Cảnh giác tin giả trên mạng xã hội

Xu hướng giải trí qua mạng, sử dụng mạng xã hội (MXH) chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao. Do vậy, MXH cũng là nơi các đối tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế,... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng MXH chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực tế, những thông tin sai lệch thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn thông tin được cung cấp bởi các cơ quan truyền thông, báo chí chính thống.

Dấu hiệu nhận biết

Tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên MXH đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng lợi dụng MXH để tuyên truyền, vu khống, ý đồ kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, gây rối loạn về thông tin,... Chúng lợi dụng các sự kiện "nóng", các "vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội" để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận, thu hút người dùng tương tác nhằm thu về lợi ích từ việc bán hàng, ủng hộ, tài trợ bằng tiền, lợi ích vật chất,...

Mạng xã hội cũng là nơi các đối tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật gây ảnh hưởng an ninh, trật tự, thiệt hại về kinh tế,...

Mạng xã hội cũng là nơi các đối tượng phát tán tin giả, tin sai sự thật gây ảnh hưởng an ninh, trật tự, thiệt hại về kinh tế,...

Điểm chung của tin giả thường có các tiêu đề giật gân, thu hút. Nội dung thông tin mới lạ, thường đề cập đến một vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Phần lớn tin giả là thông tin không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng. Các thông tin đó thường xuất phát từ những trang web, tài khoản, kênh thường xuyên tung tin giả hoặc từ những trang, tài khoản, kênh không thuộc cơ quan báo chí hay cơ quan nhà nước quản lý. Do vậy, khi nghi ngờ một tin giả, chúng ta cần xem xét nguồn tin; kiểm tra tác giả, thông tin, hình ảnh minh họa và đường dẫn liên kết; sau đó đọc kỹ toàn bộ nội dung, tìm những điểm nghi ngờ, mâu thuẫn, đối chiếu với thông tin trên báo chí chính thống; tìm hiểu những thông tin trong bài viết có nêu rõ tên người, địa phương, thời gian,... không? Với những tin chung chung, không rõ tên nhân vật, địa danh,... cụ thể, chúng ta cần kiểm chứng lại. Tin giả thường không được chú trọng về cấu trúc ngữ pháp, nhiều lỗi chính tả. Thông thường, các tin giả được tạo ra dựa trên một câu chuyện, tình tiết có thật nhưng được làm giả ở những nội dung quan trọng nhất.

Để tránh "bẫy" tin giả

Tin giả được tạo ra bằng nhiều phương thức tinh vi khiến ngay cả khi chúng ta có am hiểu thì vẫn có thể vô tình sập “bẫy”. Tin giả không chỉ là bản tin bằng chữ viết được biên soạn mà đôi khi còn là các hình ảnh bị cắt ghép, chỉnh sửa theo dụng ý của người đăng tải thông tin. Tinh vi hơn, tin giả có thể được tạo ra bằng nhiều phương thức khác như làm giả tiếng, giả hình, giả video. Trong đó, giả hình là sử dụng công nghệ cắt ghép tạo hình ảnh người giả y như thật để tạo ra tin tức giả. Giả tiếng là sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành tiếng nói (text to speech) để tạo ra các tin tức giả với giọng robot thu sẵn. Giả video được thực hiện bằng cách cắt ghép hình ảnh người dẫn chương trình lồng vào dẫn bản tin giả, clip giả nhưng có người dẫn chương trình sống động như thật. Loại hình ảnh giả này “buộc” người xem nghĩ đó là những thông tin thật vì có hình ảnh quen mặt của người dẫn chương trình truyền hình.

Để tránh bẫy tin giả, trước hết, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc “không tin ngay vào bất cứ thứ gì trên MXH”; cân nhắc kỹ trước khi chia sẻ, đăng tải hoặc bình luận video, hình ảnh, tin tức trên mạng. Đồng thời, cần tham khảo ý kiến bạn bè, người thân khi bạn cảm thấy chưa chắc chắn; cảnh báo cho người thân, bạn bè không chia sẻ những thông tin nghi ngờ là giả; cảnh báo cho người đang đăng tải, chia sẻ những thông tin này về khả năng họ đang lan truyền tin giả và hậu quả của việc này.

Hình phạt nào cho tin giả?

Vụ việc mới đây, Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 7 công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự các đối tượng đưa thông tin sai sự thật về sinh viên nhảy lầu tự tử do bị hiếp dâm tại Trường Quân sự Quân khu 7 là một bằng chứng cho tội đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật. Trước đó, Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Phan Hữu Điệp Anh 1 năm 6 tháng tù khi đăng tải “tin giả” “Chống dịch... Chống dân”, kèm minh họa 2 ảnh và 1 video hình một người đàn ông đang bốc cháy trên đường, nội dung nói người trong hình tự thiêu do bức xúc cách chống dịch Covid-19 "đẩy người dân vào cảnh thiếu đói, đảo lộn cuộc sống, bế tắc". Liên quan đến các vụ việc tung tin sai sự thật trên các trang mạng, thời gian qua, cơ quan công an đã khởi tố 63 vụ với 68 bị can, xử phạt 455 đối tượng và làm việc với 1.500 đối tượng khác.

Đối với cá nhân, tổ chức: Tung tin giả, sai sự thật; xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân. Cá nhân: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng; tổ chức, doanh nghiệp: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân: Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội phạt tù từ 2-7 năm. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước: Phạt tù 5-12 năm.

MXH là nơi để kết nối mọi người nhưng cũng ẩn chứa những rủi ro, cạm bẫy. Không phải mọi thứ trên Internet đều an toàn và tin cậy, vì vậy, hành động có trách nhiệm trên MXH là cách duy nhất mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ mình và những người xung quanh, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tuân thủ pháp luật./.

Trung Dũng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/canh-giac-tin-gia-tren-mang-xa-hoi-a149795.html