Cảnh giác với những luận điệu phản động về công tác phòng, chống dịch
Thời gian gần đây, lợi dụng diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị, phản động tiếp tục tuyên truyền, bịa đặt, xuyên tạc sự thật nhằm chống phá Đảng và Nhà nước, gây hoang mang, hoài nghi, hòng làm giảm sút lòng tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Với tâm địa đen tối, chúng đưa ra nhận định hết sức phản động, cho rằng việc đưa F0, F1 đi cách ly tập trung là hành động cưỡng bức, vi phạm dân chủ, nhân quyền và sẽ làm lây nhiễm chéo... chúng cho rằng Chính phủ không sử dụng tiền mua vắc xin mà nhờ sự hỗ trợ của các nước. Chúng cố tình không hiểu hiện nay tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội; ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh... Các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước đã chủ động, kịp thời thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt như giãn cách, cách ly xã hội, chiến lược vắc xin, vắc xin + 5K... để phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, các biện pháp trên bước đầu đã thu được những kết quả tích cực.
Với mục tiêu phấn đấu để “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngay trong các đợt phòng chống đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 với gói hỗ trợ lên đến 62 nghìn tỷ đồng để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện nay Việt Nam đang trải qua làn sóng dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh trên diện rộng và phức tạp. Đảng và Nhà nước đã ngay lập tức ban hành các chủ trương, chính sách cụ thể chăm lo cho người dân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 và Quyết định 23 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ trị giá 26 nghìn tỷ đồng đã được triển khai nhanh chóng, các thủ tục được thực hiện thông thoáng, giảm 2/3 thủ tục, rút ngắn 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42. Có những chính sách không cần người lao động, người sử dụng lao động cung cấp hồ sơ mà dựa vào cơ sở dữ liệu đã có để hỗ trợ.
Trong điều kiện khan hiếm vắc xin phòng chống COVID-19 trên toàn thế giới, để sớm có vắc xin tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe của nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vắc xin sớm nhất. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng chống COVID-19, Việt Nam đặt mục tiêu 150 triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho 70% dân số. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã quyết nghị việc giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định biện pháp đặc biệt để phòng, chống dịch. Đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm gần 20 triệu liều. Điều đó đã khẳng định quan điểm, tư tưởng, mục đích của Đảng và Nhà nước ta thực sự là vì dân chứ không phải bỏ mặc người dân như luận điệu của các đối tượng thù địch, phản động tuyên truyền, xuyên tạc.
Có thể khẳng định rằng, những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các đối tượng thù địch, phản động thể hiện rõ dã tâm thâm độc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của nhân dân ta với mục đích gây hoang mang, dao động về tư tưởng trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cảnh giác để vạch trần và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động ở trong và ngoài nước.