Cánh giác trước chiêu trò lập fanpage, tài khoản giả gài bẫy khách đặt phòng
Gần đây, vụ việc khách đặt phòng qua fanpage có tích xanh tại khu nghỉ dưỡng tại Ninh Bình mất hơn một tỷ đồng gây xôn xao và cảnh báo tới dư luận các chiêu trò tinh vi lập fanpage giả, tài khoản doanh nghiệp 'ma' gài bẫy khách.
Lừa đảo tinh vi
Theo trình báo của bà T (ở Hải Phòng) mới đây, bà đặt phòng ở resort Minawa Kênh Gà ở Ninh Bình cho 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ từ 31/1 tới 3/2. Sau khi nhắn tin và được tư vấn trên trang fanpage của khu nghỉ dưỡng, bà T chốt phòng và chuyển khoản tiền cọc cho khu nghỉ dưỡng 6,5 triệu đồng/2 phòng.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_294_51426939/02ca211b1b55f20bab44.jpg)
Không lâu sau đó, nhân viên tư vấn xưng danh khu nghỉ dưỡng báo lại khách đã gửi chuyển khoản sai nội dung. Nội dung chuyển khoản phải là mã đặt phòng, nếu khách chuyển sai nội dung, hệ thống không đọc được và không giữ được phòng đặt.
Sau nhiều lần liên tiếp khách chuyển khoản đều bị báo sai nội dung. Những lần tiếp theo, nhân viên tư vấn giục khách chuyển cọc sớm trong thời gian khuyến mại và sao chép mã do "khu nghỉ dưỡng" cấp vào nội dung chuyển khoản để phòng kế toán xác nhận, hoàn trả tiền cọc ban đầu. Bà T nhập mã chuyển 39,5 triệu đồng; 125,6 triệu đồng; 379,6 triệu đồng và 485,6 triệu đồng. Tổng số tiền đã chuyển lên tới hơn 1 tỷ đồng. Cuối cùng, không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng, bà T mới biết đã bị lừa và báo công an.
Về sự việc này, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh về vụ lừa đảo, Sở Du lịch Ninh Bình đã cử phòng chức năng đến làm việc với khu nghỉ dưỡng liên quan để hướng dẫn xử lý và thông báo cho du khách biết.
Theo ông Mạnh, trước Tết Nguyên đán 2025, khu nghỉ dưỡng này đã từng bị các đối tượng xấu mạo danh, tạo trang web và fanpage facebook giả mạo, có giao diện giống như trang chính thức của khu nghỉ dưỡng để thực hiện hành vi lừa đảo. Sở thường xuyên khuyến cáo các khu, điểm du lịch, khách sạn, homestay trên địa bàn tỉnh về việc cảnh giác với các hành vi lừa đảo nhằm bảo vệ du khách khỏi bị lợi dụng.
Về hình thức lừa đảo này, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, Tư vấn, Phát triển công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia), Giám đốc Công nghệ Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết: "Hình thức lừa đảo này không phải là mới. Một người bạn của tôi trong lĩnh vực công nghệ thông tin cuối năm 2024 cũng bị lừa tương tự khi đặt phòng qua mạng tại Ninh Bình".
“Sau khi chuyển khoản, đối tượng bảo bị lỗi và gửi đường link yêu cầu đăng nhập. Nghi ngờ, người bạn gọi lại kiểm tra, đối tượng còn thách thức: 'Cô bị lừa rồi, không lấy lại được tiền đâu'. Điều đó cho thấy, người có kinh nghiệm cũng bị lừa. Đối tượng lừa đảo trên mạng có kịch bản và phân vai cụ thể...”, ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ.
Cần sự tỉnh táo kiểm tra thông tin
Để tránh lừa đảo trên mạng, theo các chuyên gia an ninh mạng, người dân thật sự tỉnh táo khi tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội. Sau Tết, để chuẩn bị cho gia đình đi du lịch Sa Pa (Lào Cai), chị Kiều Trang (Hà Nội) lên mạng xã hội tìm kiếm. Do có nhu cầu đi nghỉ dưỡng tại Sa Pa, chị Trang gõ từ khóa "homestay ở Sa Pa".
