Cảnh giác với biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp
Với người trưởng thành tại Việt Nam, cứ 10 người thì có 3 người bị tăng huyết áp. Một phần ba trong số đó không biết bản thân mắc bệnh và một phần ba khác thì chủ quan, không điều trị, từ đó dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Mới đây, anh N.V.T (46 tuổi, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, nói khó. Trước đó, anh có tiền sử tăng huyết áp có điều trị nhưng không đều đặn.

Một số người có thể gặp các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, ù tai, đánh trống ngực, đỏ mắt, chảy máu cam... nhưng cũng có nhiều người không có biểu hiện gì trước khi đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
Kết quả chiếu chụp tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy bệnh nhân bị chảy máu não và có nguy cơ cao gặp các rối loạn khác. Sau nhiều ngày điều trị tích cực tại Trung tâm Đột quỵ, anh dần hồi phục và có cơ hội xuất viện.
Cách đây 2 năm, trong lần khám sức khỏe tại cơ quan, anh phát hiện bị tăng huyết áp, nhưng sau nửa năm uống thuốc thấy ổn định nên dừng thuốc và không tái khám.
Khác với anh T, bà P.L (65 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) được gia đình đưa tới bệnh viện trong tình trạng tê yếu chân tay và liệt nửa người. Huyết áp của bà lúc này lên tới 200/100 mmHg, trong khi trước đó bà không hề biết mình mắc tăng huyết áp. Nhờ phát hiện sớm và được điều trị ngay trong "giờ vàng", bà được chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết qua đường truyền tĩnh mạch. Sau một ngày điều trị, tình trạng của bà đã cải thiện rõ rệt.
Không may mắn như vậy, chàng trai trẻ T.T.K (23 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) đã phải gắn mình với việc chạy thận nhân tạo hơn 6 tháng nay. K. cho biết, trước khi nhận kết quả suy thận giai đoạn cuối, anh thường xuyên đau đầu và xây xẩm mặt mày.
Đi khám, K. được phát hiện huyết áp rất cao, khoảng 180 mmHg, và được khuyên nhập viện theo dõi. Tuy nhiên, chính sự chần chừ này đã khiến K bỏ lỡ cơ hội điều trị kịp thời. Khi nhập viện cấp cứu, anh đã bị suy thận giai đoạn 5 và phải lọc máu cách ngày để duy trì sự sống.
Bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người chủ quan và không theo dõi thường xuyên huyết áp của mình. Ngoài ra, lối sống ít vận động, thừa cân, ăn thức ăn nhanh, thức khuya và chịu áp lực công việc là các yếu tố nguy cơ góp phần dẫn tới đột quỵ, nhưng lại ít người quan tâm.
"Đặc biệt, nhiều người nghĩ mình còn trẻ, khỏe nên không khám sức khỏe, chỉ khi đột quỵ xảy ra, vào viện thì mới phát hiện mắc các bệnh nền như huyết áp cao, tim mạch... Những bệnh này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến đột quỵ", bác sỹ Dũng cảnh báo.
Còn theo PGS-TS.Nguyễn Thị Thu Hoài, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, tăng huyết áp thường không có triệu chứng đặc hiệu.
Một số người có thể gặp các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt, ù tai, đánh trống ngực, đỏ mắt, chảy máu cam... nhưng cũng có nhiều người không có biểu hiện gì trước khi đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài nhấn mạnh, nếu không được điều trị kịp thời, tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Các biến chứng này có thể xảy ra ở nhiều bộ phận cơ thể như tim (suy tim, bệnh lý động mạch vành, rối loạn nhịp tim), não (đột quỵ não, nhồi máu não, xuất huyết não), thận (suy thận mạn tính), mắt (xuất huyết võng mạc, giảm thị lực), và mạch máu (xơ vữa động mạch).
Bà Hoài cũng cảnh báo rằng tăng huyết áp có thể gây ra những biến chứng cấp tính như suy tim cấp, phù phổi cấp, hoặc lóc tách động mạch chủ, những tình trạng này có thể đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Theo các chuyên gia tim mạch, mỗi người cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến khi có triệu chứng mới bắt đầu theo dõi. Nếu phát hiện huyết áp cao, việc phòng ngừa và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.
PGS-TS.Nguyễn Thị Thu Hoài cho biết, nhiều người sau khi điều trị ổn định huyết áp thường ngừng thuốc vì nghĩ rằng bệnh đã khỏi. Tuy nhiên, tăng huyết áp là bệnh phải điều trị suốt đời.
Việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý (giảm muối, ăn nhiều rau và hoa quả), tập thể dục đều đặn và tránh xa các chất kích thích như rượu bia và thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Còn theo Ths.Huỳnh Thanh Kiều, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tăng huyết áp ở Việt Nam đang gia tăng một cách đáng lo ngại, một phần là do thói quen ăn mặn trong chế độ ăn hàng ngày, bao gồm việc sử dụng nhiều nước mắm, gia vị mặn và thực phẩm chế biến sẵn. Việc giảm lượng muối tiêu thụ là điều cần thiết để cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/canh-giac-voi-bien-chung-nguy-hiem-cua-tang-huyet-ap-d264638.html