Cảnh giác chiêu trò lừa bán vé tàu, xe, máy bay giả
Tết Nguyên Đán đến gần, nhu cầu mua vé tàu, xe, máy bay về quê dịp Tết của người dân ngày càng gia tăng. Lợi dụng thời điểm 'vàng', các đối tượng lừa đảo lại tung ra chiêu trò lừa bán vé tàu, máy bay giá rẻ để chiếm đoạt tài sản. Nhiều khách hàng khi làm thủ tục check-in mới 'tá hỏa' những tấm vé mình đang sở hữu chỉ là tờ giấy lộn.
Nắm bắt nhu cầu một số khách hàng muốn mua vé nhưng ngại xếp hàng, chen lấn của người dân, các đối tượng lừa đảo lập ra nhiều fanpage, website giả mạo như: Đường sắt Việt Nam, các đại lý, phòng vé máy bay có uy tín... nhằm “giăng bẫy”, “bắt mồi” với chiêu trò bán vé tàu, xe, máy bay online giá rẻ. Chúng thường xuyên đăng tải các bài viết quảng cáo, chia sẻ thông tin, bảng giá, hình ảnh mua bán, trao đổi vé máy bay trên các hội, nhóm công khai.
Khi dụ được “con mồi”, chúng đưa ra mức giá rẻ “không tưởng” và yêu cầu khách hàng chuyển tiền cọc trước để lấy mã lên tàu, xe, máy bay. Chúng chụp lại cuống vé sau khi đã làm các “thủ thuật” đổi tên hành khách cần mua. Thậm chí, với chiêu trò này, đối tượng còn có thể in vé ra nhiều bản để bán cho nhiều khách. Và dĩ nhiên, khi giao dịch thành công chúng sẽ lặn mất tăm còn khách hàng chỉ khi lên xe mới biết được đấy là vé thật hay giả.
Chị Mai Hoan (42 tuổi, ở TP Thanh Hóa) cho biết, tháng trước chị lên mạng xã hội đặt vé máy bay TP Hồ Chí Minh – Thanh Hóa cho em gái về quê vào dịp Tết Dương lịch. Do dịp Tết giá vé khá cao, chị Hoan mong muốn tìm được vé giá rẻ nên đã tham gia một nhóm trên mạng xã hội để tham khảo. Sau khi được gửi thông tin chuyến bay, mã số vé bay và kiểm tra trên hãng, chị Hoan đã chuyển khoản số tiền gần 2 triệu đồng cho bên bán vé, sau đó bị chặn liên hệ ngay sau khi chuyển tiền thành công. Toàn bộ tin nhắn giao dịch cũng đã bị bên rao bán vé máy bay giá rẻ thu hồi...
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hồng Hiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Hàng không Thanh Hóa cho biết: "Tình trạng này đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa một vài năm trở lại đây. Các chiêu trò ngày càng đa dạng, biến hóa khôn lường. Đối tượng lừa đảo thuê văn phòng đại diện, chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội để “câu” khách. Trong khi đó, khách hàng chủ quan, ngại gọi lên đường dây nóng của hãng bay nên thường không kiểm tra lại vé dẫn tới trường hợp “tiền mất tật mang”.
Ông Hiến khuyến cáo, khách hàng có nhu cầu mua vé cần phải tìm hiểu kỹ, chỉ nên mua vé qua các đại lý được ủy quyền, các website hoặc app chính thống của các hãng bay. Đồng thời, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp hãng hàng không, đọc thông tin mã vé và kiểm tra hiệu lực vé, yêu cầu nhân viên hãng soát lại thông tin hành trình bay, hành khách bay trước khi chuyển hết tiền cho bên bán.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã quyết định tăng số lượt cất, hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân dịp Tết. Theo đó, từ ngày 25/1 đến 24/2/2024, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng đến 44 slot (số lượt cất hạ cánh) mỗi giờ vào ban ngày và 40 slot mỗi giờ vào ban đêm. Ngày thường, nơi này khai thác tối đa 40 slot lúc cao điểm. Nhờ vậy, các hãng bay sẽ cung ứng thêm 520.800 ghế, trung bình 16.800 chỗ mỗi ngày dịp Tết. Tại Nội Bài, Cục Hàng không Việt Nam cho phép tăng tối đa 40 slot mỗi giờ vào ban ngày và 30 slot mỗi giờ vào ban đêm. Nhờ vậy, các hãng bay đến Nội Bài sẽ được tăng thêm 10.800 ghế mỗi ngày.