Cảnh giác với nguy cơ ung thư từ u đại tràng
BS Phạm Công Long - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng cho biết, chỉ trong hơn 1 tuần qua, trung tâm đã phát hiện khoảng 5 trường hợp có u đại tràng lớn khi thực hiện các ca nội soi tiêu hóa cho bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây.
Trong hơn 1 tháng qua ông L.T.C (64 tuổi, ở Đà Nẵng) có tình trạng sôi bụng nhưng không đau bụng, không buồn nôn và thường xuyên đi phân lỏng. Khi đến khám tại Thiện Nhân Đà Nẵng, ông được các bác sĩ tiến hành nội soi tiêu hóa và phát hiện tại đại tràng trái của ông có u sùi lớn, polyp đại tràng sigma, tăng CEA.
Một trường hợp khác là ông N.Đ.T (68 tuổi, ở An Giang), tiền sử gia đình có em trai bị đột quỵ năm 2018, bản thân ông cũng có tiền sử cắt polyp đại tràng vào năm 2021. Khi đến Thiện Nhân Đà Nẵng, ông T có biểu hiện đau bụng thường xuyên, thỉnh thoảng hay đau ngực trái.
Sau khi thăm khám và kiểm tra lâm sàng, ông T được chỉ định khám sức khỏe tổng quát và tầm soát ung thư. Đồng thời ông T còn chụp MRI sọ xoang để tầm soát sớm đột quỵ. Kết quả sau nội soi cho thấy đại tràng của ông T có rất nhiều polyp, gồm 2 polyp đại tràng trực tràng có sinh thiết; 1 polyp đại tràng trái cắt trọn; 2 polyp đại tràng trực tràng; 9 polyp đại tràng ngàng sinh thiết 4 mẫu; 3 polyp đại tràng sinh thiết 2 mẫu.
BS Phạm Công Long cho biết, các trường hợp này đều được lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán mô bệnh học để có kết luận chính xác nhất về ung thư đại tràng. Ông cũng nhấn mạnh, u đại tràng đa số lành tính, nhưng một số trường hợp có thể tiến triển thành ác tính (tức ung thư đại tràng) nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời.
“U đại tràng ác tính có thể phát triển nhanh, lớn dần gây xâm lấn và di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể, làm xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm. Ở giai đoạn nặng, u đại tràng sẽ làm người bệnh sụt cân, đau bụng, chảy máu ở đại tràng, đi đại tiện ra phân có máu… và đe dọa đến tính mạng”, BS Phạm Công Long cho biết.
Do vậy ông khuyến cáo bất cứ ai cũng nên định kỳ 1 năm/ lần kiểm tra sức khỏe và tầm soát ung thư. Đặc biệt là với một số đối tượng có nguy cơ mắc u đại tràng cao hơn, gồm người cao tuổi, người có tiền sử mắc bệnh u đại tràng, người bị viêm nhiễm đường ruột, người có yếu tố di truyền từ gia đình, người thừa cân, béo phì, ít vận động, người sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá…