức lương, quy định, nhưng đến khi kỳ trả lương, chủ sử dụng lao động lại thông báo những điều khoản không có trong hợp đồng, nhằm trừ lương vô lý với sinh viên.
Không chỉ riêng N, câu chuyện của H - sinh viên năm 2, quê Thái Nguyên càng bi hài hơn. Theo H cho biết, H đã đăng kí làm sale theo giờ cho mục bảo hiểm ô tô, tại một công ty trung gian bán các mặt hàng đa ngành nghề, có trụ sở tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Dù chưa đi làm muộn buổi nào, cũng như đạt đủ KPI do công ty đưa ra, nhưng cuối tháng, công ty chỉ trả cho H số tiền 1 triệu đồng cho 53 tiếng làm việc, tính ra chỉ tương đương với 18 nghìn đồng/giờ, trong khi theo như Hợp đồng lao động hai bên đã thỏa thuận, công ty để mức lương là 25.000 đồng/giờ.
Nhiều nhân viên làm việc toàn thời gian/bán thời gian tại công ty này cùng phản ánh rằng, mình bị thiếu hụt rất nhiều lương và có nhiều điều khoản đến khi nhận lương thì công ty mới thông báo, chứ không hề nằm trong Hợp đồng lao động.
“Khi được hỏi lý do, phía công ty cho rằng số tiền thiếu do phía công ty đã trả thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên. Theo tôi việc này là rất vô lý”, H bức xúc chia sẻ.
Nên tìm việc ở những nơi uy tín
Theo khảo sát, việc làm thêm chủ yếu được sinh viên tìm kiếm qua bạn bè, hay trên các hội nhóm. Sinh viên đi làm có nhiều lý do khác nhau, như kiếm tiền để trang trải ăn học, để học hỏi kinh nghiệm, phát triển quan hệ, tránh lãng phí thời gian.
Dù vậy, trong thực tế, sinh viên đi làm thêm gặp nhiều tình huống không như mong đợi, chủ yếu do thiếu thông tin và cả tin vào những lời hứa của người thuê. Tại các quận nội thành Hà Nội, nhiều sinh viên không biết mức thù lao mình nhận được hiện đang thấp hơn mức tối thiểu theo Nghị định của Chính phủ.
Trong khi đó, theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ 1/7/2022, mức tối thiểu là 22.500 đồng một giờ đối với người lao động làm việc có Hợp đồng lao động ở vùng I (hầu hết các quận, huyện ở Hà Nội).
Nhiều sinh viên bị chèn ép mức lương khi tham gia lao động, một phần xuất phát từ việc kém hiểu biết về pháp luật lao động và quyền lợi của mình. Việc không dám lên tiếng khiến tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra, và người thiệt thòi chính là các bạn sinh viên với tâm lý “thấp cổ bé họng”.
Thực tế các trường hợp bị mất tiền khi đi làm thêm đều là sinh viên năm nhất, năm hai, vốn thiếu kinh nghiệm và ngại va chạm xã hội. “Em mong rằng, bản thân mình dù nắm rõ được luật, nhưng vẫn cần có người hướng dẫn để tránh được tình trạng “bán sức lao động” rẻ mạt”, N chia sẻ sau khi trải qua hành trình chán nản đòi lương không có hồi kết.
Đưa ra lời khuyên cho các sinh viên, Luật sư Nguyễn Văn Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, để có thể khắc phục tình trạng trên, trước hết, sinh viên cần nắm rõ luật để bảo vệ quyền lợi của bản thân, cũng như cứng rắn hơn khi chủ lao động có dấu hiệu vi phạm Hợp đồng lao động. Nhiều bạn sinh viên mới bắt đầu đi làm không có nhiều hiểu biết về luật, cần thận trọng tìm hiểu trước về doanh nghiệp và công việc mình tham gia ứng tuyển, để lựa chọn doanh nghiệp uy tín, điều kiện hợp đồng rõ ràng, tránh phát sinh những điều khoản vô lý, vi phạm quyền lợi của người lao động…
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/canh-giac-bay-lua-sinh-vien-khi-di-lam-them-171396.html