Cảnh giác thủ đoạn thuê xe ô-tô tự lái mang đi cầm cố (Bài cuối: Làm gì để không mắc bẫy)
Dịp Tết Nguyên đán đến gần, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ mình trước 'cạm bẫy'. Chủ dịch vụ cho thuê ô-ô và các cơ sở cầm đồ cần trang bị kiến thức cần thiết để phân biệt giấy tờ thật hay giả, bởi lẽ không phải ai cũng đáng tin để giao, nhận tài sản có giá trị lớn như xe ô-tô.
Cái giá cho kẻ lừa đảo
Biết việc thuê ô-tô của người khác rồi mang đi cầm cố lấy tiền là hành vi vi phạm pháp luật nhưng các đối tượng vẫn bất chấp. Quay lại vụ việc của Đặng Công Hoan (1996) thuê 5 ô-tô ở Gia Lai rồi mang ra TP Đà Nẵng cầm cố lấy 3 tỷ đồng. Ngoài hành vi kể trên, Cơ quan điều tra làm rõ, trong thời gian làm nhân viên cho công ty kinh doanh dịch vụ cho thuê ô-tô ở Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Hoan còn làm giả nhiều giấy chứng nhận thế chấp ngân hàng để giao cho khách hàng thuê ô-tô sử dụng. Tháng 9-2022, Hoan bị TAND TP Đà Nẵng xét xử và tuyên phạt 14 năm tù về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tổng hợp hình phạt Hoan phải chấp hành là 17 năm tù.
Cuối tháng 12-2022, TAND TP Đà Nẵng cũng đã đưa ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Đoàn Ngọc Huy (1992, trú tỉnh Nam Định) 13 năm tù và Vũ Văn Tân (1992, trú tỉnh Thái Nguyên) 12 năm 6 tháng tù cùng về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, trong thời gian từ ngày 5-12-2019 đến 5-1-2020, Huy đến TP Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế thuê 6 ô-tô, Tân đến TP Đà Nẵng thuê 1 ô-tô. Sau khi thuê được xe, Huy và Tân đem xe ra Hà Nội cầm cố. Cụ thể, ngày 5-12-2019, Huy đến Công ty T.H.K. (đường Điện Biên Phủ, Đà Nẵng) thuê ô-tô rồi chạy ra Hà Nội tháo định vị của xe và cầm cố lấy 140 triệu đồng.Tương tự, Huy liên lạc với anh T.T.T.S. (trú TP Huế) thuê ô-tô sau đó chạy ra Hà Nội và thông qua Tân để cầm với giá 100 triệu đồng. Với thủ đoạn trên, hai đối tượng đã cấu kết thuê 7 ô-tô của nhiều người ở Đà Nẵng và TP Huế với tổng trị giá hơn 3,3 tỷ đồng mang đi cầm cố.
Cẩn trọng giữa “ma trận” giấy tờ giả
Ông P., chủ cơ sở cho thuê xe trên địa bàn Q. Hải Châu (Đà Nẵng) cho biết, mỗi lần khách đến thuê xe, cơ sở đều làm các hợp đồng, giữ lại một số giấy tờ gốc như chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe. Tuy vậy, hiện nay việc làm giả các loại giấy tờ rất tinh vi và dễ dàng nên ông rất lo lắng.
Theo kinh nghiệm của bản thân, ông P. cho rằng nếu nhìn và tìm hiểu kỹ thì sẽ phân biệt được giấy tờ giả và thật. Thông thường giấy tờ giả dấu mộc không sắc nét, không rõ ràng và bị đứt đoạn, không liền mạch; các ký hiệu và hình ảnh trên giấy tờ không có dấu mộc giáp lai. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng sử dụng thủ đoạn dùng giấy chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe thật của người khác rồi dán hình của mình lên. Sau đó đi ép giấy tờ lại giống với giấy tờ thật khiến cho các chủ xe, chủ tiệm cầm đồ thiếu cẩn trọng không phân biệt được giấy tờ thật hay giả.
Gõ từ khóa “làm giấy tờ xe giả” trên ứng dụng tìm kiếm Google thì chỉ trong vòng 0,45 giây đã có hơn 55 triệu kết quả. Trong đó có rất nhiều địa chỉ, số điện thoại nhận làm giả tất cả các loại giấy tờ với những lời quảng cáo hoa mỹ, rao công khai trên mạng với lời hứa “chắc như đinh đóng cột”: “Bạn đừng lo bởi vì giấy tờ xe giả được chúng tôi in ấn, làm dây chuyền công nghệ chất lượng cao nên từ màu sắc, cỡ chữ, form văn bản đều giống thật đến 100%”, “Chúng tôi sẽ bao soi, bao kiểm tra và so sánh đối chiếu 2 bản với nhau”… với mức giá đa dạng tùy thuộc vào độ phức tạp và giá trị của giấy tờ làm giả. Việc làm này là vi phạm pháp luật. Người làm và người mua giấy tờ giả đều có thể bị xử lý hình sự, phạt tù.
Vào năm 2020, Công an quận Thanh Khê đã đấu tranh Chuyên án 341T về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” của nhóm đối tượng từ TPHCM về Đà Nẵng và nhiều địa phương khác. Chuyên án 341T rất phức tạp, các đối tượng làm giả rất tinh vi gần như tất cả các loại giấy tờ, tài liệu. Cơ quan Công an đã thu giữ hàng trăm loại giấy tờ giả trong đó có nhiều giấy CMND, giấy đăng ký xe và nhiều dụng cụ để in bằng giả như con dấu, máy ép nhựa plastic, phôi giấy các loại.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Đà Nẵng đã thực hiện giám định 110 vụ với hơn 1.200 yêu cầu. Kết quả giám định đã xác định nhiều tài liệu là giả, gồm: hàng trăm hồ sơ “3 lá”, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ đoạn mới như làm căn cước công dân giả mở tài khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả giấy tờ tài liệu, con dấu Nhà nước: Giấy khám sức khỏe, phiếu điểm thi TOIEC giả, các hồ sơ giấy tờ kế toán, giấy chứng nhận đăng ký ô-tô… làm cơ sở để đấu tranh, xác định rõ hành vi vi phạm của các đối tượng.
Ngoài việc người cho thuê phải cẩn thận, chủ cơ sở cầm đồ hoặc người mua cũng cần xem xét kỹ lưỡng các loại giấy tờ, nguồn gốc xe trước khi chấp nhận cầm cố. Chủ tiệm hoặc người mua cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu công an điều tra phát hiện bạn biết rõ tài sản này là xe thuê tự lái, không phải chính chủ nhưng vẫn nhận cầm cố.