Cảnh giác đột quỵ, nhồi máu cơ tim khi trời trở rét

Các chuyên gia y tế cảnh báo xu hướng gia tăng bệnh nhân đột quỵ và nhồi máu cơ tim vào thời điểm giao mùa trời trở lạnh từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau.

Cẩn thận thời điểm giao mùa

Sau lần nhập viện vì huyết áp tăng cao vào cuối năm trước, ông N.V.T (56 tuổi, ở Hà Nội) bắt đầu thói quen tập thể dục buổi sớm. Cứ đều đặn 5h sáng ông T thức dậy, ra công viên gần nhà, vừa đi bộ vừa chạy chậm vài ba vòng. Cùng với việc duy trì đều thuốc theo đơn bác sĩ, sức khỏe ông T đã ổn hơn.

Một ca đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Một ca đột quỵ được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Gần một tháng nay, trời trở lạnh hơn vào mỗi đêm và sáng sớm, nhưng ông T vẫn duy trì lịch tập 5h. Cách đây vài hôm, sau 30 phút đi bộ, ông T xuất hiện các triệu chứng đau đầu dữ dội, chóng mặt và khó nói. May mắn các bạn tập nhanh chóng gọi điện về gia đình và ông T ngay lập tức được đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện ông T được chẩn đoán đột quỵ, can thiệp thông mạch máu và dần phục hồi.

Tương tự, ông N.T. K (70 tuổi, ở Hà Nội) xuất hiện cơn đau tức ngực, khó thở khi đang bơi. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên, ông K vội dừng bơi, nghỉ ngơi nhưng không thuyên giảm nên gia đình đã vội vã đưa ông đi cấp cứu.

Các bác sĩ kết luận ông bị phù phổi cấp, tắc hoàn toàn động mạch vành trái, nhồi máu cơ tim. Theo người nhà, ông K có thói quen bơi từ nhiều năm nay, mùa nào ông cũng đều đặn tới bể vào 7h sáng. Nhờ được cấp cứu kịp thời trong khung giờ vàng, ông K đã thoát cơn nguy kịch.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, năm 2023 bệnh viện ghi nhận số người bị đột quỵ và nhồi máu cơ tim tăng cao hơn 20 - 30% vào vào thời điểm giao mùa và thời tiết lạnh các tháng 11, 12 và tháng 1, 2 năm sau, so với những tháng khác trong năm.

"Thời tiết thay đổi không phải nguyên nhân gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim, song đây là yếu tố thúc đẩy tình trạng này gia tăng. Khi lạnh đột ngột, cơ thể sẽ phản ứng mang tính tự vệ như co mạch ngoại biên, tăng tiểu cầu, tăng độ nhớt khiến máu dễ bị đông, dẫn đến hình thành cục huyết khối, gây tắc mạch, làm tăng huyết áp góp phần gây ra biến cố. Huyết áp càng cao thì nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim càng lớn", BS Yến thông tin.

Cần chú ý điều gì?

Theo các chuyên gia, với những người đã từng mắc các bệnh lý tim mạch, mạch máu, huyết áp khi gặp các yếu tố thời tiết thay đổi, stress, áp lực công việc, lối sống không lành mạnh... dễ tăng thêm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

BS Yến khuyến cáo, trong những ngày thời tiết trở lạnh, mỗi người cần ngủ đủ giấc. Sau khi thức dậy, chờ cơ thể tỉnh táo và có thể khởi động nhẹ nhàng tại nhà, không nên tập thể dục ngoài trời trong thời tiết rét đậm, nếu ra ngoài đường nên mặc đủ ấm.

Người có bệnh tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp hàng ngày, tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không tập thể dục hay vận động nặng khi huyết áp tăng.

"Mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tăng cholesterol, đái tháo đường…

Ngoài ra, một số biện pháp phòng ngừa chung là tăng cường vận động, tránh ngồi một chỗ trong thời gian dài liên tục, áp dụng chế độ ăn ít muối, ít dầu mỡ, tăng cường rau xanh, quả chín, bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng bia rượu, chất kích thích", BS chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.

Người trẻ không được chủ quan

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim có thể xảy ra với bất kỳ ai, trong đó có người trẻ. Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, gần đây tiếp nhận nhiều ca đột quỵ có tuổi đời còn rất trẻ (dưới 45 tuổi), chiếm 15% tổng số bệnh nhân của toàn Trung tâm.

Hiện đang điều trị tại đây, anh N.V.P (31 tuổi, Hải Dương) được chẩn đoán đột quỵ, xuất huyết não. Khi chuyển tới, anh P hôn mê, đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100mmHg. Tình trạng huyết áp không giảm ngay cả khi đã được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch.

Theo người nhà, từ năm 2020, anh P đã từng chảy máu não bán cầu trái do tăng huyết áp. Khi điều trị ổn định, bệnh nhân được cho về nhà dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, khi huyết áp ổn định, bệnh nhân chủ quan tự bỏ thuốc và có sử dụng thuốc lá, rượu, bia.

BS Dũng thông tin, qua hội chẩn các chuyên khoa, kết luận bệnh nhân khó có thể tiến hành phẫu thuật do đã chảy máu cả hai bên não và hôn mê sâu. Bệnh nhân được chỉ định tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa, tuy nhiên tiên lượng nặng.

Theo Tổ chức đột quỵ thế giới, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 12,2 triệu ca đột quỵ mới trên toàn cầu.

Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ ở nước ta khoảng trên 200.000 mỗi năm.

Lan Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/canh-giac-dot-quy-nhoi-mau-co-tim-khi-troi-tro-ret-192241209214350479.htm