Cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc

30-4-1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự toàn thắng của quân và dân ta sau 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chấm dứt hoàn thành ách thống trị của chủ nghĩa thực dân - đế quốc trên đất nước ta. Nửa thế kỷ đã trôi qua, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, không ít kẻ vẫn cố tình khoét sâu hận thù, kích động mâu thuẫn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đến hẹn lại lên, mỗi khi cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là thời điểm các đối tượng xấu ráo riết tung ra những luận điệu xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ tình hình thực tại, kích động hận thù. Chúng cho rằng: “Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là hành động cố tình lãng quên vết thương chung của cả dân tộc”, “ngày 30-4 là một ngày triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn”… Muôn vàn luận điệu lệch lạc, sai trái được các đối tượng xấu tung ra. Suy cho cùng, mục đích mà những kẻ này hướng tới cũng chỉ nhằm hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng; xuyên tạc tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; gieo rắc những “mầm mống” bất ổn ngay trong lòng xã hội Việt Nam.

Để làm nên chiến thắng ngày 30-4-1975, lớp lớp thanh niên yêu nước đã lên đường ra trận. 849.018 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, hóa thành “hồn thiêng sông núi”. Có những người trở về với vết thương trên thân thể, với ký ức chiến tranh hằn sâu trong tâm trí. Cuộc chiến nào cũng có những đau thương. Vậy nhưng, “dù rằng đời ta thích hoa hồng/ kẻ thù buộc ta ôm cây súng” (Diệp Minh Tuyền). Nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng”, ai cũng chọn chỉ sống cuộc đời của riêng mình thì đất nước sẽ chẳng thể có được hòa bình, độc lập, tự do như ngày nay. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa Bắc - Nam sum họp một nhà là khát vọng chung của toàn dân tộc. Chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng của chính nghĩa, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, là bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây là thực tế không một ai, không một thế lực nào có thể phủ nhận.

Phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường cùng ý chí quyết tâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kịp thời nắm bắt thuận lợi, thời cơ để xây dựng và phát triển. Sau gần 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Về chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cùng định hướng xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai với quyết tâm lớn, nỗ lực cao, mang lại hiệu quả thực chất, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã từng bước giải quyết những bất cập về thể chế, tạo điều kiện, tiền đề thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội.

Trong phát triển kinh tế, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế nước ta đạt 7,09%, thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư; giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023. Đến nay, Việt Nam đã mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; đang trở thành mảnh “đất lành”, thu hút các nhà đầu tư đến hợp tác kinh doanh. Trong năm qua, nước ta thuộc nhóm 15 quốc gia đang phát triển, thu hút FDI lớn nhất thế giới với 38,23 tỷ USD đăng ký, vốn thực hiện đạt 25,35 tỷ USD. Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam đang được định hình. Theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143; chỉ số phát triển bền vững (SDGs) tăng 1 bậc, xếp thứ 54/166. Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được triển khai thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu. Những năm qua, nước ta đã đẩy mạnh nâng cấp, nâng tầm quan hệ với các đối tác chủ chốt, các nước lớn; đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách quốc tế; đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp tại các cơ chế hợp tác đa phương quan trọng. Những kết quả đạt được là minh chứng khẳng định con đường mà Việt Nam đang đi là hoàn toàn đúng hướng.

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới. Cùng với những thời cơ, thuận lợi, chúng ta cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/171939/canh-giac-truoc-cac-luan-dieu-xuyen-tac