Cảnh giác với hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em sau khi mắc COVID-19
Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận trường hợp trẻ bị viêm đa hệ thống (MIS-C) giai đoạn hậu COVID-19; đây là hội chứng thường xảy ra sau khi trẻ bị mắc COVID-19 từ 2 - 6 tuần.
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu tháng 2 đến nay, tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của Bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 10 trẻ mắc di chứng hậu COVID-19 với mức độ từ nhẹ đến nặng, hiện có 2 trường hợp rất nặng, phải thở máy, lọc máu, tiên lượng xấu. Đáng chú ý, trong số các bệnh nhi này có trường hợp trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Một trường hợp nhập viện gần đây là bệnh nhi B.H (2 tuổi, ở Thanh Hóa) được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 13/2 trong tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, rét run, ho, chảy nước mũi, nôn, mắt phù nề, viêm kết mạc.
Theo khai thác tiền sử, ngày 23/12, bé B.H bị nhiễm SARS-CoV-2 nhưng chỉ có triệu chứng húng hắng ho và tự khỏi sau 3 - 4 ngày. Ngày 7/2 (gần 2 tháng sau khi khỏi COVID-19), trẻ có dấu hiệu sốt cao trên 39 độ C, kèm co giật. Kết quả xét nghiệm RT-PCR của bệnh nhi âm tính với SARS-CoV-2 nhưng nồng độ kháng thể cao (tương đương sức miễn dịch của người tiêm vaccine hoặc F0 từng mắc bệnh).
Qua thăm khám, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C), đây là 1 hội chứng mắc phải sau nhiễm COVID-19. Bệnh nhi đã nhanh chóng được điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế. Hiện sức khỏe trẻ đang dần hồi phục.
TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu COVID-19 thường xảy ra sau khi trẻ bị mắc COVID-19 từ 2 - 6 tuần. Biểu hiện lâm sàng của trẻ mắc hội chứng này là: Sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc… nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây tử vong”.
Theo BS. Tạ Anh Tuấn, với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID-19, hoặc tiếp xúc với người mắc COVID-19, sống trong vùng dịch... mà có các triệu chứng như: Sốt cao liên tục trên 24 giờ; nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc; phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; rối loạn tiêu hóa như: Nôn, đau bụng, tiêu chảy; có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp… cần được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bác sĩ cũng khuyến cáo: Trong tình hình dịch COVID-19 vẫn hết sức phức tạp, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em đang có xu hướng gia tăng khi cuộc sống trở lại “bình thường mới”, để hạn chế trẻ mắc COVID-19, tránh các di chứng hậu COVID-19, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp như:
- Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ theo khuyến cáo, nếu trẻ được tiêm chủng, các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi, đặc biệt là các biến chứng hậu MIS-C.
- Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người để tránh lây nhiễm bệnh.
- Đeo khẩu trang cho trẻ ở những nơi công cộng và nơi đông người.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay.
- Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động, chơi thể thao, nghỉ ngơi hợp lý.
- Bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.