Cảnh giác với lũ
Vào thời gian này những năm trước, các tỉnh miền Trung có khoảng 7 - 8 cơn bão xuất hiện kèm theo lũ lụt.
Vào thời gian này những năm trước, các tỉnh miền Trung có khoảng 7 - 8 cơn bão xuất hiện kèm theo lũ lụt. Có những năm, bão nối bão, lũ chồng lũ liên tục trong nhiều ngày, gây tang tóc cho nhiều nơi, nhất là những vụ lở núi kinh hoàng khiến hàng chục người thiệt mạng.
Thế nhưng năm nay, vào giữa tháng 10 rồi mà vẫn chưa có cơn bão nào xuất hiện ở miền Trung, lũ lớn như mọi năm vẫn chưa thấy. Nước ngập ở Huế và Đà Nẵng mấy ngày qua chủ yếu là nước mưa, thoát không kịp nên ngập cục bộ chứ không phải là nước từ thượng nguồn đổ về.
Chưa có bão và lũ lớn, không có nghĩa là những hiểm nguy từ thiên tai trong năm nay đã qua. Người dân không vì thế mà chủ quan để rồi phải trả giá đắt.
Tuy lũ lớn vẫn chưa xuất hiện như mọi năm nhưng những cảnh báo về thiên tai vẫn luôn được ngành khí tượng và chính quyền các cấp cập nhật và nhắc nhở người dân cần đề phòng để kịp thời ứng phó một cách chủ động. Thế nhưng, đây đó tình trạng chủ quan vẫn xảy ra. Không ít người cho rằng, năm nay không có bão và lũ nữa!
Chủ quan dễ thấy nhất là đi coi nước lụt và vớt củi ven sông. Thực ra đi vớt củi chỉ là cái cớ để nghịch nước, nhất là đám trẻ con bám theo một số người lớn tuổi đi vớt củi, thả lờ, giăng lưới bắt cá.
Trên các con sông lớn dọc các tỉnh miền Trung đã từng chứng kiến nhiều cái chết thương tâm vào mỗi mùa mưa lũ do chủ quan đi vớt củi hoặc đi xem nước lũ lỡ sẩy chân bị nước cuốn trôi.
Đối với một số vùng ở miền núi thì sự chủ quan lại xảy ra ở những trường hợp khác. Nhiều người thấy mưa lớn nhưng nước lũ chưa tràn về nên “tranh thủ” lội qua những đoạn sông cạn hoặc những con suối nhỏ. Đúng lúc ấy thì lũ quét tràn về và chạy không kịp dẫn đến thiệt mạng.
Mới năm ngoái đây thôi, bờ tràn Thạch Nham thượng nguồn sông Trà Khúc và cầu sông Re ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã xảy ra những cái chết thương tâm do chủ quan băng qua cầu tràn, bất ngờ lũ về đột ngột làm trôi cả người lẫn xe.
Thường thì sau nhiều ngày mưa lớn, nước ngấm vào thân các ngọn núi và sẽ xuất hiện những đợt sạt lở núi. Chính quyền địa phương cũng cần hết sức cảnh giác, thường xuyên kiểm tra các điểm “nhạy cảm” với sạt lở để kịp thời đưa ra các quyết định chuyển dời dân đến nơi an toàn, kiên quyết xử lý bằng các biện pháp mạnh để đưa những người dân chủ quan bám nhà, bám đất dễ dẫn đến những nguy hiểm đe dọa tính mạng của họ.
Đối với các tỉnh đồng bằng, chính quyền và ngành Giáo dục cần linh hoạt trong việc cho học sinh tạm thời nghỉ học nếu cảm thấy mất an toàn khi có lũ hoặc bão. Những ngày qua, chính quyền TP Đà Nẵng đã cho toàn bộ học sinh phổ thông nghỉ học dù mức độ nguy hiểm hiện hữu chưa đến mức báo động nhưng cảnh giác trước nguy cơ vẫn hơn.
Trung tâm dự báo khí tượng vừa phát thông báo, hiện nay có một vùng áp thấp hình thành trên biển thuộc khu vực Trung Bộ và sẽ gây mưa lớn trong những ngày tới. Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế có nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ vùng áp thấp này.
Dù lũ chưa lớn lắm nhưng đã có hai người thiệt mạng trong những ngày qua. Đừng để những cái chết thương tâm như thế xảy ra chỉ vì chủ quan trước mưa lũ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/canh-giac-voi-lu-post657946.html