Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo phạt nguội giao thông
'Tôi đang lái xe thì có số điện thoại lạ gọi tới. Dừng xe nghe máy thì một giọng nữ xưng là nhân viên tổng đài của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an gọi và nói tôi có một biên lai xử phạt lỗi vi phạm tốc độ, đề nghị bấm phím số 9 để được cán bộ tư vấn hỗ trợ. Tôi liền bấm phím số 9 thì bên kia có 1 người đàn ông nghe máy. Người đó hỏi tôi tên gì, số đăng ký xe bao nhiêu, giấy chứng minh nhân dân và số tài khoản. Sau khi tôi cung cấp mọi thông tin thì anh ta bảo đợi một chút để kiểm tra. Khoảng 1 phút sau, người đó báo lại là không thấy lỗi vi phạm gì hết. Bực mình, tôi hỏi không có lỗi thì gọi tôi làm gì? Lúc ấy anh ta bảo chắc do sai sót bên kỹ thuật gì đó rồi cúp máy luôn. Sau cuộc điện thoại ấy, tôi suy luận chắc họ nghĩ không thể lừa được nên cúp máy, chứ nếu mình vòng vo hỏi thêm, nhẹ dạ cả tin thì chắc câu chuyện chưa dừng lại' - anh Lê Văn Ra ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng chia sẻ về cuộc điện thoại của kẻ xấu gọi để lừa đảo bằng hình thức thông báo phạt nguội giao thông.
Trung tâm giám sát an ninh và giao thông Công an tỉnh cập nhật từng trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông và an ninh trật tự. Trong ảnh: Các cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh giới thiệu về trung tâm giám sát
Không cung cấp thông tin cá nhân
Cũng giống trường hợp của anh Lê Văn Ra, thời gian gần đây, nhiều người cho biết có nhận được các cuộc điện thoại tương tự như vậy. Kẻ xấu có nhiều kịch bản để lừa đảo và sau đó đề nghị nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Người cảnh giác, có kinh nghiệm thì cúp máy không nghe, còn người nhẹ dạ, cả tin dễ bị sập bẫy của kẻ xấu. Câu chuyện của anh N.V.D ở thôn 11, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng xảy ra vào tháng 10-2021 là ví dụ. Anh D cho biết, khi đang cạo mủ cao su, anh nhận được cuộc gọi thông báo anh là người điều khiển xe ôtô chứa ma túy, vượt đèn đỏ, gây tai nạn tại Đà Nẵng rồi bỏ chạy. Anh D trả lời là gia đình không có xe ôtô, bản thân không biết lái xe và cũng chưa từng ra Đà Nẵng, chắc có sự nhầm lẫn nào đó. Đối tượng tiếp tục nói: “Vậy là có người mạo danh anh. Anh muốn trình bày với Công an Đà Nẵng thì tôi kết nối điện thoại cho”. Sau khi kết nối, người phía đầu dây bên kia tự xưng là công an thông báo cho anh D biết rõ tên người phạm tội trùng với tên anh. Nếu không muốn phiền phức thì anh phải nộp tiền vào tài khoản của anh, sau đó cung cấp mã OTP để công an bảo lãnh. Nếu không chuyển tiền anh sẽ bị bắt ra Đà Nẵng tạm giam từ 4-6 tháng. “Vì quá bất ngờ, bối rối nên tôi đã mượn tiền của người thân và làm theo lời bọn chúng. Trong suốt quá trình giao dịch, chúng gọi điện liên tục, vừa hướng dẫn vừa đe dọa khiến tôi bấn loạn. Trong suốt 2 ngày liền, tài khoản của tôi đã bị trừ 200 triệu đồng vào tài khoản thụ hưởng là 0001841910251, tên chủ tài khoản Nguyễn Thị Thoa. Sau đó, tôi biết mình bị lừa nên trình báo công an” - anh D kể.
