Cảnh giác, nhưng không hoảng loạn
HNN.VN - 'Nhà có khách, định làm nồi bún bò giò heo chuẩn vị Huế để chiêu đãi, nhưng thấy thịt bán lèo tèo quá cũng ngại, đành mua bậy bậy con gà làm cơm vậy'; 'Em cũng đang định kiếm miếng thịt phay ăn tôm chua cho nó đổi vị, nhưng tìm miếng thịt cho vừa ý cũng khó, nên thôi, tính kiếm con cá gì về kho đây…'. Đang dừng xe chờ người nhà cũng đang đi chợ, tôi bất chợt nghe câu chuyện của 2 bà chị chắc là hàng xóm của nhau. Đó cũng là nỗi niềm chung của mấy bà nội trợ trong bối cảnh bệnh liên cầu lợn bỗng tăng đột biến trên địa bàn thành phố, khiến hàng chục người mắc bệnh và đã có ca tử vong trong thời gian gần đây.

Do lo lắng dịch bệnh, nhiều người tìm đến thịt bò hoặc thịt gia cầm để thay cho thịt lợn. (Ảnh minh họa)
Do tiếp cận thông tin chưa đầy đủ, chuẩn xác; do bị ảnh hưởng tâm lý đám đông bởi đồn thổi nên nhiều người đã e ngại, thậm chí quay lưng với thịt lợn. Cần khẳng định là không hề có một lệnh cấm mua bán, vận chuyển, tiêu thụ thịt lợn nào được chính quyền ban ra. Tuy nhiên, vì tâm lý lo lắng, mức tiêu thụ thịt lợn ở một số địa bàn đã sụt giảm một cách “thê thảm”, đến mức có những quầy thịt đã phải tạm thời chuyển sang bán thịt gia cầm để “độ nhật”; có những quán “bún bò giò heo” phải tạm che mấy chữ “giò heo” (lợn) trên bảng hiệu để yên tâm thực khách… Quả là oan cho thân phận con lợn và người nuôi, người bán thịt lợn.
Để giải “mối oan” này, có lẽ nên tìm hiểu một chút về căn bệnh có tên liên cầu lợn này. Liên cầu lợn (Streptococcus suis) là một loại vi khuẩn thường ký sinh trên lợn, đặc biệt ở đường hô hấp và tiêu hóa. Bệnh có thể lây sang người qua tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc thịt lợn nhiễm khuẩn nếu người tiếp xúc không sử dụng đồ bảo hộ, nhất là khi trên cơ thể có vết thương hở. Thứ nữa, các trường hợp ăn thịt lợn hoặc các sản phẩm từ lợn mà chưa nấu chín cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao, bởi lẽ, các cơ quan y tế đã khẳng định, vi khuẩn liên cầu lợn chỉ bị tiêu diệt khi bị đun, nấu ở nhiệt độ từ 700C.
Chính vì những lẽ đó, nếu chọn thịt có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan chức năng xác nhận kiểm dịch; thịt được nấu chín, không sử dụng tiết canh, nội tạng, thịt hoặc các sản phẩm từ thịt lợn sống, tái… thì người tiêu dùng có thể an tâm để không phải bỏ qua một cách đáng tiếc nguồn thực phẩm thân quen và bổ dưỡng này.
Những người chăn nuôi, buôn bán thịt cũng cần tự bảo vệ khi tiếp xúc với vật nuôi và sản phẩm thịt bằng các phương tiện bảo hộ và vệ sinh sau khi tiếp xúc để phòng tránh nhiễm bệnh.

Thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến kỹ thì vẫn an toàn với người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)
Ứng phó với diễn biến tình hình, ngày 11/7, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 9145/UBND-NN về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn. Chính quyền và các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền, khuyến cáo; tiếp nhận, điều trị tích cực các ca bệnh; đẩy mạnh giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ, tiêu hủy lợn bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh… Ý thức cảnh giác, chủ động phòng, chống bệnh ở mỗi người dân trong cộng đồng cũng nhờ vậy được nâng lên rõ rệt.
Song song với tiếp tục tiến hành các giải pháp trên, cần chú trọng đẩy mạnh thường xuyên hơn nữa việc vận động, giải thích để người dân hiểu rõ bản chất và cơ chế lây nhiễm của bệnh, giúp cộng đồng chủ động, bình tĩnh và tiêu dùng tỉnh táo. Cảnh giác nhưng không hoảng loạn, không quay lưng một cách cực đoan với thịt lợn.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/canh-giac-nhung-khong-hoang-loan-155997.html