Cảnh giác với ngạt khí

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã xảy ra những trường hợp thương vong do ngạt khí khi dùng máy phát điện, xuống hố ga hay đốt than trong nhà kín... gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho cộng đồng. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với Trung tá Nguyễn Viết Thắng - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh về nguyên nhân, dấu hiệu cảnh báo, công tác phòng ngừa, ứng cứu khi có các tình huống...

Trung tá Nguyễn Viết Thắng

Phóng viên: Mới đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm sáu người trong cùng gia đình tử vong. Nguyên nhân ban đầu được xác định do ngạt khí khi sử dụng máy phát điện. Đồng chí đánh giá như thế nào về vụ việc này?

Trung tá Nguyễn Viết Thắng: Đây là sự việc vô cùng đau lòng và đáng tiếc. Trước đó cũng từng có nhiều vụ việc tương tự xảy ra, gây ra những mất mát về con người rất thương tâm, báo động người dân cần phải trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh. Việc sử dụng máy phát điện trong nhà, không gian kín rất nguy hiểm, khả năng gây tử vong cao, đặc biệt là ban đêm. Khi máy phát điện sử dụng nhiên liệu xăng dầu, quá trình hoạt động thải ra rất nhiều loại khí độc hại như CO và CO2 đây là các loại khí không màu, không mùi nên khó nhận biết nhưng lại rất nguy hiểm. Khi ngộ độc khí CO và CO2 sẽ xuất hiện tình trạng khó thở, mệt mỏi, suy hô hấp, các rối loạn khác, thậm chí là tử vong.

Phóng viên: Xin đồng chí phân tích cụ thể hơn về nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng của hiện tượng ngạt khí?

Trung tá Nguyễn Viết Thắng: Ngạt khí chủ yếu xảy ra trong môi trường kín thiếu khí oxy, tồn tại nhiều loại khí độc như CH4, CO, CO2...

Ngộ độc khí CO là một tai nạn thường gặp nhất trong các loại ngộ độc khí độc, thường gây tử vong và để lại di chứng thần kinh - tâm thần cao. Trên thực tế, có rất nhiều ca ngộ độc khí do sử dụng máy phát điện hay sưởi ấm bằng than. Điển hình như vụ ngộ độc khí xảy ra vào đêm ngày 23/7/2022 tại tiệm tóc trên đường DJ15, thuộc phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương làm sáu người thiệt mạng như đã nêu ở trên.

Nguy cơ ngộ độc khí cũng thường xảy ra ở các hầm mỏ, hố sâu, giếng đào... Các nạn nhân tử vong vì thiếu ôxy và hít phải các khí tích tụ lại dưới đáy hố/hầm, bể kín. Những hoạt động chuyển hóa, phân hủy các chất hữu cơ làm bốc lên những luồng hơi chứa khí CO2, CH4 và các hợp chất lưu huỳnh. Những khí này đều nặng hơn không khí nên tích tụ lại ở chỗ thấp, không gian kín và hòa tan trong lớp nước bề mặt. Những vụ tai nạn chết người trong tình huống này xảy ra chủ yếu do người đầu tiên xuống hầm kín rồi bị ngạt khí, ngất đi. Những người sau không có kinh nghiệm, lao xuống ngay để cứu và cũng gặp nạn tương tự. Ngày 18/7 vừa qua trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng xảy ra sự cố bị ngạt khí xảy ra tại Công ty TNHH Deasang Việt Nam, đóng trên địa bàn TP Việt Trì làm bốn người chết và một người bị thương, đến ngày 21/7 nạn nhân duy nhất sống sót sau sự cố cũng đã tử vong.

