Cảnh giác với chiêu trò lừa bán đồ giả cổ

Thời gian qua, trên địa bàn TP Pleiku (Gia Lai) xuất hiện nhóm đối tượng giả dạng là công nhân công trình vô tình đào được đồ cổ (đồ thờ cúng) nên giấu giếm đem bán với giá rẻ. Bằng những phương thức thủ đoạn tinh vi, các đối tượng câu kết, dàn dựng kịch bản 'kẻ tung, người hứng' để lừa bán đồ giả cổ cho một số người dân ở xã An Phú (TP Pleiku).

Một số đồ giả cổ người dân ở xã An Phú mua phải của những kẻ lừa đảo.

Một số đồ giả cổ người dân ở xã An Phú mua phải của những kẻ lừa đảo.

Anh N.T.A. (trú xã An Phú, TP Pleiku) cho biết, mới đây, khi thấy một thanh niên lạ mặt đi qua đi lại trước nhà, mẹ anh là bà D.T.D (73 tuổi) ra hỏi thì người này nói muốn tìm thầy cúng cho những cổ vật mới đào được. Người này còn cho biết thêm bản thân là thợ công trình đang làm đường tránh QL19 (đoạn đi qua địa phận thôn 3, xã An Phú). Trong quá trình thi công đã đào được cái chum cổ bên trong có tượng Phật, tượng voi, tượng ngựa nên muốn tìm thầy tới cúng vì đó là đồ thờ Phật, mang tính tâm linh. Trong lúc trò chuyện, người thanh niên liên tục nhận được những cuộc điện thoại, phía bên kia trả giá các món đồ vừa kể tới hàng chục triệu đồng. Người này nói với bố mẹ anh A. đó là đồ tâm linh, ông bà mua để thờ Phật thì để lại chứ không bán cho người ngoài.

“Sau khi thanh niên lạ mặt thuyết phục, bố mẹ tôi đồng ý mua với giá 7 triệu đồng. Nhưng ông bà không có đủ tiền nên gọi điện nhờ tôi. Tôi đang đi làm thấy nghi ngờ liền vội chạy về ngay, vì trước đây đã từng có trường hợp vợ chồng già bị lừa với chiêu thức tương tự. Thấy tôi về, người thanh niên có biểu hiện thiếu tự nhiên. Tôi hỏi nếu đào được cổ vật sao không báo với chính quyền mà lại đem bán. Tôi sẽ gọi mời chuyên gia đến thẩm định, nếu đúng đây là cổ vật thì sẽ mua. Nghe thấy thế, người lạ mặt vội mang số hiện vật ra xe chạy mất”, anh A. kể.

Đây không phải là trường hợp duy nhất ở xã An Phú bị lừa mua đồ cổ. Trong quá trình tìm hiểu thông tin vụ việc, chúng tôi được biết cuối năm 2023, bố mẹ chồng của chị N.T.T.H (trú xã An Phú) cũng mua phải món đồ giả cổ với giá 7 triệu đồng với chiêu thức tương tự. Cũng theo chị H., sau khi đã lừa được người mua, bọn lừa đảo còn táo tợn để lại số điện thoại. Sau sự việc đó, chị H. cũng thông báo trên trang Facebook cá nhân để cảnh báo bạn bè và người thân.

“Bố mẹ tôi đều là cán bộ hưu trí, tuổi cũng đã hơn 70. Sở dĩ ông bà dễ tin người vì nghĩ chồng tôi làm công việc liên quan đến nghiên cứu văn hóa, những món đồ tìm thấy tại địa phương có thể giúp ích cho việc nghiên cứu của con về vùng đất An Phú”, chị H. chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), phương thức lừa đảo bán đồ giả cổ đã xuất hiện từ cách đây rất lâu ở khắp các địa phương trong cả nước, nhất là tại những nơi có hoạt động khai quật khảo cổ. Kẻ lừa đảo tìm hiểu, nghiên cứu kỹ địa bàn và đối tượng.

Những năm qua, trên địa bàn xã An Phú diễn ra các cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ di tích Chămpa. Bên cạnh đó là Dự án xây dựng đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh Gia Lai (đường tránh QL19) đi qua địa phận thôn 3. Bọn lừa đảo viện những lý do khiến ai cũng có thể thấy rất hợp lý, như là công nhân làm đường, làm công trình phát hiện ra cổ vật, đào thấy đồ cổ. Đối tượng mà bọn lừa đảo hướng đến thường là những người lớn tuổi ở nhà một mình và các gia đình theo đạo Phật.

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn cho biết, hiện nay, đồ giả cổ được làm rất tinh vi, chuyên gia cũng có khi lầm lẫn nên người bình thường không có khả năng phân biệt thật-giả. Vì vậy, người dân cần cảnh giác khi có người lạ tới nhà mời chào mua đồ cổ. Bên cạnh đó, chính quyền cần nhanh chóng nắm bắt tình hình và có biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

G.L

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/canh-giac-voi-chieu-tro-lua-ban-do-gia-co-post300284.html