Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo mua bán tiền giả trên mạng

Đây là thông tin đáng chú ý mà các cơ quan quản lý cảnh báo tới người dân trong series 'Điểm tin tuần' về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (13-19/1/2025).

Phức tạp thủ đoạn mua bán tiền giả trên mạng

Thời gian gần đây, hiện tượng chào mua bán tiền giả trên các mạng xã hội như Facebook, TikTok gây ra nhiều lo ngại. Các đối tượng lừa đảo thường xuyên lợi dụng mạng xã hội để tìm kiếm nạn nhân, đưa ra các lời mời mua bán, đổi tiền giả với giá cực kỳ hấp dẫn nhằm chiếm đoạt tiền thật của người bị hại.

Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "tiền giả", hàng loạt các tài khoản cá nhân và hội nhóm liên quan đến hoạt động liên quan đến “tiền giả” sẽ xuất hiện. Các thông tin bình luận phía dưới phần lớn là người bán nhắn nhủ sẽ báo giá riêng tư vào tài khoản cá nhân của khách hàng.

Người bán thường để lại thông tin mập mờ trên bài đăng và khuyến khích khách hàng nhắn tin trực tiếp để được báo giá. Ngoài ra, ngay khi người mua truy cập vào trang cá nhân của người bán, họ sẽ lập tức nhận được tin nhắn riêng giới thiệu về dịch vụ bán tiền giả.

Các bài viết và clip quảng cáo rao bán tiền giả với nhiều mệnh giá khác nhau, ví dụ như 1 triệu đồng mua được 10 triệu đồng, có tài khoản rao bán 1 triệu đồng được 14 triệu đồng, không phải đặt cọc trước và được kiểm tra hàng. Đặc biệt, người mua càng đặt số lượng lớn, tỷ lệ quy đổi sẽ càng ưu đãi. Việc thanh toán không yêu cầu đặt cọc trước; khách hàng nhận hàng qua bưu điện, kiểm tra toán trực tiếp cho nhân viên bưu điện hoặc người giao tới và được kiểm tra trước khi nhận hàng. Đáng chú ý, các tin nhắn từ các tài khoản là học sinh, sinh viên và người trẻ tuổi chiếm đa số.

Để có thể phòng tránh được thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân nên lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện giao dịch đổi tiền phục vụ cho dịp lễ Tết Nguyên đán sắp tới; Không tham gia vào giao dịch tiền tệ không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc qua các nền tảng không chính thức; Trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào, hãy xác minh kỹ càng danh tính đối tác, nguồn gốc giao dịch, cũng như các thông tin liên quan; Không tin vào những lời hứa hẹn quá tốt để trở thành sự thật; Sử dụng các kênh giao dịch chính thức và có giấy tờ hợp pháp; Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền trước.

Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.

Lừa đảo trục lợi từ tài khoản ngân hàng

Trong thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, Cục An toàn thông tin cảnh báo người dân trước tình trạng các hacker thường tận dụng sơ hở bảo mật để tấn công tài khoản ngân hàng.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng đã đưa ra cảnh báo về một số thủ đoạn lừa đảo tinh vi mà các đối tượng xấu thường lợi dụng trong dịp cận Tết. Chiêu trò của đối tượng lừa đảo vô cùng tinh vi. Đối tượng lợi dụng những giao dịch nhỏ không vượt quá những bước xác minh bảo mật như sinh trắc học, từ đó trục lợi từ tài khoản của nạn nhân. Ngoài ra, đối tượng còn dẫn dụ người dân cài đặt ứng dụng giả mạo nhằm thu thập toàn bộ thông tin cá nhân, từ đó thực hiện các giao dịch lớn hoặc chiếm đoạt tài sản.

Hình thức thực hiện của các đối tượng chuyên nghiệp, đánh vào tâm lý người dân khiến họ mất cảnh giác. Những đối tượng này thu thập thông tin cá nhân và dữ liệu tài khoản ngân hàng từ các “chợ đen” giao dịch dữ liệu hoặc khai thác thông tin bị rò rỉ từ các nguồn công khai như Google, Facebook, hoặc Telegram. Sau khi có được thông tin cần thiết, chúng tiến hành thử đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Nếu truy cập thành công, các đối tượng này sẽ khai thác các thông tin nhạy cảm như số dư tài khoản.

Đáng lo ngại hơn, để tạo cớ chiếm quyền kiểm soát, chúng cố tình nhập sai mật khẩu nhiều lần, khiến tài khoản bị khóa tạm thời. Lúc này, kẻ gian giả danh nhân viên ngân hàng, liên hệ với nạn nhân và thông báo rằng tài khoản cần được khôi phục. Chúng hướng dẫn người dùng tải các ứng dụng độc hại hoặc quét mã QR chứa mã độc nhằm thu thập thêm thông tin cá nhân quan trọng như mã OTP, mật khẩu, hoặc mã PIN.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước các cuộc gọi từ đối tượng lạ tự xưng là nhân viên ngân hàng; Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP,... dưới mọi hình thức; Không tin vào thông báo khẩn cấp qua điện thoại, không làm theo những yêu cầu làm việc gấp liên quan đến tài khoản; Thực hiện kiểm tra thông tin từ nguồn chính thống, chủ động liên hệ với ngân hàng qua số điện thoại chính thức hoặc ứng dụng ngân hàng điện tử để xác nhận tình hình; Thường xuyên thay đổi mật khẩu và bảo mật tài khoản bằng xác minh hai yếu tố (2FA).

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/canh-giac-truoc-chieu-tro-lua-dao-mua-ban-tien-gia-tren-mang-159995.html