Một tình huống nữa dễ gây ngộ độc khí là các phòng điều hòa có quá đông người. Tại Việt Nam, có những phòng học, phòng làm việc lắp máy điều hòa nhưng số lượng người chật chội, máy điều hòa chạy không đủ công suất. Bên cạnh đó, nhiều phòng máy điều hòa không lắp đặt quạt hút, không khí trong phòng không luân chuyển kịp. Lượng người quá đông thở ra lượng khí CO2 lớn. Khi chúng ta hít phải khí do chính mình thải ra, lượng CO2 trong máu tăng. Ban đầu nạn nhân có cảm giác hô hấp bị kích thích như thở nhanh hơn, nhưng để lâu nạn nhân sẽ bị ức chế, thở chậm dần và lịm đi. Nhiều trường hợp tài xế ngủ quên trong xe hơi bị tử vong cũng do nguyên nhân như trên.

Lực lượng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH Công an tỉnh cứu nạn cứu hộ vụ ngạt khí tại Công ty TNHH Deasang Việt Nam

Phóng viên: Đồng chí có những khuyến cáo, cảnh báo như thế nào cho doanh nghiệp, cá nhân?

Trung tá Nguyễn Viết Thắng: Để không xảy ra những trường hợp đau lòng, sự cố đáng tiếc không chỉ riêng vụ việc xảy ra tại Công ty TNHH Deasang Việt Nam vào ngày 18/7/2022, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh khuyến cáo người dân không dùng máy phát điện, máy nổ; không sử dụng bếp củi, than củi hoặc than tổ ong để nấu và sưởi ấm…trong phòng kín.

Trước khi xuống hố ga, giếng khơi, hầm cũ...người dân cần dùng quạt máy, hoặc sử dụng các thiết bị xuống trước khuấy động không gian trong hố nhằm “đẩy đuổi” khí CO2 và đưa không khí xuống. Tốt nhất, người dân không nên tự ý đi vào các môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ nêu trên.

Tại các vị trí hố ga, giếng khơi, hầm cũ... để hở phải có rào chắn bao quanh và biển cảnh báo nguy hiểm. Trang bị đầy đủ và hướng dẫn sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động, mặt nạ dưỡng khí cho công nhân, cán bộ kỹ thuật, những người thường xuyên làm việc trong môi trường thiếu khí oxy như hố ga, giếng khơi, hầm cũ …

Phóng viên: Thực hiện công tác PCCC&CNCH, đơn vị sẵn sàng chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện, kịp thời ứng cứu khi có các tình huống khẩn cấp về cháy nổ do chập điện, ngạt khí do sử dụng máy có khí phát thải…?

Trung tá Nguyễn Viết Thắng: Thời gian qua, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương - lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH và sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động trong công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, giảm thiểu tối các sự số cháy, nổ xảy ra trên địa bàn; đồng thời chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có các sự cố cháy nổ nói chung và sự số tại nạn ngộ độc khí nói riêng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Trọng tâm chúng tôi quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh một số nội dung như sau:

Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm vì nước quên thân vì nhân dân phục vụ; định kỳ có chương trình kế hoạch cụ thể thường xuyên huấn luyện trau dồi, trang bị tốt các kỹ năng chiến thuật PCCC&CNCH, tâm lý chiến đấu với tinh thần “thao trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu” sẵn sàng đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm. Chú trọng việc xây dựng, bổ sung các phương án chữa cháy, phương án cứu nạn cứu hộ thông qua các tình huống giả định, lên phương án xử lý, phối hợp tổ chức thực tập và diễn tập các phương án đã xây dựng, tổ chức họp rút kinh nghiệm sau mỗi buổi thực tập cũng như sau mỗi lần tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Quan tâm đề xuất trang bị, bổ sung mới các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ chuyên dụng (như: Xe cứu nạn cứu hộ, các thiết bị máy đo nồng độ khí độc, mặt nạ dưỡng khí…) bảo quản bảo dưỡng đúng quy định đảm bảo 100% các thiết bị, phương tiện luôn ở trạng thái sẵn sàng phục vụ chiến đấu.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ánh Dương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//xa-hoi/canh-giac-voi-ngat-khi/186222.htm