Con lớn lên tự ti, lưỡng lự, khó thành đạt vì 6 thói quen khó sửa của cha mẹ

Một đứa trẻ có thể trở thành người như thế nào trong tương lai phần lớn phụ thuộc vào cách giáo dục của gia đình.

Trên mạng xã hội từng xuất hiện chủ đề "Cha mẹ đã khiến chúng ta mất tự tin như thế nào?". Nhiều người chia sẻ, mọi lựa chọn của họ đều bị cha mẹ can thiệp.

Dù là ăn uống hay đi mua sắm, thậm chí là chọn một mớ rau ở chợ... thì họ cũng bị cha mẹ công kích, chê là không phù hợp, chưa biết chọn.

Thực chất, rất nhiều cha mẹ đều như vậy. Họ luôn muốn thay con chọn lựa, quyết định mọi mặt trong cuộc sống.

Những cha mẹ này thường phủ nhận lựa chọn của con, cho rằng con chưa đủ "tinh ranh" để đưa ra quyết định. Mọi thứ con làm, họ đều chê.

Có lẽ trong mắt những bậc cha mẹ này, việc quyết định thay con để thể hiện sự bao bọc, che chở nhưng với con trẻ, nó lại như một sự tra tấn tinh thần.

Hay ngay cả khi con làm đúng điều gì, họ cũng chỉ tặc lưỡi cho qua mà không có bất kỳ lời khen, sự công nhận nào.

Cha mẹ có thể nhận thấy: Nhiều đứa trẻ khi còn nhỏ rất hoạt bát và vui vẻ nhưng lớn lên lại tự ti, ngại chia sẻ suy nghĩ của bản thân hay luôn lưỡng lự, không chắc chắn với câu trả lời của mình. Lý do đằng sau việc này là cha mẹ can thiệp quá mức trong quá trình trưởng thành của trẻ và bỏ qua việc lắng nghe trái tim trẻ.

Những tổn thương tâm lý do giáo dục không đúng cách có thể đeo bám trẻ suốt đời và ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống. Ảnh minh họa

Những tổn thương tâm lý do giáo dục không đúng cách có thể đeo bám trẻ suốt đời và ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống. Ảnh minh họa

Một đứa trẻ có thể trở thành người như thế nào trong tương lai phần lớn phụ thuộc vào cách giáo dục của gia đình.

Những tổn thương tâm lý do giáo dục không đúng cách có thể đeo bám trẻ suốt đời và ảnh hưởng đến nhiều mặt trong cuộc sống.

Nếu muốn con lớn lên tự tin, thành công cha mẹ hãy bỏ ngay những thói quen độc hại dưới đây:

1. Vạch trần khuyết điểm của con nơi công cộng

"Bên ngoài, cái nào quan trọng hơn, mặt mẹ hay mặt con?". Đây là câu hỏi của một bà mẹ dành cho con gái mình.

Trong chương trình Thiếu niên nói của Trung Quốc, một nữ sinh trung học đã bước lên sân khấu, dũng cảm nhắn gửi mẹ: Khi giáo dục con, nên thực hiện sau cánh cửa đóng kín thay vì tung hê trước mặt người ngoài.

Nhưng người mẹ phớt lờ yêu cầu của con gái, thay vào đó lại tra hỏi con. Theo lời của người mẹ, thể diện của con gái không bao giờ quan trọng bằng việc giữ gìn uy tín của phụ huynh.

Cuối chương trình, dù hai mẹ con nắm tay nhau và làm hòa trước khán giả nhưng dường như họ bị ngăn cách bởi một bức tường khó vượt qua.

Tất cả chúng ta đều quý trọng và giữ gìn thể diện của mình, nhưng chúng ta không bao giờ nghĩ rằng con cái mình cũng cần thể diện.

Trước công chúng, lời nói của cha mẹ như con dao sắc bén, đâm vào lòng con cái. Dù dạy dỗ bằng lời lẽ chính đáng hay vạch trần khuyết điểm của con, thì điều này cũng khiến đứa trẻ xấu hổ, là ký ức không thể nào quên đối với nhiều em trong suốt cuộc đời.

