Cảnh giác với hiện tượng trào ngược thức ăn, khả năng mắc ung thư thực quản
Một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản là do bị trào ngược dạ dày thực quản – dịch axit dạ dày trào lên thực quản gây nên.
Ung thư thực quản là bệnh xảy ra ở thực quản – ống rỗng dài từ cổ họng xuống dạ dày. Đây là bệnh đứng hàng thứ 4 sau các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác như ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại trực tràng về mức độ phổ biến tại Việt Nam. Tỷ lệ sống sau 5 năm khi phát hiện muộn thường không cao.
Trào ngược thức ăn – một trong những yếu tố gây ung thư thực quản
Trào ngược thức ăn là hiện tượng thức ăn sau khi được chuyển xuống dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Dịch tiết axit của dạ dày đi kèm thức ăn lên thực quản sẽ gây ra tình trạng nóng rát thực quản, đau họng kéo dài.
Người bệnh bị trào ngược axit thường có các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, buồn nôn và nôn. Trong nhiều trường hợp, nôn ra máu do thực quản bị nóng ra, viêm loét lâu ngày, niêm mạc thực quản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây xuất huyết.
Trào ngược thức ăn được cho là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư thực quản. Đặc biệt nếu tình trạng trào ngược này liên tục trong thời gian dài và không được xử trí triệt để.
Chính vì thế, khi bị trào ngược thức ăn hoặc thường xuyên ợ nóng, ợ chua, bạn cần tới ngay các cơ sở y tế để kiểm tra. Nội soi thực quản là phương pháp hiệu quả nhất giúp phát hiện sớm bệnh lý ở khu vực này.
Các nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản
Theo các bác sĩ Bệnh viện Thu Cúc, nguy cơ mắc ung thư thực quản được cho là có liên quan tới tuổi tác, giới tính và một số yếu tố khác như:
- Người trên 40 tuổi, là nam giới hoặc uống rượu thường xuyên có nguy cơ cao bị ung thư thực quản, nguy cơ này đặc biệt cao ở những người sử dung cả rượu và thuốc lá.
- Thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên ăn những thực phẩm nóng, uống nóng hoặc thức ăn có chứa nitrosamin như mắm, dưa muối.
- Chế độ ăn ít trái cây và rau quả làm tăng tỷ lệ ung thư thực quản.
- Mắc các bệnh lý khác tại thực quản như: viêm loét dạ dày – thực quản, hẹp thực quản, nhiễm HPV…
- Trong gia đình có người thân bị ung thư thực quản
- Bị thừa cân, béo phì
- Mắc một số ung thư khác vùng đầu mặt cổ như khoang miệng, họng miệng và hạ họng – thanh quản.
Ung thư thực quản là bệnh nguy hiểm và thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Chính vì thế mà nhiều người không phát hiện sớm mình mắc bệnh, dẫn tới điều trị muộn, tỷ lệ sống không cao.
Các chuyên gia y tế khuyên rằng, chúng ta nên chủ động tầm soát ung thư định kỳ, đặc biệt với những người thường xuyên bị trào ngược thức ăn hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh. Việc tầm soát và kiểm tra sức khỏe thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm bệnh. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp chữa trị kịp thời, phù hợp nhất.
Theo VTV