Cảnh giác với hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ
Bệnh cảnh hay gặp là trẻ bị chết tại nhà, vào ban đêm sau khi ngủ. Trẻ thường có các biểu hiện thiếu oxy tổ chức một thời gian trước khi chết. Trẻ có thể biểu hiện người cứng đơ và tím xám...
Theo bác sĩ Bùi Thu Phương, Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thực tế có tình trạng nguy hiểm với trẻ nhỏ là tình trạng gần tử vong đột ngột (near- SIDS) hay gọi là tình huống đe dọa tính mạng với biểu hiện ngạt, biến đổi màu sắc da (thường xanh tím, có thể tái nhợt hoặc ban đỏ), nghẹt thở, giảm trương lực hay thở ngáp.
Tại Anh, hàng năm có khoảng 200 trẻ bị chết đột ngột, đây là con số có thể khiến ta giật mình.
Trong nước, vào tháng 10/2022 vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tiếp tiếp nhận hai trường hợp trẻ nhỏ hơn 1 tuổi nhập viện khi đã tím tái, ngừng thở và ngừng tim trước khi nhập viện, đều được chẩn đoán mắc hội chứng SIDS. Mặc dù được hồi sức cấp cứu nhưng cả hai bé đều không qua khỏi.
Nguy cơ gây tử vong đột ngột ở trẻ nhỏ
Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi, trong đó 90% thuộc nhóm trẻ < 6 tháng tuổi, chủ yếu là trẻ 2-4 tháng tuổi. Bệnh cảnh hay gặp là trẻ bị chết tại nhà, vào ban đêm sau khi ngủ. Trẻ thường có các biểu hiện thiếu oxy tổ chức một thời gian trước khi chết. Trẻ có thể biểu hiện người cứng đơ (rigor mortis) hoặc người cứng đơ và tím xám.
Bệnh có yếu tố từ phía mẹ: trẻ tuổi, đẻ nhiều và dày, hút thuốc khi có thai; nghiện ma túy; thiếu máu khi có thai; có thai trước bị chết; không khám thai; trầm cảm sau sinh, có bệnh tâm thần…
Yếu tố từ phía con: trẻ thuộc nhóm 2-4 tháng tuổi; trẻ trai hay bị hơn gái; cân nặng lúc sinh thấp; sinh non; điểm Apgar thấp; ngủ tư thế nằm sấp; sưởi quá nóng; không bú mẹ; có đợt tím trước đó; có tiền sử trẻ trong gia đình chết đột tử; phơi nhiễm khói thuốc…
Theo một số nghiên cứu, có một số bệnh tiềm ẩn có thể phát hiện ở tình huống đe dọa tính mạng gây chết đột ngột ở trẻ nhỏ, trong đó bệnh hay gặp nhất là bệnh ở tiêu hóa (50%); tiếp theo là bệnh ở thần kinh (30%), hô hấp… Tuy nhiên, khoảng 50% trường hợp gần chết đột ngột không giải thích được nguyên nhân.
Dự phòng hội chứng chết đột ngột ở trẻ nhỏ
Bác sĩ Phương khuyến cáo, nên đặt trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa: Trẻ nên được ngủ tư thế ngửa trên mặt phẳng chắc, tránh quá mềm, quá xốp, tránh để các đồ xốp mềm quanh chỗ trẻ ngủ (như gối bông, da lông cừu, túi nước mềm, khăn quàng, trò chơi nhồi bông…) để đề phòng làm trẻ ngạt thở;
Không nên quấn trẻ quá chặt hay mặc đồ quá nóng khi ngủ; không nên để sưởi quá nóng, không nên cho trẻ nằm trong phòng quá lạnh;
Để trẻ trong cũi hoặc nôi cùng phòng ngủ với cha mẹ trong ít nhất là 6 tháng đầu;
Đảm bảo việc sử dụng địu em bé một cách an toàn;
Với trẻ nghi có trào ngược dạ dày-thực quản thì nên cho trẻ ăn từ từ, bế trẻ tư thế đứng sau khi ăn từ 30-60 phút;
Trẻ có bệnh đường hô hấp cần được chăm sóc cẩn thận, thoáng khí, không để trẻ phơi nhiễm với khói thuốc;
Trẻ không nên ngủ chung giường với người hút thuốc lá, uống rượu, nghiện ma túy hay thức giấc về đêm, nhất là những trẻ sinh non hoặc trẻ có cân nặng khi sinh thấp dưới 2500 gram;
Các trẻ có tiền sử ngừng thở cần được theo dõi bằng máy theo dõi thở nếu có điều kiện.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/canh-giac-voi-hoi-chung-dot-tu-o-tre-nho-post461416.html