Cảnh giác dịch vụ 'lấy lại tiền lừa đảo'

Tìm kiếm trên thanh công cụ của facebook, hàng loạt các nhóm công khai 'lấy lại tiền lừa đảo' với hàng nghìn thành viên hiện ra. Các hội nhóm này công khai quảng cáo giúp lấy lại tiền lừa đảo qua số tài khoản, qua các sàn như shoppe, lazada, senko, tiki, vay tiền... Cả tin, nhiều người tiếp tục 'sập bẫy' lừa đảo.

Nhan nhản các hội nhóm quảng cáo dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo.

Nhan nhản các hội nhóm quảng cáo dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo.

Tiếp tục dính “bẫy”

Mỗi ngày, các hội nhóm liên tục chia sẻ các bài viết liên quan đến cách thức lấy lại tiền đã bị lừa đảo trực tuyến. Đánh vào tâm lý muốn lấy lại số tiền bị lừa đảo, các đối tượng sẽ mạo danh là công an, luật sư, kiểm sát viên, người từng lấy được tiền sau khi bị lừa đảo... Sau đó, chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân.

Sau khi có được niềm tin của nạn nhân, đối tượng bắt đầu yêu cầu thanh toán dưới dạng phí xử lý, phí pháp lý, hoặc bất kỳ lý do hợp lý nào khác. Nạn nhân sau khi chuyển tiền sẽ bị khóa chặn các liên lạc trước đó. Lúc này mọi người mới nhận ra mình tiếp tục dính bẫy lừa đảo lần thứ hai.

Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), khi các đối tượng đã chủ định lừa nạn nhân qua mạng, qua điện thoại là có chủ định ngay từ ban đầu nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt, khó nhận ra. Các đối tượng sẽ không bao giờ tự nguyện hoàn trả lại tiền cho nạn nhân và càng không có chuyện chịu đàm phán, thương lượng. Thông tin mà các đối tượng cho bạn biết đều là giả mạo, gian dối và rất khó có thể liên hệ, tìm được các đối tượng này.

Vì thế, trường hợp này nạn nhân chỉ có cách duy nhất là trình báo cơ quan chức năng, sau này sẽ được giải quyết theo quy trình tố tụng và nạn nhân được coi là bị hại. Quá trình giải quyết, các cơ quan tố tụng sẽ tiến hành xác minh, thu giữ số tiền vi phạm, hoặc các đối tượng khắc phục hậu quả. Trường hợp này các nạn nhân sẽ có cơ hội hoàn trả tiền theo bản án có hiệu lực của Tòa án và thi thành án.

Hiện nay, có rất nhiều đối tượng lợi dụng sự sốt ruột muốn sớm lấy lại tiền của nạn nhân để tiếp tục lừa bằng thủ đoạn nộp thêm tiền phí để các đối tượng này sử dụng các biện pháp can thiệp, tác động vào hệ thống để lấy lại tiền. Các đối tượng đưa ra rất nhiều thủ đoạn hứa hẹn, đánh vào tâm lý muốn lấy lại tiền và chấp nhận bỏ ra trước một ít tiền.

“Đây lại tiếp tục là thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng. Để tạo niềm tin các đối tượng giả danh người có uy tín như luật sư, cơ quan nhà nước thậm chí lấy cả hình ảnh, thông tin người có uy tín để lừa đảo” - Luật sư Hùng nhấn mạnh.

“Nếu gặp trường hợp này nạn nhân nên xác minh kĩ thông tin người liên hệ như địa chỉ trụ sở, văn phòng, thông tin chính chủ như tìm kiếm trên website, fanpage, facebook hoặc nếu cần thiết bạn nên đến trụ sở chính của họ để tìm hiểu, hỗ trợ. Nếu những người này có biểu hiện gian dối, mập mờ thì bạn không nên giao dịch với họ. Các nạn nhân cố gắng tỉnh táo, tránh gặp trường hợp tiền mất rồi lại mất thêm cho những kẻ lừa đảo khác” - Luật sư Hùng khuyến cáo.

Luôn đề phòng, cảnh giác

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia) cho biết, theo thống kê của dự án phi lợi nhuận Chongluadao, có đến trên 80% các vụ lừa đảo trên mạng là lừa đảo tiền.

Ông Hiếu khẳng định, không có chuyện dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa. Khi bị lừa đảo trực tuyến, người dân thay vì lên mạng xã hội kêu cứu, tìm kiếm hỗ trợ từ các dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo thì nên liên hệ với những luật sư uy tín để được hướng dẫn các thủ tục và báo lên cơ quan chức năng.

Theo ông Hiếu, một trong những cách thức mà đối tượng thường xuyên sử dụng đó là tạo một danh tính giả. Cụ thể, kẻ lừa đảo xây dựng một nhân vật xuất hiện có thể tin tưởng và đáng tin cậy. Điều này có thể liên quan đến việc tạo các hồ sơ giả, trang web giả hoặc tài liệu để ủng hộ sự lừa dối. Sau khi nạn nhân tin tưởng vào khả năng của kẻ lừa đảo, chúng sẽ yêu cầu thanh toán hoặc thông tin cá nhân dưới giả danh phí xử lý, yêu cầu pháp lý hoặc bất kỳ lý do hợp lý nào khác như khắc phục một sự cố không tồn tại... Trong khi, các công ty hỗ trợ công nghệ hợp pháp sẽ không yêu cầu thanh toán dưới dạng thẻ quà tặng, chuyển khoản ngân hàng, ứng dụng chuyển tiền hoặc tiền mã hóa…

Thông thường, để dẫn dụ nạn nhân của các vụ lừa đảo mạng, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển trước một số tiền nhất định. Ví dụ bị lừa 100 triệu đồng thì cần phải gửi từ 10-20% của số tiền, tức là 10-20 triệu đồng. Nhiều người đã nhẹ dạ cả tin và bị lừa tiếp lần hai. Sau khi chuyển tiền xong, các đối tượng sẽ lập tức khóa chặn liên lạc với nạn nhân.

Người dân cần tìm kiếm tên công ty hoặc số điện thoại kèm những từ khóa như “lừa đảo” hoặc “khiếu nại”. Nếu đang tìm kiếm hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hãy tìm hiểu một công ty có uy tín. Ngay lập tức báo sự việc cho cơ quan chức năng, như cảnh sát hoặc ngân hàng, để họ tiến hành điều tra và cung cấp sự hỗ trợ khi bạn bị lừa đảo mạng.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân hãy luôn cảnh giác vì tội phạm gần đây giả danh sự uy tín của công ty, doanh nghiệp, luật sư, kiểm sát viên hoặc chuyên gia an ninh mạng rất nhiều. Không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào mà không có đầy đủ thông tin và xác minh. Bảo vệ thông tin tài chính cá nhân của bạn và tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến để tránh trở thành nạn nhân. Cơ quan chức năng cũng có một số kênh để cảnh báo như canhbao.ncsc.gov.vn và tinnhiemmang.vn để người dân có thể cập nhật kiến thức, và kiểm tra những đường link giả mạo, độc hại, lừa đảo.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/canh-giac-dich-vu-lay-lai-tien-lua-dao-5726192.html