John Locke, một nhà giáo dục nổi tiếng người Anh từng nói: "Cha mẹ càng không công khai lỗi lầm của con cái, con cái càng coi trọng danh tiếng của bản thân. Vì vậy con càng cẩn thận để duy trì sự khen ngợi".

2. Cằn nhằn

Hành vi này nếu kéo dài và nghiêm trọng, sẽ vô tình cắt đứt sự kiên nhẫn và tương lai tươi sáng của trẻ, tạo nên tính cách nóng nảy cho con về sau.

Bậc phụ huynh nên học cách kiểm soát tính cằn nhằn của mình. Vì không phải cứ nói nhiều là trẻ sẽ nghe.

Càng nói nhiều thì cuối cùng chỉ khiến lời nói của chúng ta trở nên vô giá trị đối với trẻ mà thôi. Xin hãy ghi nhớ!

Tục ngữ có câu: "Lời nói ra ba lần liền sẽ nhạt như nước."

Một lời nhắc nhở thiện ý thì không thành vấn đề, nhưng nếu nó bắt đầu biến thành sự cằn nhằn thì sẽ mang lại tác động tiêu cực.

Để khắc phục, sau này khi muốn trẻ ghi nhớ điều gì đó, bạn chỉ cần nói một lần và yêu cầu trẻ nhắc lại, như vậy sẽ có hiệu quả hơn.

Khi nói, hãy nhìn vào mắt con, để cho con thấy sự chân thành và nghiêm túc. Những chi tiết nhỏ như vậy sẽ giúp cho việc giao tiếp giữa chúng ta và trẻ nhỏ trở nên suôn sẻ hơn.

Càng nói nhiều thì cuối cùng chỉ khiến lời nói của chúng ta trở nên vô giá trị đối với trẻ mà thôi. Ảnh minh họa

Càng nói nhiều thì cuối cùng chỉ khiến lời nói của chúng ta trở nên vô giá trị đối với trẻ mà thôi. Ảnh minh họa

3. Để trẻ thoát khỏi các trách nhiệm

Mặc dù bạn có thể nghĩ rằng các công việc nhà sẽ gây áp lực cho con, khiến chúng hết thời gian học hành, nhưng thực ra làm việc nhà sẽ giúp trẻ trở thành những công dân có trách nhiệm hơn.

Làm các việc phù hợp với lứa tuổi giúp trẻ có được cảm giác làm chủ và hoàn thành công việc.

Dù bạn giao cho con phơi quần áo hay đi đổ rác thì trách nhiệm nào cũng là cơ hội để trẻ thấy mình có khả năng và năng lực.

4. Áp đặt

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một câu chuyện khiến nhiều người bức xúc. Có một cậu bé trốn trong một tòa nhà, trên người chỉ có chiếc quần lót.

Khi người dân trong khu dân cư phát hiện, họ lập tức gọi cảnh sát để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra. Người hàng xóm tốt bụng đã mang quần áo cho em, nhưng em không nhận đồ, cũng không đáp lại.

Mãi đến khi cảnh sát đến hỏi thăm mọi người mới biết, thì ra vì điểm thi không tốt nên cậu bé bị lột quần áo và đuổi ra khỏi nhà.

Có thể thấy, đứa trẻ rõ ràng bị kích động, trạng thái tinh thần rất tệ, khi người lớn hỏi nơi ở, cậu bé không nói gì mà chỉ dùng tay ra hiệu.

Dù trẻ em không phải là người lớn nhưng chúng vẫn có lòng tự trọng. Cha mẹ xem thường con, điều này sẽ khiến con cái cảm thấy tự ti, rụt rè.

Nhiều cha mẹ áp đặt, luôn cho rằng lời nói của bản thân mình là đúng, không bao giờ lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con cái.

Mỗi khi con cái nêu ý kiến hay giải thích thì bị cha mẹ quy chụp là hay cãi, trả treo. Họ dùng những từ ngữ thóa mạ, xúc phạm con cái.

