Cảnh giác với sốt rét khi đang vào mùa thu hoạch keo ở Khánh Hòa

Dù đã triển khai nhiều biện pháp để khống chế các 'điểm nóng' về sốt rét ở Khánh Hòa, nhưng số ca mắc mới vẫn tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, đang là trong cao điểm mùa keo ở địa phương hiện nay.

Lơ là, chủ quan là mắc sốt rét ngay

Năm 2023 là năm có số ca mắc sốt rét tăng đột biến ở Khánh Hòa. Nếu cả năm 2022 toàn tỉnh này chỉ có 12 ca sốt rét thì từ đầu năm 2023 đến nay đã có trên 190 ca. Số bệnh nhân sốt rét ở Khánh Hòa tập trung hơn 90% tại huyện Khánh Vĩnh, trong đó 'điểm nóng' là ở xã Khánh Thượng, xã Sơn Thái, xã Khánh Thành…

Người mắc sốt rét chủ yếu là những người đi làm rừng, ngủ lại ở rẫy và không chú ý đến việc mắc màn đề chống muỗi.

Trước tình trạng trên, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã thành lập các đội cơ động xử lý sốt rét về tận các thôn, xã ở Khánh Vĩnh để tuyên truyền cách phòng lây bệnh sốt rét. Phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, phối hợp cấp phát màn đã tẩm hóa chất cho các đối tượng đi rừng, ngủ rẫy.

Cùng với đó, hỗ trợ lực lượng y tế tuyến xã, tuyến huyện khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm người mắc bệnh để ngăn chặn sự lây lan. Do vậy, một số 'điểm nóng' đã hạ nhiệt dần.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm sốt rét ở Khánh Vĩnh.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm sốt rét ở Khánh Vĩnh.

Tuy nhiên, hiện nay đang là cao điểm mùa keo (cây gỗ tràm), nhiều người đi thu hoạch chủ quan, không đề phòng bệnh sốt rét nên đã mắc bệnh.

Bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phu trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết: "Đã ghi nhận nhiều ca mắc sốt rét là người đi chặt keo, bóc vỏ gỗ keo.

Vậy nên, biện pháp cần phải làm ngay để hạn chế gia tăng việc bệnh nhân sốt rét là những chủ rừng keo hay doanh nghiệp thuê người đi thu hoạch keo phải tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh sốt rét cho nhân công mình đã thuê.

Phải trang bị màn cho những người ngủ lại rừng keo. Bên cạnh đó, giám sát chặt chẽ nhân công mình thuê, khi phát hiện ai có triệu chứng mắc sốt rét như: Đau đầu, sốt, lạnh run…cần báo ngay với cơ quan y tế gần nhất.

Chính quyền xã, phường, nơi có nhiều rừng keo đang vào mùa thu hoạch cũng phải tăng cường giám sát bệnh sốt rét, đến tận các rừng keo để nhắc nhở chủ rừng cũng như nhân công đi thu hoạch đề phòng sốt rét".

Người đi thu hoạch keo cần đề phòng bệnh sốt rét (ảnh: C.T).

Người đi thu hoạch keo cần đề phòng bệnh sốt rét (ảnh: C.T).

Cũng theo bác sĩ Toàn, những khu vực thường có muỗi truyền bệnh sốt rét như rừng keo ở Khánh Vĩnh, chỉ cần chủ quan một chút là có thể mắc bệnh ngay. Có người ra khỏi màn hút thuốc trong ít phút, bị muỗi truyền bệnh sốt rét đốt là nhiễm bệnh ngay.

"Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, bệnh lây truyền từ người này sang người khác khi những người này bị muỗi Anophen đốt. Khi điều trị đúng cách, người bị sốt rét có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển nhanh, gây biến chứng nguy hiểm. Thế nên khi người dân có các triệu chứng bất thường về sức khỏe cần đến cơ sở y tế ngay để được khám, tư vấn, điều trị, nhất là những người đang đi thu hoạch keo như hiện nay"- Bác sĩ Tôn Thất Toàn khuyến cáo.

Phun hóa chất phòng bệnh sốt rét tại các 'điểm nóng' ở Khánh Vĩnh.

Phun hóa chất phòng bệnh sốt rét tại các 'điểm nóng' ở Khánh Vĩnh.

Liên quan đến việc ngăn chặn bệnh sốt rét, UBND huyện Khánh Vĩnh cũng thông tin, các cơ quan, đoàn thể của địa phương đang đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu rõ dấu hiệu của bệnh sốt rét. Hướng dẫn người dân khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở y tế để điều trị kịp thời…

Nội dung truyền thông thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc với tần xuất 2 lần/ngày trên đài truyền thanh các xã. Đồng thời thực hiện tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, áp phích. Vận động những người thường xuyên đi làm rừng, ngủ rẫy chủ động đi xét nghiệm sốt rét…

Hà Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-voi-sot-ret-khi-dang-vao-mua-thu-hoach-keo-o-khanh-hoa-169231221154946507.htm