Trung tá Nguyễn Trung An, Đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh cho biết: “Hằng ngày, lãnh đạo phòng đều cử cán bộ trực điện thoại đường dây nóng, qua đó phòng ghi nhận những cuộc gọi của người dân phản ánh về vấn đề này. Chúng tôi khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với đối tượng xấu, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ, nhất là số căn cước công dân, tài khoản ngân hàng và mã OTP, kể cả hình ảnh cá nhân và người thân, tránh bị kẻ xấu lợi dụng dữ liệu của mình nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo theo chủ đích của họ”.
CSGT tuyệt đối không gọi điện thoại xử lý phạt nguội
Đại úy Nguyễn Thị Lan Anh, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Phòng đang quản lý 125 camera giám sát, lắp đặt tại 79 điểm là những vị trí trọng yếu trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Trong đó, 62 camera giám sát giao thông (18 camera giám sát tốc độ và 44 camera giám sát các vi phạm khác) và 63 camera giám sát an ninh. Hằng ngày, phòng phân công cán bộ phụ trách xử lý hình ảnh tại Trung tâm Giám sát an ninh, giao thông Công an tỉnh. Thông qua hệ thống camera, các hành vi vi phạm về giao thông và an ninh đều được cập nhật chính xác. Chúng tôi sẽ kiểm tra phương tiện giao thông vi phạm về biển số, thời gian, địa điểm và nội dung vi phạm. Ví như vượt đèn đỏ hay vượt quá tốc độ; trong đó, vượt quá tốc độ thì phân loại trong các khung từ 5-10%, 10-20%, 20-35% hay trên 35%. Sau đó, bộ phận kế tiếp sẽ gửi thông tin cho CSGT đang trực tuần tra trên các tuyến đường, nếu gặp phương tiện vi phạm thì lập biên bản xử phạt trực tiếp, còn không thì về bộ phận xử lý tiếp tục nhập thông tin vi phạm để đăng lên Cổng thông tin điện tử quốc gia và gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện để xử lý theo quy định.
Phòng CSGT Công an tỉnh chỉ gửi thông báo phạt nguội bằng văn bản đến chủ phương tiện tại địa chỉ được khai trên tờ khai đăng ký xe. Đồng thời gửi thông báo bằng phương thức điện tử đến công an cấp xã (nếu vi phạm đó thuộc thẩm quyền của công an cấp xã) hoặc công an cấp huyện nơi chủ xe vi phạm cư trú. Phòng CSGT Công an tỉnh cũng như lực lượng CSGT cả nước tuyệt đối không sử dụng điện thoại gọi đến các chủ phương tiện thông báo và xử lý vi phạm. Mọi cuộc gọi đề nghị chủ phương tiện chuyển tiền qua tài khoản để xử lý phạt nguội đều là lừa đảo.
Thượng tá LÊ ĐỨC TRÌNH,
Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh
Quy trình xử lý phạt nguội diễn ra công khai, minh bạch. Trong đó, chủ phương tiện trực tiếp đến giải quyết sẽ được xem lại hành vi vi phạm của mình qua hình ảnh do camera giám sát giao thông ghi lại. Trên cơ sở đó, việc xử phạt mới được tiến hành các bước theo quy định. Người vi phạm có thể đến trực tiếp cơ quan công an để giải quyết vụ việc hoặc ủy quyền cho bưu điện giải quyết thay. Ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân muốn tra cứu thông tin về xe của mình có vi phạm hay không có thể vào trang web của Cục CSGT tại địa chỉ csgt.vn, đồng thời luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh bị lừa đảo.
Từ ngày 15-3-2020 tới nay, hệ thống camera giám sát an ninh và giao thông của tỉnh phát hiện gần 15.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, hơn 11.400 lượt xe con, hơn 2.900 lượt xe tải và gần 300 lượt xe khách. Các phương tiện vi phạm chủ yếu các lỗi: chạy quá tốc độ (trên 10.000 trường hợp), vượt đèn đỏ (gần 4.700 trường hợp), dừng đỗ xe sai quy định (28 trường hợp). Ngành chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách hơn 8,6 tỷ đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe 1.700 trường hợp vi phạm.