Cảnh giác: Mất tiền oan uổng vì nhận hàng giúp
Nhiều người lao động đi làm vào giờ hành chính thường có thói quen mua sắm online để nhận hàng tại nơi ở trọ hay nơi làm việc cho tiện. Lợi dụng sơ hở từ hình thức mua bán này, kẻ xấu đã giở thủ đoạn lừa đảo tinh vi để chiếm đoạt tài sản. Điển hình là hai trường hợp xảy ra tại một nhà trọ và một trường học trên địa bàn TP.HCM…
Sau khi nghỉ hưu, ông L.T.B (65 tuổi, ngụ xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi) cùng vợ xây dãy nhà trọ tại địa để kiếm thêm thu nhập. Khách trọ của ông đa phần là công nhân. Do thường xuyên có mặt tại nhà nên ông B. cũng hay giúp nhận những đơn hàng đặt mua online của khách trọ, trong đó có chị L.T.M.L (quê An Giang).
Buổi sáng đầu tháng 9/2023, chị L. có đặt mua một chiếc váy nên ra cổng đứng đợi người giao hàng. Thấy vậy, ông B. đến bắt chuyện và biết L. đang chờ nhận đơn hàng. Hai người trao đổi một lúc thì shipper đến, nhưng chị L. nhận phải chiếc váy size quá nhỏ. Biết shop đã giao nhầm, chị L đã trả hàng cho shipper và đề nghị shop quần áo giao lại size lớn…
Không lâu sau, một thanh niên điều khiển xe máy quay trở lại tìm L. giao hàng, nhưng chị này đã đi làm. Thấy gói hàng có đầy đủ tên cũng như số điện thoại của chị L., ông B. tin tưởng là người giao hàng nên đề nghị nhận thay với số tiền 500.000 đồng. Đến chiều, khi chị L. về tới phòng trọ thì chiêu lừa của nam thanh niên mới bị vạch trần. Vội kiểm tra gói hàng, L. ngỡ ngàng khi bên trong chỉ là bộ quần áo cũ. Còn ông B. tiếc ngẩn ngơ vì bị mất tiền oan mà không làm được gì.
Trước đó, tại một trường THPT trên địa bàn P15, Q.Gò Vấp cũng xảy ra vụ việc tương tự. Nạn nhân là một nhân viên bảo vệ, còn kẻ lừa đảo là người đàn ông ngoài 30 tuổi, mặc áo khoác, chở theo một túi xách điều khiển xe máy dừng trước cổng trường. Vừa bước vào trong, anh ta gặp bảo vệ trường và tự giới thiệu là nhân viên giao hàng online (nhưng không mặc đồng phục của nhân viên giao hàng), nói muốn gửi hàng cho một cô giáo trong trường.
Thấy vậy, bảo vệ trường yêu cầu người này gọi điện cho cô giáo. Trước mặt bảo vệ, anh ta thực hiện cuộc gọi và nói chuyện trao đổi về việc nhận hàng hóa. Sau khi kết thúc cuộc gọi, nam thanh niên nói rằng do cô giáo hiện không có ở trường nên nhờ bảo vệ nhận gói hàng và trả giúp 500.000 đồng.
Vì đang giờ học sinh học ra về đông nên nhân viên bảo vệ vội đưa tiền mà không nói chuyện trực tiếp với cô giáo. Vả lại, trên gói hàng có ghi đúng tên giáo viên của trường nên bác bảo vệ đã không mảy may nghi ngờ. Đầu giờ chiều, khi đến trường dạy học, lúc bảo vệ trường đưa gói hàng nhận giúp, cô giáo này ngạc nhiên cho biết mình không đặt mua đồ và cũng không có nhân viên nào gọi báo giao hàng. Đến lúc này, bảo vệ trường mới biết mình bị lừa. Qua kiểm tra, bên trong gói hàng chỉ có 1 miếng gạch men và 1 mảnh giấy thùng carton.
Qua hai vụ việc trên rút ra bài học cho mọi người là cần phải kiểm chứng, xác định thực hư thông tin trước khi giao tài sản, không nên vội vàng để tránh rơi vào cảnh “tiền mất tức mang”. Dù giá trị số tiền bị mất không lớn, nhưng đây là hành vi lừa đảo tái diễn ở nhiều nơi, người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh “sập bẫy” kẻ gian.