Cảnh giác chiêu lừa 'tuyển người bán hàng trực tuyến'
Thời gian gần đây, Bộ Công an đã triệt phá đường dây lừa đảo tiền của cộng tác viên bán hàng trực tuyến trên phạm vi toàn quốc với hơn 3.000 người là nạn nhân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người bị dụ dỗ, có thể rơi vào bẫy của các nhóm đối tượng lừa đảo người tham gia làm cộng tác viên bán hàng trực tuyến. Vì vậy, mỗi người dân cần cảnh giác và chủ động liên hệ với cơ quan chức năng khi thấy dấu hiệu lừa đảo để ngăn chặn những chiêu trò này...
Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia làm cộng tác viên bán hàng trực tuyến để tránh bị lừa đảo. Ảnh: Đỗ Tâm
Nhiều người mắc bẫy
Ngày 24-4, trên trang cá nhân Facebook Trần Nghĩa kể lại hình thức lừa đảo của trang cá nhân Facebook “Thời đại số”. Theo đó, trang cá nhân “Thời đại số” lấy địa chỉ công ty giả, tuyển cộng tác viên bán hàng mỹ phẩm, chiết khấu 35%, nhận lại hàng khi cộng tác viên không bán được. Sau đó, đối tượng lấy các nick (tài khoản) Facebook khác đặt mua hàng. Trần Nghĩa là cộng tác viên bán hàng của trang cá nhân “Thời đại số” thấy các đơn đặt hàng trên nên ngay lập tức chuyển 10 triệu đồng cho người điều hành trang cá nhân “Thời đại số” để được nhận hàng, kịp liên hệ với khách và chuyển hàng cho khách. Tuy nhiên, khi chuyển hàng cho khách thì bị hoàn trả do địa chỉ đăng ký nhận hàng là giả, số điện thoại không liên lạc được. Lúc này cộng tác viên gửi trả hàng đến “Thời đại số” như thỏa thuận ban đầu thì địa chỉ gửi cũng là ảo nên hàng lại bị hoàn về lần nữa, rồi trang “Thời đại số” về mỹ phẩm cũng biến mất.
Trước đó, ngày 20-4, trang cá nhân Thanh Trúc cũng đưa thông tin về nhóm bán hàng khác với hình thức tinh vi. Nhóm này rao công việc là đăng bài viết về sản phẩm của nhóm trên trang cá nhân rồi sẽ trả lương cho cá nhân đăng bài. Khi Thanh Trúc tham gia được ít ngày, có một địa chỉ - rất có thể từ nhóm trên tạo ra, đặt hàng là 100 thỏi son. Thấy có lợi nhuận, Thanh Trúc đặt cọc 1,7 triệu đồng từ nhóm trên để nhận hàng rồi giao hàng cho địa chỉ đặt hàng. Tuy vậy, địa chỉ đặt hàng lại không có thật, trong khi liên hệ lại địa chỉ nhóm trên để trả lại hàng thì đó là địa chỉ là ảo. Chia sẻ với phóng viên, chị Thanh Trúc nói rằng số tiền 1,7 triệu đồng rất lớn với nhiều người nên chị phải có cảnh báo để mọi người cảnh giác khi làm cộng tác viên với những trang bán hàng trên mạng xã hội.
Chị Vương Thùy Linh, quản lý cửa hàng thời trang Elise, phố Thái Hà (quận Đống Đa) cho hay cũng từng có người nhà là nạn nhân của hình thức lừa đảo này. Quảng cáo mà các trang mạng bán hàng đã dùng để lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến (online) rồi chiếm đoạt tài sản là không phải bỏ vốn đầu tư, chiết khấu cao và có thể trả lại sản phẩm nếu không bán được... Tuy nhiên, tất cả đều là giao dịch ảo, nhiều người bỏ tiền ôm cả đống hàng kém chất lượng với giá cao mà không biết mình đang bị lừa...
Cần quản lý chặt chẽ
Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hòa (phố Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy) cho biết, hoạt động tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến đang sao chép cách thức hoạt động của mô hình đa cấp để lừa đảo người khác. Các giao dịch đều không được cam kết hay bảo đảm bằng quy định pháp luật vì hoạt động hoàn toàn trên không gian ảo nên hầu hết giao dịch mang tính rủi ro cao.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), các cơ quan chức năng cần sớm có quy định đón đầu cũng như áp dụng công nghệ hiện đại để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động này. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả việc tuyển, sử dụng cộng tác viên bán hàng trực tuyến; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo cho người dân về hình thức cộng tác bán hàng trên.
Cùng quan điểm, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) nhận định, hiện nay tình trạng tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến đang biến tướng. Cục đã nắm được các thông tin này và đang thu thập thêm chứng cứ để đánh giá đầy đủ theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trước khi có biện pháp xử lý hoặc chuyển cơ quan công an xử lý theo thẩm quyền.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng khuyến cáo người dân cần nhận thức rõ các dấu hiệu lừa đảo của hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến...
Hiện chưa có thống kê cụ thể về các nhóm đối tượng lừa đảo cộng tác viên bán hàng trực tuyến và số vụ việc mà nạn nhân tố cáo với cơ quan chức năng rất ít do e ngại vì số tiền bị chiếm đoạt không lớn với người bị hại. Lợi dụng thực tế này nên nhiều đối tượng vẫn tiếp tục lừa đảo những người nhẹ dạ trên môi trường mạng internet. Vì vậy, mọi người cần cẩn trọng, không liên hệ qua các tài khoản mạng xã hội khi chưa xác định được độ tin cậy, tính an toàn. Khi có dấu hiệu bị lừa đảo thì lưu thông tin điện thoại, tài khoản ngân hàng... của đối tượng để cung cấp ngay cho cơ quan công an nhằm vạch trần những chiêu trò lừa đảo này.