Cảnh giác trước các chiêu trò 'bình cũ, rượu cũ' hòng phá hoại hoạt động bầu cử
Càng gần đến ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, các thế lực thù địch lại càng điên cuồng chống phá bằng những chiêu trò 'bình cũ, rượu cũ'. Thực chất, đây chính là âm mưu chống phá nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược 'diễn biến hòa bình' đã được các thế lực xác định từ lâu.
Hội nghị trực tuyến triển khai chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên.
Những chiêu trò không mới
Thời gian qua, Việt Tân (một tổ chức phản cách mạng lưu vong) đã triệt để lợi dụng sự phát triển của Internet, nhất là mạng xã hội để tuyên truyền, công kích, lôi kéo người dân tham gia các hội, nhóm trá hình trên không gian mạng. Chúng núp dưới các chiêu bài đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, xây dựng “xã hội dân sự”... nhưng thực chất là để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng, thái độ thù địch của thanh niên, sinh viên với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Theo Báo Công an Nhân dân, Việt Tân đã cho lập mới hơn 300 tài khoản và nhiều diễn đàn kín, kết hợp với những diễn đàn trước đó như “Canh Tân”, “Bạn của Việt Tân”, “Bạn của Nguyễn Quốc Quân”..., duy trì gần 1.000 tài khoản mạng xã hội, đăng tải, chia sẻ những bài viết, thông tin tiêu cực trong xã hội để thổi phồng, phá hoại tư tưởng. Ý đồ của chúng là thu nạp mới các tuyên truyền viên, để tuyên truyền những “thông điệp” của Việt Tân trong cộng đồng người thân và bạn bè, từ đó, tác động tư tưởng, phát hiện đầu mối giới thiệu cho tổ chức thông qua các trang facebook. Việt Tân đồng thời duy trì các trang web, đài phát thanh và lập bản tin, cung cấp tài chính, phương tiện cho số đối tượng trong nội địa của chúng thu thập thông tin, viết bài công kích trực tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước; khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, tập trung khai thác những sự kiện được dư luận quan tâm, lồng ghép thông tin xuyên tạc tình hình, bôi nhọ, vu cáo các cơ quan chức năng của nước ta.
Cùng với Việt Tân, một chiêu trò khác mà các tổ chức phản động thường sử dụng trước những cuộc bầu cử là hô hào, cổ vũ phong trào “ứng cử tự do”. Xuyên tạc công tác bầu cử, chê bai, công kích thể chế, công kích Đảng, công kích Nhà nước rồi đòi “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập”. Mục đích cuối cùng của bọn chúng là để tiến hành chống phá về mặt chính trị, hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đề cao cảnh giác
Trên nhiều trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành vẫn lan truyền những bài viết bịa đặt về việc “xếp ghế” cho đại biểu, nhân sự trong Quốc hội. Đồng thời, rêu rao rằng bầu cử Quốc hội chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội đã được các “nhóm” của Đảng bố trí, sắp xếp, an bài, phân chia... Những luận điệu này đã tiếp cận đến không ít người dùng mạng xã hội. Cùng với đó, trước vấn đề về số lượng, cơ cấu ĐBQH, đặc biệt là về số lượng đại biểu là người ngoài Đảng, các đối tượng cơ hội chính trị cũng tích cực chọc ngoáy, xuyên tạc, biến tướng bản chất vấn đề.
Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 ngày 11-1-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XV, cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 - 50 đại biểu (5 - 10%). Tuy vậy, với mưu đồ chống phá công tác bầu cử, các đối tượng chống phá đã biến tướng, đưa ra những luận điệu xuyên tạc và hướng lái cho rằng cần phải “cân bằng quyền lực” trong Quốc hội bằng cách chia một nửa số ghế cho những người ngoài Đảng. Việc Đảng quy định số lượng đại biểu ngoài Đảng là quá ít, thậm chí, có đối tượng còn đòi xóa bỏ cơ chế bầu cử hiện tại, đòi hỏi phải tiến hành bầu cử theo phương thức của các nước tư bản.
Thực tế, chiêu trò “đòi ghế” trong Quốc hội không phải là điều mới. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy ngay trong lần tổng tuyển cử đầu tiên khi đất nước mới giành được độc lập, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những diễn biến vô cùng phức tạp, sau khi không phá hoại được Tổng tuyển cử, Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt quốc, Việt cách) đã đòi 70 ghế trong Quốc hội. Và qua các nhiệm kỳ bầu cử, các thế lực phản động, chống đối vẫn luôn tìm mọi thủ đoạn để phá hoại bầu cử, không loại trừ việc cài cắm các “mầm mống dân chủ” vào Quốc hội nhằm biến nghị trường trở thành diễn đàn để các đối tượng thực hiện hoạt động chống phá, hình thành lực lượng đối lập trong Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm nước ta tự suy yếu từ bên trong.
Đảng, Nhà nước xác định rõ công tác bầu cử diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn. Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức như: Sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta của các thế lực thù địch... Vì vậy, việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là điều cần thiết để củng cố, đoàn kết thống nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 được diễn ra thành công, hiệu quả thì ngay lúc này, mỗi người dân cần phải sáng suốt nhìn nhận bản chất của những thế lực thù địch, của những đối tượng phản động, nhận diện được mưu đồ của chúng để đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự đồng thuận, đồng lòng, ủng hộ của mỗi người dân chính là sức mạnh to lớn để Đảng ta vững vàng chèo lái, dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn. Đất nước ổn định, kinh tế phát triển là điều mà ai cũng mong muốn, chỉ có những kẻ thù địch, phản động mới muốn chia rẽ, chống phá hòng thực hiện mưu đồ đen tối của chúng.