Cảnh giác với phình động mạch chủ ngực bụng
Phình động mạch chủ không còn là bệnh lý hiếm gặp, số bệnh nhân mắc phình động mạch chủ nhập viện ngày càng tăng. Phình động mạch chủ càng lớn thì thành mạch càng yếu hơn và có nguy cơ vỡ dẫn tới mất máu khối lượng lớn, đây là tình trạng y tế khẩn cấp vì có thể dẫn tới tử vong ngay lập tức.
Khẩn cấp cứu bệnh nhân 50 tuổi phình động mạch chủ ngực bụng phức tạp
Vừa qua, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 50 tuổi được chẩn đoán phình động mạch chủ ngực bụng.
Bệnh nhân tên là T.V.N. nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính cho thấy một khối phình động mạch chủ rất lớn, đường kính chỗ to nhất là 8 cm, tổn thương phình kéo dài từ ngực tới hết các nhánh động mạch nuôi tạng trong ổ bụng. Đây là loại tổn thương phức tạp nhất trong các bệnh lý động mạch chủ.
Bệnh nhân N. ngay lập tức đã được phẫu thuật Hybrid cấp cứu khẩn cấp. Các bác sĩ đã chuyển vị toàn bộ các nhánh động mạch tạng ổ bụngvà đặt stent graft động mạch chủ ngực - bụng. Đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều chuyên khoa sâu trong lĩnh vực tim mạch.
Điều trị hậu phẫu cũng vô cùng thách thức. Bệnh nhân được đặt ống thông dẫn lưu dịch não tủy, theo dõi và kiểm soát dịch não tủy để điều trị tình trạng phù tủy sau mổ.
Sau 6 giờ phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh táo, rút ống nội khí quản. Chỉ 24 giờ sau mổ, bệnh nhân bắt đầu tập vận động. Bệnh nhân ra viện vào ngày thứ 10. Tái khám sau 1 tháng, bệnh nhân hoàn toàn ổn định, không đau ngực, không khó thở, có thể quay lại cuộc sống và công việc thường ngày.
Cần phát hiện sớm phình động mạch chủ ngực bụng
Theo TS.BS. Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Bệnh viện TƯ Quân đội 108, phình động mạch chủ ngực bụng là tình trạng giãn bất thường của động mạch chủ - mạch máu lớn nhất trong cơ thể, chạy từ ngực đến bụng. Kích thước động mạch tăng lên do yếu tố thoái hóa thành mạch, viêm nhiễm, hoặc áp lực máu cao kéo dài. Nếu không được điều trị kịp thời, khối phình có nguy cơ vỡ, gây mất máu nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.
Cũng theo BS Tuấn Anh, hầu hết các trường hợp phình động mạch chủ bụng không có triệu chứng. Thăm khám lâm sàng đôi khi phát hiện khối phình ở bụng đập theo nhịp tim. Hoặc người bệnh tình cờ phát hiện khi thăm khám các phương pháp hình ảnh học cận lâm sàng như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ.
Triệu chứng đau bụng đột ngột và dữ dội hay lan sau lưng là dấu hiệu dọa vỡ của bệnh lý phình động mạch chủ bụng. Cơn đau có thể lan xuống bẹn, hai chân hoặc sau mông. Các triệu chứng khác như da lạnh, chóng mặt, nhịp tim nhanh, ngất là dấu hiệu của sốc do khối phình vỡ gây mất máu.
Chia sẻ về yếu tố nguy cơ, theo BS. Tuấn Anh nam giới độ tuổi trên 65 tuổi, người hút thuốc lá, tăng huyết áp… dễ mắc phải bênh lý phình động mạch chủ ngực bụng. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ xơ vữa mạch như: rối loạn chuyển hóa mỡ máu, thừa cân, béo phì, bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính… cũng dễ mắc phình động mạch chủ ngực bụng.
Theo các bác sĩ, hầu hết phình động mạch chủ bụng có thể tầm soát bằng chẩn đoán hình ảnh học thường quy là siêu âm mạch máu ổ bụng. Biện pháp này thường tốn ít thời gian, không đau, không cần sử dụng thuốc cản quang và an toàn kể cả với phụ nữ mang thai. Khi phát hiện phình động mạch chủ bụng bằng phương pháp siêu âm, các bác sĩ sẽ đo đạc kĩ càng và đưa ra lời khuyên cho bạn về bước tiếp theo.
Nếu khối phình dưới 3.5 cm (45 mm), không triệu chứng có thể theo dõi sát 6 tháng -1 năm/lần. Còn với những khối phình lớn hơn (>= 50 mm hay 5cm), kể cả không triệu chứng cũng nên được điều trị sớm. Chính vì vậy, nếu có 1 trong những yếu tố nguy cơ trên bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để sàng lọc và có những lời khuyên y tế về bệnh lý này. BS Tuấn Anh khuyến cáo thêm.