Cảnh giác với bệnh Tay chân miệng

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 21/10/2019, toàn tỉnh đã ghi nhận 53 trường hợp trẻ em mắc Tay chân miệng (TCM), giảm 80% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên theo dự đoán, trong những tháng cuối năm, nguy cơ mắc bệnh TCM ở trẻ nhỏ có khả năng tăng mạnh bởi đây là thời điểm dịch bệnh TCM bước vào mùa. Vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi của trẻ chưa được đảm bảo, đặc biệt tại các trường mầm non, cơ sở giáo dục đào tạo được xem là mối nguy tiềm ẩn khiến bệnh TCM có thể gia tăng.

 Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng giúp phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng giúp phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Trang, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Dấu hiệu chính của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, da... chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Cho đến nay bệnh Tay chân miệng chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu nên mặc dù hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ nhưng một số trường hợp bệnh thể nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... dẫn đến tử vong.”

Thực hiện Công văn số 667/DP-DT ngày 22/8/2019 của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh chân tay miệng, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc ngành triển khai các biện pháp tích cực, chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng từ nay đến cuối năm 2019. Theo đó, Sở Y tế Quảng Trị tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chủ động tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh tay chân miệng trên địa bàn; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe với phương châm truyền thông đi trước một bước, lấy phòng bệnh là chính; triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân; thực hiện ăn chín, uống chín, ở sạch, bàn tay sạch và sử dụng đồ chơi sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; tuyên truyền các biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh tay chân miệng bằng nhiều hình thức và theo khuyến cáo của Bộ Y tế; phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức những hoạt động truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại các trường học, đặc biệt tại các trường mầm non, nhóm trẻ gia đình; yêu cầu các cơ sở giáo dục tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tổ chức thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, xử lí triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ cho việc chẩn đoán, thu dung, điều trị bệnh nhân và xử lí ổ dịch. Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh tại nơi ghi nhận trường hợp mắc bệnh và khu vực có ổ dịch cũ.

Tay chân miệng là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Coxsackievirus A16, Coxsackievirus B, Enterovirus (E71, E68) gây ra, trong đó phổ biến nhất là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Bệnh lây truyền theo đường hô hấp và tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh lưu hành quanh năm nhưng tập trung vào giai đoạn từ tháng 2-5 và từ tháng 9 - 12.

Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Quảng Trị, Trung tâm Y tế huyện Gio Linh đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn: cấp cloramin B cho các trạm Y tế để tiến hành vệ sinh trường lớp khi có ổ dịch; phát bài truyền thông phòng chống dịch bệnh tay chân miệng trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương. Tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp tại các trường học, hướng dẫn giáo viên rửa tay cho trẻ và chính mình trước khi vào lớp, trước khi về nhà để cắt nguồn lây từ nhà đến trường và từ trường về nhà, vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, nắm cửa, tường lớp học…

Theo bác sĩ Lê Thị Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế Gio Linh: “Dù từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Gio Linh chỉ có rải rác vài ca bệnh và trên toàn tỉnh chưa có trường hợp tử vong do mắc bệnh tay chân miệng, nhưng bệnh hiện vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa. Bệnh tay chân miệng lây truyền qua tiếp xúc với người bệnh hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ vật, bề mặt nhiễm chất tiết của người bệnh nên nguy cơ sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng tới khi bệnh đang bước vào mùa. Việc phòng ngừa bệnh tay chân miệng hoàn toàn phụ thuộc vào công tác dự phòng không dùng thuốc. Do đó, để phòng tránh bệnh tay chân miệng, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ, bảo mẫu... thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và chính mình bằng nước xà phòng. Bên cạnh đó, những đồ chơi, đồ dùng của trẻ thường xuyên phải được rửa sạch bằng nước và xà phòng để ngăn ngừa mầm bệnh”. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, giữa ngành Giáo dục, Y tế, chắc chắn dịch bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục lan rộng. “Do đó, các trường học cần tuân thủ việc thực hiện khử khuẩn theo định kì đồ chơi, dụng cụ học tập của học sinh, nhất là trong các trường mầm non, thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc với trẻ hằng ngày; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bệnh tay chân miệng, giáo viên cần thông báo cho phụ huynh để đưa trẻ đi khám và kịp thời cách li với trẻ khác”, bác sĩ Lê Thị Mỹ Hạnh khuyến cáo.

Bích Nga

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143535