Ngay lập tức kết quả ra hàng loạt trang Fanpage của các homestay tại điểm đến. Chị Trang chọn một trang Fanpage có lượng tương tác cao nhất với hơn 11.000 lượt thích và theo dõi. Dù nhắn qua chat lúc muộn, nhưng nhân viên tư vấn vẫn trả lời chi tiết và đưa ra mức giá khá rẻ. Nhân viên tư vấn còn hối thúc nên chốt sớm vì hạng phòng này hết nhanh. Khách phải cọc 70% tiền, khách sạn mới giữ chỗ.
![Một trang giả mạo fanpage một homestay để dụ người dùng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_294_51426939/fc9ec04ffa01135f4a10.jpg)
Một trang giả mạo fanpage một homestay để dụ người dùng.
Tuy nhiên, trước thông tin về lừa đảo, chị Trang tra cứu trên Google về số hotline của homestay lại xuất hiện một số điện thoại khác. Liên hệ với số điện thoại này, nhân viên tư vấn khẳng định trang Fanpage nơi chị Trang định đặt phòng là giả mạo...
Trên một số diễn đàn du lịch, các nhân viên saller (tư vấn bán hàng) cũng cảnh báo hàng loạt địa phương phát triển du lịch như Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang… thông báo tình trạng giả mạo trên các fanpage trên mạng xã hội. “Để kiểm tra thông tin, khách hàng nên gọi điện thoại kiểm tra thông tin. Các trang giả mạo này vẫn công khai số điện thoại để khách gọi, tuy nhiên đây chỉ là số điện thoại gọi được một chiều. Khách gọi không bao giờ có người bắt máy và chỉ các đối tượng gọi được cho khách. Chắc chắn nhất, du khách gọi vào số hotline số cố định để kiểm tra và tư vấn”, chị Mai Lan, quản lý homestay tại Tuyên Quang chia sẻ.
Trong khi đó, chia sẻ cách phòng tránh trên mạng xã hội, chị Bích Thủy hướng dẫn cách kiểm tra các fanpage thật và giả bằng cách bằng cách xem lịch sử của trang. Theo đó, người dùng ấn vào nút “about”, “see all” và tìm vào mục “history”.
![Chia sẻ kiểm chứng lịch sử của trang fanpage.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_294_51426939/c7aaf17bcb35226b7b24.jpg)
Chia sẻ kiểm chứng lịch sử của trang fanpage.
Từ góc độ chuyên gia an ninh mạng, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng: "Lừa đảo qua mạng như vụ đặt phòng ở Ninh Bình ngày càng nhiều, bởi việc tìm kiếm, chuyển khoản dễ dàng. Đối tượng đánh trúng tâm lý giá rẻ, giá khuyến mại trong khoảng thời gian ngắn. Nếu khách hàng không đặt sẽ lỡ mất cơ hội, nhất là dịp cao điểm du lịch".
Liên quan dấu hiệu fanpage giả có tích xanh, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết: "Đối tượng lừa đảo có kịch bản, phân vai mua like ảo, tạo bình luận tin tưởng cho người dùng...".
Để phòng chống lừa đảo dịch vụ đặt phòng, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng, khách hàng phải kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là kiểm tra chéo qua số điện thoại khác. Đồng thời, khách hàng có quyền nghi ngờ về giá cả khi thấy quá thấp so với giá mặt bằng chung.
"Khi chuyển khoản, khách hàng cũng phải luôn để ý khi thấy tên tài khoản nhận và khu du lịch không trùng khớp nhau. Hiện nay, đối tượng lừa đảo dùng số tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp nhiều bởi vừa tạo niềm tin cho khách hàng, nhưng quan trọng hơn là số tài khoản này khi chuyển khoản không phải xác thực sinh trắc học. Các số tài khoản doanh nghiệp 'ma' này hiện nay mua bán dễ dàng trên mạng. Do đó, để tránh bị lừa đảo, người dùng phải thật sự tỉnh táo, kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền", ông Vũ Ngọc Sơn đánh giá.