Cảnh giác với chiêu trò 'giúp nạn nhân' bị lừa trên mạng xã hội lấy lại tiền

Lợi dụng tâm lý của các nạn nhân khi bị mất tiền thường lên mạng xã hội (MXH) để chia sẻ, tìm lời khuyên, phương thức để lấy lại được tiền bị mất, kẻ lừa đảo đã mời chào, dẫn dụ nạn nhân 'sa bẫy'.

Các hội nhóm “lấy lại tiền lừa đảo” mọc lên như nấm. (Ảnh chụp màn hình)

Các hội nhóm “lấy lại tiền lừa đảo” mọc lên như nấm. (Ảnh chụp màn hình)

Từng bị lừa đảo do tham gia làm cộng tác viên chốt đơn cho một nhãn hàng, chị U vẫn còn bàng hoàng khi bị mất một số tiền lớn trong thời gian nghỉ thai sản: “Lướt mạng xã hội thấy Công ty Luật A cung cấp “dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa”, tôi đọc bình luận và thấy nhiều “khách hàng” chia sẻ đã lấy lại được tiền đã mất.

Nóng lòng muốn lấy lại tiền, tôi không suy nghĩ nhiều mà nhắn tin cho nhân viên tư vấn dịch vụ trên. Nhân viên nói rằng họ có khả năng lấy lại được tất cả số tiền đã mất thông qua các mối quan hệ và phương pháp độc quyền chỉ có tại công ty của họ. Họ cam kết hỗ trợ tôi lấy lại tiền bị lừa đảo với thủ tục nhanh chóng, đơn giản và chỉ cần trả tiền phí dịch vụ rất nhỏ cho họ.

Sau khi, cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản thành công “tiền phí dịch vụ” thì ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Gọi điện cho “nhân viên” không liên lạc được, các tin nhắn trong nhóm vừa trao đổi cũng bị xóa hết, tôi mới tá hỏa biết mình lại một lần nữa bị lừa”.

Cũng trong tình trạng mong ngóng lấy lại số tiền bị mất, anh T. (TP Thanh Hóa) lại một lần nữa rơi vào cảnh “lừa chồng lừa". “Nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là Công an nói có thể lấy lại được số tiền tôi đã bị lừa đảo trên mạng xã hội. Lúc đó, tôi rất lo lắng nhưng cũng hy vọng có thể lấy lại được tiền, nên tôi đã không ngần ngại chuyển “phí dịch vụ” cho họ. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, tôi không liên lạc được với người tự xưng là “công an”. Lại một lần nữa tôi mất 3.000.000 đồng cho bọn lừa đảo”, anh T. chia sẻ.

Những dòng trạng thái lừa đảo lấy lại được tiền khiến nhiều “nạn nhân” mắc bẫy. (Ảnh chụp màn hình)

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý rất nghiêm khắc.

Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 174 sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

“Công ty luật” tự xưng liên tục đăng bài lừa đảo mời chào, dẫn dụ người dân.

Để phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi có người liên hệ và yêu cầu chuyển tiền, cần kiểm tra kỹ thông tin qua các kênh chính thống, liên hệ trực tiếp với cơ quan Công an để xác nhận. Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng qua điện thoại hoặc email cho người lạ. Không tin vào những lời hứa hẹn giúp lấy lại tiền một cách dễ dàng, đặc biệt khi yêu cầu phải chuyển tiền trả phí trước.

Lan Phú

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/canh-giac-voi-chieu-tro-giup-nan-nhan-bi-lua-tren-mang-xa-hoi-lay-lai-tien-32146.htm