Cảnh giác hành vi giả danh nhân viên ngành điện để bán hàng, thu tiền
Ông N.T.T, ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An, cho biết: Vừa qua, khi ông ở nhà thì có một nam thanh niên khoảng 30 tuổi vào nhà, tự xưng là nhân viên Điện lực Tân An, mời ông mua 1 chiếc thang xếp.
Ông T. kể: “Tôi hoàn toàn tin tưởng thanh niên này là nhân viên điện lực vì người này mặc đồng phục màu vàng, nón vàng và trên túi áo có in tên, logo ngành điện. Thanh niên này mời tôi mua chiếc thang xếp và cho rằng cuối năm, thay vì công ty thưởng bằng tiền thì lấy hàng tồn kho ra tặng nhân viên. Do không có nhu cầu sử dụng nên đem bán lấy tiền tiêu xài”.
Theo đó, người này không đưa ra giá cụ thể mà nói với ông T. trả bao nhiêu tiền cũng được. Ông T. đưa ra giá 1 triệu đồng, người này đưa ra hóa đơn có ép nhựa chứng minh chiếc thang xếp giá 6,5 triệu đồng khi công ty họ mua vào. Tuy vậy, thanh niên này tiếp tục “kèo nài”, bớt số tiền bán thang còn 3,5 triệu đồng. Do số tiền thanh niên này đưa ra khá cao, ông T. quyết định không mua chiếc thang. Sau khi thanh niên này bỏ đi, ông T. tham khảo sát giá chiếc thang trên một số trang bán hàng trên Internet mới biết chiếc thang chỉ có mức giá trung bình 1,5 triệu đồng. Ông T. nói: “Nếu tôi quyết định mua chiếc thang trên, chắc chắn giá bán khá đắt so với trên thị trường”.
Ngoài việc bán thang xếp, thời gian gần đây, người dân khu vực TP.Tân An cũng như các địa phương khác trong tỉnh còn gặp phải nhiều trường hợp giả danh nhân viên điện lực vào nhà dân mời mua dây điện, tấm bạt che (nylon) mưa nắng, ổ khóa, dây điện, kềm, mỏ lếch, máy cưa,... Bên cạnh đó, có nhiều người còn giả danh nhân viên ngành điện đến nhà khách hàng khu vực đường Huỳnh Hữu Thống, Huỳnh Văn Nhứt thuộc phường 3, TP.Tân An,...để bán bảo hiểm ngành điện, thu tiền bảo hiểm điện.
Trước vấn đề này, đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Long An khẳng định, ngành điện không có chủ trương cũng như cho phép nhân viên đi bán hàng, bán bảo hiểm hay thu tiền bảo hiểm ngoài nhiệm vụ chuyên môn.
Mỗi nhân viên điện lực đều có tên, mã số nhân viên riêng.Khi có nhân viên điện lực vào công tác tại nhà, người dân nên hỏi tên, mã số nhân viên và có thể gọi điện thẳng đến số điện thoại của điện lực địa phương để xác minh. Trường hợp người dân phản ánh là những đối tượng giả danh nhân viên Điện lực để thực hiện hành vi lừa đảo. Vì vậy, người dân cần cảnh giác, đề phòng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng và không nên mua các sản phẩm được giới thiệu như đã nêu.
Người dân cần lưu ý thêm, hiện nay, trên địa bàn TP.Tân An, nhân viên ngành điện chỉ đến nhà khách hàng để gửi thông báo tiền điện hàng tháng, không còn hình thức thu tiền điện trực tiếp tại nhà. Ngoài ra, nhân viên ngành điện chỉ đến nhà khách hàng khi thay điện kế đến hạn kiểm định, kiểm tra công-tơ, sửa chữa điện.
Qua phản ánh của người dân, hầu hết các trường hợp giả mạo nhân viên điện lực đến nhà dân bán sản phẩm thường có giá khá cao so với giá thị trường và thường là hàng nhái, kém chất lượng.
Vì vậy, để tránh xảy ra thiệt hại về kinh tế, khi phát hiện bất kỳ một hành vi giả danh công nhân, viên chức, lao động ngành điện để bán hàng hoặc có hành vi trái pháp luật, khách hàng cần thông báo ngay cho điện lực gần nhất hoặc cơ quan công an địa phương để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật./.