Cảnh giác với thủ đoạn của tội phạm ma túy qua đường hàng không
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, số lượng ma túy thu giữ được trên tuyến đường hàng không trong 3 tháng đầu năm 2023 rất lớn, lên tới hàng trăm kg một vụ.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, từ năm 2020 đến tháng 3/2023, lực lượng Công an và Hải quan đã phát hiện, đấu tranh khám phá nhiều chuyên án, đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không từ các nước châu Âu như Đức, Hà Lan, Anh, Bỉ, Pháp... về Việt Nam. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 276 vụ với 110 đối tượng; thu giữ vật chứng là 1.359 kg ma túy tổng hợp; 17,723kg ketamin; 29,24kg heroin; 61kg ma túy đá; 13,73kg cocain; 375,8kg cần sa; 11 kg cỏ Mỹ; 1 khẩu súng, 150 viên đạn và nhiều tài liệu có liên quan.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2023, số vụ vận chuyển ma túy qua Cửa khẩu sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) lên đến 10 vụ, bắt 21 đối tượng, vật chứng thu giữ 592 kg ma túy tổng hợp.
Theo Thượng tá Đoàn Tất Nam, Phó trưởng Phòng 7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Tội phạm ma túy thiết lập đường dây không phải ở trong nước mà từ nước ngoài vận chuyển ma túy về Việt Nam. Đối tượng chủ mưu cầm đầu đều là người Việt, sinh sống, học tập, lao động ở nước ngoài, sau đó móc nối với các đối tượng ở trong nước để vận chuyển ma túy về Việt Nam.
Đáng lo ngại, trong 3 tháng gần đây, lượng ma túy thu giữ được rất lớn, lên tới hàng trăm kg một vụ. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không rất đa dạng, phức tạp. Đối tượng lợi dụng loại hình du lịch, lợi dụng mua bán hàng ký gửi ở sân bay, lợi dụng vận chuyển hàng hóa qua công ty logistics để vận chuyển ma túy vào Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không diễn biến phức tạp, Thượng tá Đoàn Tất Nam cho biết: Do áp lực từ 4 trung tâm sản xuất ma túy của thế giới rất lớn, đặc biệt là châu Âu, là trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp để đưa ra thị trường thế giới. Với máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, chất lượng ma túy có tinh khiết cao, độ "phê" cao, giá thành rẻ và đặc biệt, từ châu Âu về Việt Nam đường hàng không rất thuận tiện. Do vậy, tội phạm lợi dụng để vận chuyển ma túy về sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Một nguyên nhân khác khiến tình hình mua bán, vận chuyển ma túy phức tạp là lợi nhuận. Ở châu Âu, giá ma túy rất rẻ, về Việt Nam giá tăng lên gấp 5 đến 10 lần. Bất chấp việc lực lượng chức năng triệt phá nhiều vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, bắt giữ cả đường dây, thu được số lượng ma túy rất lớn, vì lợi nhuận mang lại rất cao, các đối tượng vẫn tiếp tục tìm cách vận chuyển ma túy về Việt Nam.
Ngoài ra, công tác phối hợp quốc tế trong đấu tranh chống tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không còn chưa kịp thời, chưa triệt để. Các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận khách đi máy bay còn đơn giản, có trường hợp khách nghĩ rằng xách hàng không biết bên trong có gì là không có tội. Do vậy, tội phạm ma túy lợi dụng việc này để vận chuyển ma túy qua đường hàng không.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với lực lượng Hải quan, Công an các địa phương có địa bàn trọng điểm, đặc biệt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, họp bàn giải pháp, chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm này, không để tình hình diễn biến phức tạp. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các lực lượng đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn vận chuyển ma túy trên tuyến đường hàng không để doanh nghiệp, người dân nắm vững, không để tội phạm lợi dụng vào hành vi vận chuyển ma túy.
Để ngăn chặn tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không, bên cạnh công tác tuyên truyền, theo Thượng tá Đoàn Tất Nam, cần phải đấu tranh làm giảm nguồn cầu. Lãnh đạo Bộ Công an đã phân công trách nhiệm các đơn vị, địa phải triệt xóa, vô hiệu hóa các điểm sử dụng trái phép chất ma túy, không để tụ điểm phát sinh. Công tác cai nghiện phải làm tốt để hạn chế người nghiện ở ngoài xã hội; quản lý người nghiện để không tái nghiện. Cùng với đó, các lực lượng phải phối hợp với cơ quan phòng, chống ma túy quốc tế phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát, chủ động thu thập tài liệu, dựng đường dây để đấu tranh triệt để, bắt được đối tượng chủ mưu cầm đầu.
