Cảnh giác với những video độc hại
Thương con, cho con giải trí bằng các trò chơi, xem video trên mạng Internet chính là việc làm hàng của nhiều cha mẹ Việt hiện nay. Thế nhưng, việc bỏ ngoài tác hại của thế giới ảo đến con trẻ đã làm nhiều cha mẹ phải trả một cái giá quá đắt.
Hình ảnh ghê sợ đột nhiên xuất hiện trên các đoạn clip khi trẻ đang xem phim hoạt hình trước đây
Đó là câu chuyện hết sức đau lòng vừa xảy ra khi một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai, nghi vấn tự tử vì thực hiện đúng những hành vi yêu cầu trên mạng. Cụ thể, bé trai này đã tự treo cổ trong nhà tắm. Chỉ khi đã quá lâu không thấy bé trở ra, gia đình mới phá cửa xông vào, nhưng lúc này mọi thứ đã quá muộn. Qua đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã lên tiếng cảnh báo đến các bậc phụ huynh hãy quan tâm đến con em mình hơn, khi thấy các cháu chơi "trò chơi lạ" thì phải hỏi rõ để ngăn chặn kịp thời vì có thể đó là trò chơi nguy hiểm mà các cháu học theo khi xem các clip độc hại trên mạng xã hội.
Còn nhớ quãng thời gian trước, phụ huynh cũng hết sức hoang mang với các clip độc hại khi momo thường xuyên xuất hiện trong các phim hoạt hình và ép trẻ thực hiện những hành động tiêu cực. Đó là một hình tượng kinh dị khiến nhiều người không khỏi ghê sợ với mái tóc dài, vầng trán nhô cao, hai mắt lồi cùng khuôn miệng rộng bất thường. Momo thường đưa ra các thử thách, như: cắt tay, cao đầu, thậm chí là tự tử, kèm theo đó là lời đe dọa nếu không làm theo sẽ bị trừng phạt. Thử thách Momo thường nhắm vào những thanh thiếu niên có vấn đề về tâm lý. Chỉ cần một vài phút lơ là, thiếu kiểm soát nội dung con xem thế nào, các phụ huynh sẽ không thể lường hết hậu quả xảy ra.
Ngày nay, trên không gian mạng rộng mênh mông, kèm theo sự thông thạo sử dụng công nghệ của con trẻ, phụ huynh sẽ không thể biết con sẽ xem cái gì, tốt hay xấu, nên hay không nên. Còn bản thân trẻ, đặc biệt là những trẻ nhỏ 2-3 tuổi càng không biết đâu là thực, đâu là ảo. Khi trẻ đam mê vào thế giới mạng sẽ hoàn toàn tin tưởng những gì được xem, được nghe, thậm chí trở thành những nhân vật trong đó. Chị Nguyễn Thị Thúy An (ngụ khóm Bình Thới 2, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Trước đây vì một mình vừa làm việc nhà vừa chăm sóc đến 2 con nhỏ nên tôi thường xuyên để chúng xem điện thoại để tập trung lau dọn, nấu nướng. Thế nhưng, đến khi con trai gần 3 tuổi tôi mới thấy lạ là cháu ấy không biết nói chuyện, lúc mở miệng ra toàn là nói ngôn ngữ giống như trong các đoạn clip, đi đứng hành động giống các nhân vật trong youtube, ngại ngùng khi gặp người lạ. Thấy vậy, tôi rất lo sợ và sắp xếp công việc để chơi với con nhiều hơn, vẫn cho con xem điện thoại nhưng khi đó tôi đều ở bên cạnh và giới hạn thời gian xem của con”.
Có thể nói, công nghệ thông tin và hệ thống mạng đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Phụ huynh khó lòng cấm con không tiếp xúc các thiết bị vì mặt khác công nghệ hiện nay hỗ trợ rất nhiều trong việc học tập, giáo dục sớm ở trẻ. Do vậy, điều cần nhất hiện nay là các cơ quan quản lý có những quy định hay hình phạt thật sự mang tính răn đe về vấn đề quản lý thông tin xấu độc trên mạng. Cùng với đó là nhà trường, gia đình cần hướng dẫn hay giáo dục trẻ cần sử dụng mạng ra sao cho đúng đắn, chỉ ra cho trẻ những hình ảnh, âm thanh nào là ghê sợ, không nhất thiết phải xem và học theo. Đặc biệt, đối với những trẻ ở lứa tuổi nhi đồng, mẫu giáo, cha mẹ phải là người chăm nom, quan tâm đến con em mình cả về vật chất và tinh thần để nắm bắt, hiểu biết về những nhu cầu của con. Từ đó giúp con điều chỉnh nhu cầu, hành vi một cách đúng đắn. Nếu bỏ qua việc làm này, có nghĩa là các bậc cha mẹ đang đánh mất đi vai trò, trách nhiệm của họ với con cái.
Theo một số chuyên gia và phụ huynh, hiện nay nhiều phụ huynh cũng đã nhìn nhận được những tác hại của thiết bị công nghệ đến với sự phát triển của trẻ. Do vậy, họ đang tìm về những trò chơi dân gian, sáng tạo đồ chơi thực tế hấp dẫn, bổ ích để thu hút trẻ, kéo trẻ về với thực tại để có được sự phát triển thể chất, tâm lý, ngôn ngữ bình thường đúng với lứa tuổi. Điều đó chính là giải pháp tốt nhất để trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với video độc hại, khi thật sự tiếp xúc cần có sự giám sát của người lớn về thời gian sử dụng và kiểm duyệt nội dung các chương trình, ứng dụng phù hợp với trẻ.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/canh-giac-voi-nhung-video-doc-hai-a291194.html