Một số người mỗi khi tranh luận với con cái mà đuối lý liền bắt đầu chửi bới, dùng đòn roi, bạo lực để trấn áp.

Khi con cái sai thì bắt con phải xin lỗi, nhưng khi bản thân sai thì một câu xin lỗi cũng không có.

Họ cũng soi mói, xét nét trong mọi hành động của con và dùng vũ lực mỗi khi con không theo ý mình. Ngoài ra họ không tôn trọng sở thích, cá tính của con.

Cha mẹ không tôn trọng con cái có thể khiến con mất đi sức mạnh nội tâm. Chỉ một đứa trẻ có lòng tự trọng mới có thể hấp thụ năng lượng tích cực để lớn lên một cách vô tư và lành mạnh.

Cha mẹ khôn ngoan nhận ra rằng con cái là một cá thể độc lập. Họ không chỉ tôn trọng quyền sở hữu, không lục lọi đồ dùng của con khi chưa được sự đồng ý mà còn tôn trọng suy nghĩ độc lập, không can thiệp quá nhiều vào chuyện riêng tư của con, để con có quyền lựa chọn cuộc sống của mình.

Bởi họ tin rằng tình yêu có ranh giới không có nghĩa là thờ ơ, cũng không có nghĩa là phớt lờ mà là cùng con lớn lên với một thái độ chín chắn, thấu hiểu.

Cha mẹ không tôn trọng con cái có thể khiến con mất đi sức mạnh nội tâm. Ảnh minh họa

Cha mẹ không tôn trọng con cái có thể khiến con mất đi sức mạnh nội tâm. Ảnh minh họa

5. So sánh

Hành vi này sẽ chặt đứt sự tự tin của trẻ nếu như bạn thực hành sai cách. Nếu có so sánh thì chỉ nên so sánh theo "hướng tung", chứ đừng theo "hướng hoành".

"Hướng hoành" là đề cập đến việc so sánh con với những đứa trẻ khác, hành động này mang đến cái hại nhiều hơn cái lợi. Bởi vì dù con bạn có giỏi đến đâu thì ở bên ngoài kia vẫn sẽ luôn có người giỏi hơn chúng.

Đó gọi là "thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân". So sánh như thế sẽ khiến trẻ luôn cảm thấy bản thân mãi mãi không bao giờ đủ tốt, cho dù chúng có phấn đấu đến đâu.

Muốn tốt cho con thì chỉ nên so sánh con theo "hướng tung", nghĩa là hãy so sánh con của ngày hôm nay và chính con của ngày hôm qua. Điều này giúp khuyến khích và hướng dẫn trẻ em phát triển theo hướng tích cực.

Hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua, ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay, đây là một sự tăng trưởng lành mạnh. Nó sẽ cho trẻ cảm giác hạnh phúc, đủ đầy và tự tin hơn.

Bạn có thể nói với con những câu tương tự như thế này để khích lệ trẻ: "Mặc dù hôm nay kết quả vẫn không như ý muốn, nhưng mẹ nhìn thấy được con đã cố gắng rất nhiều, con đã làm tốt hơn hôm qua rồi. Mẹ hy vọng ngày mai con sẽ có biểu hiện xuất sắc hơn nhé!"

6. Mong đợi sự hoàn hảo

Kỳ vọng cao là lành mạnh, nhưng kỳ vọng quá nhiều có thể gây hậu quả.

Khi những đứa trẻ nhận thấy những kỳ vọng của cha mẹ quá cao, chúng thậm chí không buồn cố gắng hoặc chúng có thể cảm thấy như thể chúng sẽ không bao giờ đạt được.

Thay vào đó, hãy đưa ra những kỳ vọng rõ ràng cho dài hạn và đặt các mốc quan trọng trên quá trình thực hiện.

Ví dụ: đi học đại học là một kỳ vọng dài hạn, vì vậy hãy giúp trẻ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn: đạt điểm cao, làm hết bài tập về nhà, đọc sách...

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/con-lon-len-tu-ti-luong-lu-kho-thanh-dat-vi-6-thoi-quen-kho-sua-cua-cha-me-172241212102621569.htm