Nếu để ma túy thẩm lậu vào nội địa mới phát hiện, hiệu quả công tác điều tra rất hạn chế. Đối tượng vẫn tiếp tục vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam.
Đồng thời, lực lượng Công an phải phối hợp với các cơ quan liên quan, đặc biệt là hải quan, nhằm xác định tuyến trọng điểm, địa bàn trọng điểm, đối tượng trọng điểm để dựng các đường dây, thu thập tài liệu, đấu tranh chuyên án chung. Công tác điều tra phải triệt để, bắt các đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài, thu được vật chứng là ma túy để triệt nguồn tài chính của tội phạm. Đặc biệt, cơ quan công an phải bắt giữ được toàn bộ đường dây, chứng minh được tội phạm, nhưng không làm oan người vô tội.
Theo Thượng tá Đoàn Tất Nam, tội phạm ma túy nói chung và tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không nói riêng đã xác định, khâu vận chuyển là yếu nhất, dễ bị lộ, dễ bị phát hiện. Do đó, chúng thường không tham gia vào khâu vận chuyển và quá trình vận chuyển, mà tìm cách sử dụng các thủ đoạn, phương thức lợi dụng. “Chính vì thế, thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc xách hàng là ma túy đã gây ra sự việc rất đáng tiếc", Thượng tá Đoàn Tất Nam nhấn mạnh.
Theo cảnh báo của Cục, tội phạm ma túy hiện nay đang có rất nhiều phương thức, thủ đoạn để vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không. Theo đó, các đối tượng tội phạm thông qua mạng xã hội để kết bạn với phụ nữ có hoàn cảnh éo le, sau đó đưa, hứa hẹn ra nước ngoài du lịch. Quá trình đi du lịch miễn phí, đối tượng đưa vali, hàng hóa có ma túy để các phụ nữ trên vận chuyển.
Các đối tượng cũng lợi dụng các trường hợp là sinh viên, học sinh đi du học, hay người Việt Nam sang lao động nước ngoài. Quá trình các trường hợp đi du học, làm việc này trên đường quay về nước, các đối tượng tội phạm mua suất hành lý ký gửi của họ và tìm cách lồng ma túy trong đó. Và bằng mánh khóe rất tinh vi, chúng xóa hết dấu vết khi gửi hàng vào. Khi bị phát hiện, bắt giữ, các hành khách đi máy bay lúc đó mới biết hàng của các đối tượng nhờ gửi có chứa ma túy nhưng lại không biết đối tượng và hàng đó là của ai.
Tội phạm ma túy còn lợi dụng lòng tốt của những người thiếu kinh nghiệm, hoặc những người đi máy bay lần đầu, người già, người tàn tật, người có con nhỏ đẻ trông hành lý, xách hộ hành lý, trong hành lý có ma túy.
Trước các thủ đoạn tinh vi này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khuyến cáo: Những người đi máy bay phải quản lý tốt hành lý của mình, tránh để các đối tượng đưa ma túy lẫn vào hành lý của mình. Bất kỳ trong trường hợp nào, đối với người lạ, gửi hoặc trông hộ hành lý nên từ chối.
Khi cho gửi nhờ hoặc bán suất hành lý ký gửi phải biết người gửi đó là ai, thông tin người đó phải chính xác; có thể cùng đóng gói để xác định được hàng hóa đó có phải là chất cấm hay ma túy. Nếu xác định chính xác được thì mới cho gửi. Khi các đối tượng giả danh người có hoàn cảnh gửi, cần liên hệ nhân viên sân bay để hỗ trợ, có kinh nghiệm và xử lý chuẩn.
Đưa ra những khuyến cáo trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy mong muốn người dân thường xuyên cập nhật phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không để cảnh giác, không bị tội phạm ma túy lợi dụng, không rơi vào hoàn cảnh có những hậu quả nặng nề vì hình phạt đối với tội phạm ma túy rất nặng.