Cảnh giác chiêu trò mạo danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Giả danh công an thực hiện cuộc gọi điện thoại thông báo cho nạn nhân vướng vòng lao lý hoặc hướng dẫn cách lấy lại tiền bị lừa, là những thủ đoạn đã nhiều lần được cảnh báo nhưng người dân vẫn dính bẫy.
Mới đây, ngày 7-3-2024, Công an phường Phương Liên, quận Đống Đa tiếp nhận tin trình báo của anh D (SN 2001; trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) về việc anh D nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói anh D có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền. Đối tượng yêu cầu anh D phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan.
Do lo sợ nên anh D đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau đó, anh D biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.
Trước đó, bà Đ (SN 1956) trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà Đ có liên quan đến vụ việc vi phạm pháp luật và yêu cầu chị phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Do lo sợ nên bà Đ đã chuyển toàn bộ số tiền 850 triệu đồng là tiền tiết kiệm của bản thân vào tài khoản của các đối tượng. Chuyển tiền xong, bà Đ biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin truyền thông khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền cho người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo kể trên. Người dân không nên nghe và làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của người lạ; không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị đánh cắp thông tin phục vụ cho những hành vi phạm tội của đối tượng.
“Khi cần làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương. Cơ quan chức năng cũng không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng”, Cục An toàn thông tin lưu ý.
Cũng với thủ đoạn mạo danh cơ quan công an, thời gian gần đây xuất hiện trang giả mạo của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, gần đây, trên không gian mạng liên tục xuất hiện các trang có tên "Cục An ninh mạng" hoặc "Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao" để đưa thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và biện pháp phòng chống; đồng thời cung cấp các dịch vụ pháp lý hỗ trợ công dân như tư vấn lấy lại tiền lừa đảo, hỗ trợ xử lý các vụ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bản chất là đối tượng lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tiền của các nạn nhân để khiến họ bị lừa chiếm đoạt tài sản tiếp.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác với các trang web mạo danh Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Để hạn chế tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ ai và qua bất cứ hình thức nào. Bởi lẽ, việc lộ lọt thông tin cá nhân sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường. Người dân, đặc biệt là những người từng bị lừa đảo tài chính, cần cẩn trọng trước các website hoặc hội nhóm mạng xã hội liên tục chạy quảng cáo, mời chào hỗ trợ lấy lại tiền đã mất.
Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra các trang thông tin chính thống của cơ quan Công an tại phần "Liên kết website" trên Cổng thông tin điện tử có địa chỉ mps.gov.vn, bocongan.gov.vn của Bộ Công an.
Với các tài khoản trên mạng xã hội và ứng dụng OTT, hiện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang rà soát, sẽ công khai với người dân danh sách những đường dẫn này.