Cảnh giác trước các thủ đoạn chống phá Đảng trên không gian mạng (bài 2)
Đáng lưu ý là các đối tượng thù địch, phản động đã lôi kéo một số nhà báo, phóng viên cực đoan đẩy mạnh viết bài phản biện xã hội về những vấn đề nhạy cảm trong xã hội, các quyết sách của Đảng sau các sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng chống tham nhũng...
Bài 2: Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta trên không gian mạng
Âm mưu của các thế lực thù địch đối với nước ta là xóa bỏ lý tưởng cách mạng của Đảng và nhân dân đã lựa chọn; xóa bỏ vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, để từng bước xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị-xã hội, tiến tới lật đổ chế độ ở nước ta. Trên không gian mạng, các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta diễn ra với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, xảo quyệt và khó nhận biết.
Lập kênh truyền thông giả để lan truyền thông tin xấu, độc
Từ thực tiễn, có thể thấy những thủ đoạn của các tổ chức phản động chống phá Đảng, Nhà nước ta hết sức thâm độc. Theo đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước triệt để sử dụng Internet, mạng xã hội và một số hãng truyền thông thiếu thiện chí với Việt Nam như RFI, RFA, VOA, BBC, kênh YouTube... phát động nhiều chiến dịch để đăng tải, phát tán tin, bài, video, clip xấu, độc nhằm xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phủ nhận thành tựu lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; xuyên tạc công tác chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kích động chia rẽ nội bộ, nói xấu, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ cấp cao...
Đáng chú ý, các thế lực thù địch tận dụng triệt để sự bùng nổ công nghệ thông tin, phát triển các kênh thông tin trên nền tảng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Theo Bộ Tư lệnh 86, song song với việc phát triển các kênh truyền thông bằng tiếng phổ thông thì các thế lực thù địch đã phát triển các kênh thông tin chống phá Đảng, Nhà nước bằng tiếng dân tộc theo khu vực như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ nhằm mở rộng không gian và phạm vi chống phá và hướng tới các đối tượng tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số, gây khó khăn cho việc giám sát, trinh sát và nhận diện đấu tranh. Hiện có một số hội nhóm hoạt động chống phá Nhà nước như: “Tiếng nói cho người H'Mông”, “Công lý cho người H'Mông” (khu vực Tây Bắc); “Người Thượng vì công lý - MSFJ” (Tây Nguyên); Tây Nam Bộ có hệ thống kênh truyền thông Khmer Crôm...
Tinh vi hơn, các thế lực thù địch tạo lập, xây dựng và phát triển kênh truyền thông gần giống về nội dung và hình thức với các kênh truyền thông chính thống của các cơ quan chức năng để đánh lừa cộng đồng mạng. Đồng thời, thiết lâp nhiều kênh truyền thông trên nhiều nền tảng và sẵn sàng các chiến dịch truyền thông chống phá Đảng và Nhà nước ta, đối phó với việc các kênh truyền thông khác bị ngăn chặn, vô hiệu hóa thì có ngay kênh dự phòng để tiếp tục hoạt động chống phá.
Cũng theo Bộ Tư lệnh 86, trong những năm gần đây, khi các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội có chính sách kiểm duyệt thông tin chặt chẽ hơn tại Việt Nam, thì các đối tượng tìm cách tạo lập, trao đi, đổi lại, mua bán các kênh mạng xã hội có ảnh hưởng để trước tiên phục vụ hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng liên kết, xây dựng thành hệ thống kênh truyền thông hỗ trợ nhau để phòng ngừa việc bị kiểm soát, bị cô lập và khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để tự sửa, chèn thêm đường link, đăng tải thông tin, hình ảnh, nội dung giả mạo website thật.
Sử dụng phần mềm gián điệp đánh cắp thông tin
Vũ khí lợi hại nhất hiện nay mà các thế lực thù địch đang sử dụng là sự giấu mặt, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ thông qua việc lập nhiều trang website, tài khoản facebook mạo danh lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương; một số nhân vật được xã hội chú ý hoặc mạo danh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phản biện xã hội... để bình luận, xuyên tạc, hạ uy tín nhằm làm mất niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Các thế lực thù địch còn lợi dụng chính sách của các nền tảng mạng xã hội để chống phá các tài khoản, trang thông tin truyền thông của ta như là vô hiệu hóa, chiếm quyền điều khiển. Nguy hiểm hơn, thông qua phần mềm gián điệp, các đối tượng thù địch, phản động phát tán mã độc, cài cắm, lôi kéo cán bộ của ta để đánh cắp thông tin cá nhân và thông tin nội bộ của các cơ quan nhà nước. Từ đó, các thế lực thù địch bịa đặt, phát tán thông tin hướng lái dư luận xã hội theo ý đồ của chúng, tập trung vào công tác chính sách, nhân sự của Đảng và Nhà nước nhằm làm suy giảm uy tín của Đảng, Nhà nước, Quân đội, tạo cho các tầng lớp nhân dân tâm lý hoài nghi, bi quan.
Thậm chí, các thế lực thù địch còn sử dụng trí tuệ nhân tạo (Al) để lồng ghép và chỉnh sửa các nội dung sai trái, bịa đặt trong các đoạn video clip chính thống để đăng tải và đánh lừa dư luận và người dân. Đồng thời, tán phát nhiều tin, bài viết xuyên tạc chính quyền vi phạm tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; vu khống chính quyền đàn áp tôn giáo, tra tấn tàn bạo đối với các "tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm"; tăng cường các hoạt động móc nối, lôi kéo trong và ngoài nước để tuyển chọn, đào tạo, xây dựng, phát triển lực lượng ngầm là người dân tộc thiểu số để kích động, gây chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc.
Đáng lưu ý là các đối tượng thù địch, phản động đã lôi kéo một số nhà báo, phóng viên cực đoan đẩy mạnh viết bài phản biện xã hội về những vấn đề nhạy cảm trong xã hội, các quyết sách của Đảng sau các sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng chống tham nhũng... Với sự am hiểu nhất định về công nghệ, số này đã và đang tạo ra nhiều nhóm kín trên mạng xã hội để tập hợp lực lượng báo chí chính thức, nhóm người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để phát tán thông tin và xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí là hướng dẫn, hỗ trợ lực lượng chống phá trong việc bảo mật thông tin, sử dụng các ứng dụng đã được mã hóa nhằm tránh sự theo dõi, bóc gỡ, kiểm soát của các cơ quan chức năng.