Cảnh giác tín hiệu tên lửa Triều Tiên, Mỹ tung hành động trừng phạt
Mỹ đang thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt thêm Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa gần đây.
Các biện pháp được đề cập bao gồm cấm xuất khẩu thuốc lá sang Triều Tiên và giảm một nửa xuất khẩu dầu sang nước này và đưa nhóm tin tặc Lazarus vào danh sách đen, theo một dự thảo nghị quyết hãng tin Reuters tiếp cận được hôm thứ Tư.
Mỹ đã gửi bản dự thảo cho 15 thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong tuần này. Hiện vẫn chưa rõ liệu văn bản này có thể được đưa ra bỏ phiếu hay không. Một nghị quyết cần chín phiếu "đồng ý" và không thành viên thường trực nào, bao gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ, phủ quyết.
Nga và Trung Quốc đã ra tín hiệu phản đối các động thái tăng cường các biện pháp trừng phạt liên quan đến việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng trước - lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim thông tin với các phóng viên tuần trước rằng Mỹ đã thảo luận về dự thảo văn bản của Liên Hợp Quốc với Trung Quốc và Nga, nhưng "rất tiếc, tôi không thể thông báo rằng chúng tôi đã có các cuộc thảo luận hiệu quả với họ cho đến nay."
Các quan chức và nhà phân tích của Mỹ và Hàn Quốc cũng cho biết ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có thể sẽ sớm thử vũ khí hạt nhân, lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Hướng tới cấm thử tên lửa đạn đạo
Liên quan tới động thái này, dự thảo nghị quyết trên cũng sẽ cấm Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, bao gồm tên lửa hành trình hoặc "bất kỳ hệ thống phân phối nào khác có khả năng chuyển giao vũ khí hạt nhân."
Dự thảo này cũng hướng đến giảm một nửa xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên, xuống còn 2 triệu thùng mỗi năm và giảm một nửa xuất khẩu dầu mỏ tinh chế, xuống còn 250.000 thùng. Văn bản này cũng tìm cách cấm Triều Tiên xuất khẩu "nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất của họ."
Và dự thảo nghị quyết sẽ cấm xuất khẩu thuốc lá và thuốc lá được đóng gói sang Triều Tiên.
Triều Tiên đã phải chịu nhiều lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc kể từ năm 2006 và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đều đặn - và nhất trí - đẩy mạnh lệnh trừng phạt này trong nhiều năm nhằm cắt giảm nguồn tiền cho các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Câu hỏi về tin tặc Lazurus
Hội đồng Bảo an LHQ lần cuối thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng vào năm 2017, nhưng kể từ đó Bắc Kinh và Moscow đã thúc đẩy việc nới lỏng các biện pháp này vì lý do nhân đạo.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh cho rằng ông Kim phải chịu trách nhiệm về tình hình nhân đạo tại Triều Tiền, cáo buộc ông Kim Jong Un đã chuyển hướng tiền cho các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa thay vì hỗ trợ cho người dân Triều Tiên.
Theo các nhà giám sát lệnh trừng phạt độc lập của Liên hợp quốc, Triều Tiên đã thành công trong việc né tránh một số lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và tiếp tục phát triển các chương trình công nghệ, vũ khí của mình. Các nhà giám sát này vào tháng 2 năm nay đã báo cáo rằng các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên vào các sàn giao dịch tiền điện tử đã thu về cho Bình Nhưỡng hàng trăm triệu đô la.
Dự thảo nghị quyết trên cũng sẽ áp đặt lệnh đóng băng tài sản đối với nhóm tin tặc Lazarus – hiện bị Mỹ cáo buộc là có liên hệ với cục Trinh sát, cơ quan tình báo chính của Triều Tiên.
Nhóm Lazarus đã bị cáo buộc có liên quan đến các cuộc tấn công mã độc tống tiền "WannaCry", tấn công các ngân hàng quốc tế và tài khoản khách hàng cũng như các cuộc tấn công mạng năm 2014 nhằm vào Sony Pictures Entertainment.
Dự thảo nghị quyết cũng sẽ cấm bất kỳ ai "mua sắm hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm các dịch vụ liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông" từ Triều Tiên.
Khi được hỏi về hành động này của Mỹ từ tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Zhang Jun nói: "Chúng tôi không nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ hữu ích trong việc xoa dịu căng thẳng, thậm chí nó có thể khiến tình hình tồi tệ hơn."