Cảnh giác cháy nổ tại các di tích văn hóa
Xuân về là dịp người dân ở các địa phương thường đến các di tích văn hóa tâm linh như đình, đền, chùa… để tham quan, vãn cảnh hoặc đi lễ hội đầu xuân cầu mong sức khỏe và sự bình an. Đây cũng là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, tự do tín ngưỡng của người Việt Nam.
Cùng với đó, việc đốt vàng mã và thắp hương với số lượng lớn tại những nơi này đã và đang tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ cao. Điều này đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân…
Theo bạn đọc phản ánh, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ chập điện gây cháy tại các khu di tích văn hóa tâm linh như đền, chùa… như vụ cháy đền Phúc Linh, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái xảy ra vào khoảng 4 giờ sáng 13/2 (tức mồng 4 Tết).
Sau khi nhận được tin báo của nhân dân về đền Phúc Linh bị cháy, UBND huyện Văn Yên đã nhanh chóng điều động các lực lượng công an, quân sự phối hợp nhân dân địa phương tham gia chữa cháy. Do ngôi đền được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và ở đỉnh đồi, cách xa khu dân cư. Thời điểm xảy ra cháy vào rạng sáng cho nên khi phát hiện thì ngọn lửa đã bốc cháy dữ dội gây khó khăn cho việc dập lửa…
Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của các lực lượng, đến sáng cùng ngày đám cháy được dập tắt. Ước tính thiệt hại vụ cháy khoảng hơn 600 triệu đồng gồm 1 nhà gỗ 5 gian và nhiều đồ dùng, vật dụng trong đền bị cháy rụi. Nguyên nhân ban đầu được xác định khả năng cao do chập điện tại gian thờ bên phải của hậu cung, sau đó lan ra các gian thờ khác…
Những nơi này thường xuyên được người dân thắp nến, thắp hương, đốt vàng mã, nhất là vào những dịp lễ hội, đầu năm mới lượng người đến đây thường tăng đột biến. Hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện nhiều nơi cũng chưa bảo đảm chất lượng và không được kiểm tra thường xuyên. Các địa điểm tôn giáo, nơi thờ tự thường nằm sát khu dân cư, nhiều nơi nằm sâu trong ngõ nhỏ gây khó khăn cho việc di chuyển hoặc cứu chữa nếu xảy ra hỏa hoạn.
Trước đó, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an tỉnh Hà Nam nhận được tin báo xảy ra cháy tại chùa Phật Quang (xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm).
Ngay sau đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động 2 xe chữa cháy cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ và phương tiện đến hiện trường chữa cháy. Sau khoảng 30 phút, các cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH đã khống chế được đám cháy. Mặc dù vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng nhiều nội thất bên trong khu vực giảng đường của ngôi chùa đã bị cháy rụi. Mức độ thiệt hại ước tính khoảng 600 triệu đồng.
Qua khảo sát một số đình, chùa, tại nhiều địa phương cho thấy, các di tích này thường được xây dựng từ những vật liệu gỗ, kèm theo nhiều đồ trang trí, thờ tự được làm bằng vải, bằng giấy.
Bên cạnh đó, những nơi này thường xuyên được người dân thắp nến, thắp hương, đốt vàng mã, nhất là vào những dịp lễ hội, đầu năm mới lượng người đến đây thường tăng đột biến. Hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện nhiều nơi cũng chưa bảo đảm chất lượng và không được kiểm tra thường xuyên. Các địa điểm tôn giáo, nơi thờ tự thường nằm sát khu dân cư, nhiều nơi nằm sâu trong ngõ nhỏ gây khó khăn cho việc di chuyển hoặc cứu chữa nếu xảy ra hỏa hoạn.
Ngoài ra, thời tiết khô, nắng nóng kéo dài cũng là điều kiện phát sinh nhiệt, dễ gây ra các vụ hỏa hoạn… Đây đều là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại những khu di tích tâm linh.
Theo Thượng tá Nguyễn Kim Oanh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Yên Bái, để chủ động phòng ngừa các vụ cháy có thể xảy ra tại các khu di tích tâm linh, nhất là vào thời điểm lễ hội đầu xuân, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn các quy định an toàn về cháy, nổ cho những người làm việc tại đây, cũng như khách tham quan, du lịch.
Bên cạnh đó các địa điểm tôn giáo, nơi thờ tự cũng cần thực hiện nghiêm các quy định, nội quy về PCCC và các biển, bảng chỉ dẫn lối thoát nạn khi có cháy xảy ra; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện; bố trí nơi hủy hương, nến, vàng mã... và phải cử người có kiến thức về PCCC trông coi nhằm kịp thời xử lý ngay những trường hợp bất cẩn khi khách đến thắp hương, nến; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chính điện, kho, bãi xe...; chủ động trang bị mới và kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện PCCC như: Nước, xô, bình chữa cháy xách tay... nhằm bảo đảm hoạt động tốt khi xảy ra cháy. Khi phát hiện cháy cần báo ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp qua số điện thoại 114 hoặc báo ngay cho chính quyền sở tại để kịp thời tổ chức chữa cháy…
Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại các di tích văn hóa tâm linh như đình, đền, chùa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố đề ra các giải pháp cụ thể như: Tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống cấp điện, phòng cháy, chữa cháy trong di tích; thường xuyên tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho người bảo vệ, trông coi di tích; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về phòng chống cháy, nổ. Chủ động trang bị, thay mới và lắp đặt các thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại các khu vực dễ xảy ra cháy, nổ. Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội của địa phương, cao điểm là mùa lễ hội đầu năm 2024; chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã, đơn vị tổ chức lễ hội, Ban quản lý các di tích kiểm tra, rà soát, lập phương án phòng chống cháy, nổ nhằm giữ gìn an toàn tuyệt đối cho các di tích, cho tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày tại di tích, đồng thời bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh, vừa bảo đảm hoạt động tham quan, chiêm bái tại các di tích diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/canh-giac-chay-no-tai-cac-di-tich-van-hoa-post796879.html